Việt Nam - Hoa Kỳ mở ra khuôn khổ hợp tác mới

“Về tổng thể, có thể nói chuyến thăm thành công tốt đẹp. Cuộc gặp quan trọng nhất, đáng chú ý nhất là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Obama tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng. Đây thực sự là cuộc gặp lịch sử”. TS Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao, đã nhìn nhận như thế về chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa kết thúc.

Những chuyển biến rõ nét

. Phóng viên: Diễn biến chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư có điểm gì đáng chú ý, thưa ông?

+ TS Trần Việt Thái: Về mặt lễ tân, phía Hoa Kỳ đã tiếp đón, đối đãi với Tổng Bí thư và đoàn Việt Nam ở mức cao nhất, trọng thị nhất. Đó là sự công nhận lẫn nhau. Hoa Kỳ không chỉ công nhận độc lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam (VN) mà còn nhắc lại nội dung từ tuyên bố quan hệ đối tác toàn diện, là công nhận, tôn trọng thể chế chính trị VN. Đấy là sự công nhận tính chính danh của Đảng CSVN trong vai trò lãnh đạo đất nước VN. Đồng thời, thừa nhận giữa hai nước có khác biệt về thể chế chính trị, còn bất đồng về các vấn đề như dân chủ, nhân quyền nhưng thông qua hữu nghị trao đổi thì hoàn toàn có thể hợp tác với nhau, vì lợi ích của hai nước, vì hòa bình ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Một sự kiện cũng rất đáng chú ý là Tổng Bí thư gặp lãnh tụ các tôn giáo, các chức sắc Hoa Kỳ. Cuộc gặp có mặt cả những chức sắc tôn giáo VN đi cùng đoàn Tổng Bí thư. Điều đó chuyển thông điệp rất mạnh mẽ là VN sẵn sàng đối thoại trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau về những vấn đề còn khác biệt, kể cả những vấn đề nhạy cảm. Cách tiếp cận của Tổng Bí thư, của đoàn VN là không né tránh. Cách tiếp cận ấy là hiện đại, làm cho người Mỹ tin rằng VN thực tâm, đáng tin cậy, qua đó thúc đẩy xây dựng niềm tin lẫn nhau.

. Phản ứng của dư luận Mỹ như thế nào?

+ Báo chí Mỹ về tổng thể rất quan tâm tới sự kiện này. Tông, giọng chung là khá tích cực. Kể cả những vấn đề họ vốn hay chỉ trích như dân chủ, nhân quyền thì đợt này họ giảm đi rất nhiều; cách bình luận, phân tích phải chăng hơn, sát thực tế VN hơn. Báo chí Mỹ đã quan tâm nhiều hơn tới khía cạnh hợp tác Việt-Mỹ, cơ hội và triển vọng tương lai.

Báo chí Mỹ cũng đã công nhận những thành tựu của VN trong hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế, chăm lo và bảo đảm quyền con người...

. Thông điệp truyền đi của Tổng Bí thư đối với cộng đồng người Việt ở hải ngoại được đón nhận thế nào, thưa ông?

+ Cuộc gặp của Tổng Bí thư với bà con Việt kiều cũng mang nhiều ý nghĩa. Hàng triệu triệu kiều bào bên đó, ra đi với nhiều lý do khác nhau, thời điểm, tư tưởng nhận thức cũng khác nhau. Chuyến đi và cuộc gặp này chuyển đi một thông điệp có tính hòa giải mạnh mẽ, rằng: Dân tộc VN là một, dù ở đâu, dù có chính kiến khác nhau, chúng ta vẫn có chung một tổ quốc. Cuộc gặp có ý nghĩa sâu sắc, nhân văn, bởi khác với các chuyến thăm, gặp gỡ kiều bào của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, lần này là chuyến đi của người đứng đầu Đảng CSVN với những người vốn không ưa cộng sản. Điều này được cảm nhận rõ qua báo chí hải ngoại. Tông, giọng của họ mềm hẳn, bớt cực đoan, dễ nhận thấy những gì cay cú, chỉ trích cực đoan đã giảm hẳn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng quà lưu niệm cho cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton tại Kittle House ở ngoại ô thành phố New York, Hoa Kỳ. Ảnh: TTXVN

Thực sự khép lại quá khứ để hướng tới tương lai

. Diễn văn, bài phát biểu, tuyên bố của chính giới Mỹ có gì đáng chú ý?

+ Có một sự kiện đáng chú ý là sau cuộc hội đàm với Tổng thống Obama, dự kiến ban đầu Ngoại trưởng John Kerry sẽ chủ trì tiệc chiêu đãi. Nhưng phía Mỹ đã điều chỉnh, để Phó Tổng thống Joe Biden chủ trì. Trong buổi tiệc ấy, ông Joe Biden còn lẩy Kiều và dùng những lời rất hữu nghị với đoàn VN. Dường như có một sự hứng khởi, háo hức trong chính giới Mỹ. Họ thấy thực sự khép lại được quá khứ để hướng tới tương lai.

Trong quan hệ với VN, ta tập trung vào hai nhóm chính giới.

Nhóm những người bạn cũ của VN mà tiêu biểu là các ông John McCain, John Kerry... Họ là những cựu chiến binh Mỹ cuối cùng, từng tham chiến tại VN, còn tham gia chính quyền Mỹ. Tôi tin trong sâu thẳm trái tim, họ muốn làm gì đó thực sự có ý nghĩa trước khi rời nhiệm sở.

Cùng với nhóm bạn cũ, từ lâu chúng ta đã nỗ lực xây dựng các mối quan hệ bạn bè mới. Chuyến đi này của Tổng Bí thư có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng, củng cố quan hệ cá nhân tin cậy với những nhân vật mới trong chính trường Mỹ. Đó là ông David Shear (cựu đại sứ Mỹ tại VN, hiện là trợ lý bộ trưởng Quốc phòng), là Evan Medeiros (cố vấn an ninh của Hội đồng An ninh quốc gia), Daniel Russel (trợ lý ngoại trưởng phụ trách châu Á-Thái Bình Dương)... Những nhân vật đó đứng sau, thầm lặng nhưng đóng góp rất quan trọng vào tiến trình thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Họ sẽ đại diện cho thế hệ bạn bè mới của VN, không chỉ trong chính quyền mà cả trong quốc hội Mỹ.

. Còn phía ta thì sao, những cụm từ “người bạn Mỹ”, “bạn lớn” dường như lần đầu tiên được sử dụng ở cấp cao nhất là Tổng Bí thư...?

+ Chiến tranh VN đã qua 40 năm, bình thường hóa quan hệ được 20 năm. Nhìn lại có thể thấy quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã vượt qua được hai chặng đường, mà đầu tiên là từ kẻ thù thành bạn. Giai đoạn này, ông Bill Clinton đóng vai trò quan trọng, là vị tổng thống quyết định dỡ bỏ cấm vận, thiết lập quan hệ ngoại giao với VN.

Trong gia đình chính trị danh giá này còn có bà Hillary Clinton, ở cương vị ngoại trưởng đã thúc đẩy để quan hệ hai nước bước sang chặng đường thứ hai, từ quan hệ bạn bè lên tầm quan hệ đối tác toàn diện và hơn thế, có những nội hàm còn mang ý nghĩa chiến lược. Khi thăm gia đình Clinton, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dùng từ “người bạn lớn của nhân dân VN” là thể hiện sự nhìn nhận, đánh giá trân trọng ấy. Những lời lẽ ấy cùng với các cuộc gặp những chính khách Mỹ khác bày tỏ sự mong muốn duy trì, phát triển các mối quan hệ bạn bè không chỉ với gia đình ông bà Clinton mà với các thế hệ lãnh đạo Mỹ.

. Những gì Tổng Bí thư phát biểu, chia sẻ với Tổng thống Obama, chính giới và nhân dân Mỹ có phản ánh những điểm mới nào trong thay đổi nhận thức của VN trong quan hệ với Mỹ không?

+ Không phải là thay đổi mà là sự phát triển về nhận thức. Điều thấy rõ nhất là chuyến đi này đã thúc đẩy quan hệ giữa Đảng CSVN với các chính đảng cầm quyền của Mỹ.

Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ phục hồi 20 năm nhưng kênh đảng chưa phát triển được bao nhiêu. Phải tới những năm gần đây mới có các đoàn nghị sĩ hai đảng Dân chủ, Cộng hòa của Mỹ sang thăm VN và ngược lại, mới có các đoàn do các ủy viên Bộ Chính trị Đảng CSVN sang thăm, làm việc với đối tác Hoa Kỳ. Chuyến thăm này của Tổng Bí thư củng cố kênh đối ngoại này, giúp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ vững chắc hơn, sâu sắc hơn, mở ra các khuôn khổ hợp tác mới trong tương lai.

. Xin cám ơn ông.

Tổng Bí thư kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ

Chiều 12-7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

Trong thời gian chuyến thăm (từ ngày 6 đến 10-7), tại thủ đô Washington, D.C., Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm với Tổng thống Barack Obama; tiếp đại diện thương mại Michael Froman; tiếp các lãnh đạo tôn giáo Hoa Kỳ, gặp gỡ đại diện các tầng lớp xã hội Việt Nam - Hoa Kỳ và các nghị sĩ Hoa Kỳ.

Nhân dịp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng và trao đổi về quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong giai đoạn phát triển mới tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS); dự tọa đàm với các doanh nghiệp hàng đầu của Hoa Kỳ; chứng kiến lễ ký kết nhiều văn kiện hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, giữa Việt Nam và Ngân hàng Thế giới.

Tại TP New York, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội kiến Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon; đến thăm gia đình cựu Tổng thống Bill Clinton tại Kittle House; tiếp đại diện lãnh đạo Đảng Cộng sản Hoa Kỳ và gặp gỡ bạn bè cánh tả Hoa Kỳ; nói chuyện thân mật với đông đảo bà con Việt kiều và lưu học sinh Việt Nam tại Hoa Kỳ; gặp gỡ, trao đổi với nhóm trí thức ĐH Harvard...

Nhân chuyến thăm, hai bên đã thông qua Tuyên bố về Tầm nhìn chung quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ. Hai bên khẳng định tiếp tục triển khai quan hệ sâu sắc, bền vững và thực chất, trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế và thể chế chính trị, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Đồng thời cam kết thúc đẩy tối đa lợi ích chung và sự hợp tác ở cấp độ song phương và đa phương, vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới. (Theo VIETNAM+)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm