Vinashin sụp đổ: “Dục tốc bất đạt”!

Vinashin sụp đổ: “Dục tốc bất đạt”! ảnh 1

Đáng lẽ hằng năm Chính phủ phải buộc Vinashin thuê kiểm toán độc lập.

Chuyện nợ nần, kinh doanh thua lỗ của Vinashin đã được cảnh báo từ lâu, rõ nhất là trong đợt Quốc hội giám sát về các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hồi cuối năm 2009. Nhưng tại sao Vinashin vẫn được vay số tiền khổng lồ để đến giờ số nợ gấp gần chục lần số vốn của chủ sở hữu? Trách nhiệm có dừng lại ở ông chủ tịch HĐQT của tập đoàn này?

Ngày 7-7, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Vũ Trọng Khải (nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn 2) cho rằng vấn đề là ở chỗ Chính phủ xác định chiến lược phát triển công nghiệp đóng tàu của Việt Nam chưa hợp lý và đặc biệt chính sách thúc đẩy ngành công nghiệp đóng tàu quá nóng, vượt quá khả năng quản lý của con người.

Chưa tuân thủ kiểm toán định kỳ

. Thưa ông, các món nợ làm ăn thua lỗ của Vinashin được cảnh báo từ lâu nhưng mãi đến nay mới chính thức bung ra. Vì sao vậy?

+ Đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thì ở nước nào cũng thế, chính phủ đều đóng ba vai trò cùng một lúc. Đó là chính phủ phải quản lý DN nói chung, DNNN nói riêng theo pháp luật; chính phủ là chủ sở hữu vốn và có thể chính phủ là chủ nợ. Trong trường hợp của Vinashin, Chính phủ đã quá lạm dụng vai trò của mình trong việc đầu tư phát triển ngành công nghiệp đóng tàu quá nóng và tạo lập một tập đoàn quy mô vượt khả năng quản lý. Trong khi đó, Chính phủ lại không sử dụng công cụ kiểm toán để giám sát Vinashin. Ở đây cho thấy vai trò kiểm toán độc lập chưa được đề cao đúng mức.

. Nghĩa là kiểm toán chưa chặt?

+ Với vai trò của mình, kiểm toán nhà nước muốn kiểm toán ai, lúc nào là chuyện của họ chứ cơ quan hành pháp không can thiệp được. Trừ trường hợp đơn vị đó đang xử lý vấn đề rất bức xúc, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại của nhà nước thì Chính phủ mới có quyền có ý kiến và xét thấy đúng thì kiểm toán không vào.

Vinashin đã không được kiểm toán định kỳ đến khi phát sinh ra vấn đề nhưng kiểm toán nhà nước vẫn chưa được vào cuộc. Đáng lẽ ra hằng năm Chính phủ phải buộc Vinashin thuê kiểm toán độc lập và báo cáo Chính phủ. Thế nên lâu ngày tích tụ lại nợ vỡ bùng lên đến gần trăm ngàn tỉ đồng. Người thì nói 80.000 tỉ đồng, người nói hơn 95.000 tỉ đồng. Ngay cả việc con số không thống nhất như thế cho thấy Vinashin không được kiểm toán.

Trách nhiệm không chỉ lãnh đạo Vinashin

. DN thông thường vay ngân hàng rất khó, vậy tại sao Vinashin chỉ có một đồng vốn nhưng lại có thể vay tới 10 đồng, lại còn được Chính phủ rót 750 triệu USD trái phiếu trong khi những cảnh báo nợ nần, mất khả năng chi trả có từ lâu?

+ Đương nhiên, Chính phủ một lúc đóng ba vai với DNNN. Vấn đề là Chính phủ không được cấp thêm vốn hoặc bảo lãnh cho vay khi chưa biết chắc chắn DN ấy có khả năng sử dụng vốn có hiệu quả không, chưa kể việc sử dụng ngân sách nhà nước còn phải tuân thủ Luật Ngân sách. Phải xác định trong trường hợp nào Chính phủ quyết định đầu tư, Chính phủ bảo lãnh cho vay, trong trường hợp nào Chính phủ phát hành trái phiếu. Về mặt khoa học, Chính phủ không nên phát hành trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu trên thị trường thế giới để cho DN vay.

. Nói như vậy thì trách nhiệm cho Vinashin vay quá nhiều vượt quá khả năng chi trả là của ai?

+ Đương nhiên về nguyên tắc, trách nhiệm đó thuộc về Chính phủ! Vì Chính phủ cho vay trong khi Vinashin làm ăn không hiệu quả. Suy cho cùng, vấn đề là ở chỗ việc xác định chiến lược đóng tàu Việt Nam, tạo lập ra Tập đoàn Vinashin với mức đầu tư quá lớn, quy mô tăng quá nhanh vượt quá khả năng quản lý của lãnh đạo Vinashin cũng như khả năng kiểm tra, giám sát của Chính phủ. Ngành đóng tàu là một liên ngành, phải có ngành cơ khí chế tạo động cơ, ngành luyện thép chế tạo thép, ngành điện tử để chế tạo bộ phận điều khiển... Thế mà ta đùng một cái, bằng một quyết định hành chính tạo lập một tập đoàn gồm hàng trăm DN khác nhau trải dài từ Bắc vào Nam. Điều đó đương nhiên là quá khả năng quản lý.

Cần lắng nghe ý kiến phản biện

. Nhưng việc xác định ngành đóng tàu là mũi nhọn phát triển để tập trung đầu tư cũng có lý do của nó, thưa ông?

+ Nói đi phải nói lại, trong việc xác định chiến lược thì người quyết định có thể sai chứ chẳng thể lúc nào cũng đúng. Nhưng vấn đề là có lắng nghe ý kiến phản biện của các nhà khoa học hay không. Ví dụ dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam, Chính phủ có quyền trình nhưng Quốc hội lắng nghe các nhà khoa học chưa đồng ý cho làm... Nếu giới khoa học và Chính phủ đồng tình tìm ra một chiến lược mà sau này sai thì không thể đổ lỗi cho mỗi Chính phủ và ngược lại.

. Theo ông, trước những sai phạm của Vinashin như vậy, các cơ quan chức năng phải xử lý như thế nào để xác định rõ trách nhiệm cá nhân?

+ Thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho thấy họ chỉ làm ở mức độ đảng. Cơ quan này không có chức năng cũng như chuyên môn tài chính nên không thể kiểm tra toàn diện. Nhưng đấy là một cơ sở tốt để xử lý.

Điều quan trọng nhất về pháp lý là kiểm toán nhà nước, thanh tra Chính phủ phải vào cuộc. Họ có chuyên môn thì mới xác định được sai phạm cụ thể thế nào. Chứ không phải như tuyên bố của ông tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Vinashin khi trả lời báo chí là: “Chúng tôi nợ thế nhưng tài sản rất nhiều!”. Chứng tỏ ông ta chẳng hiểu gì về kế toán, không có kiến thức tối thiểu về quản lý để ngồi ở cương vị tổng giám đốc. Như thế đã đủ để cách chức hay ít nhất là miễn nhiệm ông ta rồi.

. Xin cảm ơn ông.

THU HẰNG thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm