Vụ TQ bắt giữ tàu VN tránh bão: Vi phạm nghiêm trọng quy tắc nhân đạo

Thạc sĩ Ngô Hữu Phước, Tổ trưởng bộ môn Luật Quốc tế, khoa Luật Quốc tế, Đại học Luật TP.HCM, khẳng định như trên về việc Trung Quốc bắt 13 ngư dân Việt Nam (không phải 14 như đã đưa trên Báo Pháp Luật TP.HCM số ra ngày hôm qua, 5-8) đi trên tàu cá QNg-95031TS khi tàu đang di chuyển tránh áp thấp nhiệt đới trên khu vực quần đảo Hoàng Sa.

Chị Đỗ Thị Vấn, vợ ngư dân Nguyễn Tấn Lự lại nặng gánh lo âu cho tàu và người thân của mình bị Trung Quốc bắt lần thứ hai. Ảnh: LN
Chị Đỗ Thị Vấn, vợ ngư dân Nguyễn Tấn Lự lại nặng gánh lo âu cho tàu và người thân của mình bị Trung Quốc bắt lần thứ hai. Ảnh: LN

Thạc sĩ Phước cho biết theo tập quán quốc tế có từ hàng ngàn năm nay (từ thời kỳ chiếm hữu nô lệ), nước ven biển phải cho tàu thuyền của bất kỳ quốc gia nào khác đi vào vùng biển của mình khi họ gặp trường hợp bất khả kháng. Theo đó, khi gặp thiên tai, cướp biển, tai nạn hay những vấn đề liên quan đến sức khỏe, tính mạng của những người trên đang đi trên biển..., bất cứ tàu thuyền nào cũng có thể đi vào vùng biển của một quốc gia khác (thậm chí vào tận cảng biển và kể cả khi hai nước đó đang có chiến tranh) mà không cần phải xin phép. Họ chỉ việc thông báo để cho quốc gia đó biết tình hình và tạo điều kiện để giúp đỡ.

“Như vậy, việc Trung Quốc bắt giữ tàu đang trên đường đi tránh bão là vi phạm nghiêm trọng quy tắc nhân đạo quốc tế về cứu hộ trên biển, chưa kể đến tình hữu hảo láng giềng mà Việt Nam và Trung Quốc đã xây dựng nhiều năm qua” - thạc sĩ Phước nói.

Ngoài ra, cũng theo thạc sĩ Phước, việc Trung Quốc bắt giữ tàu Việt Nam còn vi phạm Quy tắc ứng xử biển Đông mà chính nước này và Asian đã ký vào tháng 3-2000. Một trong những nguyên tắc này thể hiện sự cam kết hợp tác để đảm bảo an ninh cho tàu bè qua lại.

Lần thứ hai bị Trung Quốc bắt

“Tháng 2 vừa rồi, Trung Quốc cũng bắt tàu của vợ chồng tôi. Khi đó vì lo sự an nguy của chồng và anh em trên tàu nên tôi vội vã chạy đủ nơi để vay mượn trên 150 triệu đồng nộp cho phía Trung Quốc chuộc người và tàu về. Ai dè, mới chuộc về đi được thêm vài chuyến cá thì Trung Quốc lại bắt giữ”. Trong căn nhà nhỏ nằm khuất sâu trong xóm chài Định Tân (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), chị Đỗ Thị Vấn, vợ của ngư dân Nguyễn Tấn Lự - chủ tàu QNg-95031 uất nghẹn. Chị Vấn nói tài sản có bao nhiêu dồn hết vào chiếc tàu nhưng giờ gần như vợ chồng chị sắp trắng tay.

Đến chiều 5-8, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu, thông tin cho biết 13 ngư dân trên tàu ông Lự vẫn mất liên lạc. Phía Trung Quốc cũng chưa gọi điện thoại về gia đình ngư dân đòi tiền chuộc như các vụ trước.

LUẬN NGỮ

THANH LƯU ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm