Xây dựng những đạo luật ngắn gọn

Chúng tôi đã đem những băn khoăn này trao đổi với Phó Chủ tịch QH khóa XII Uông Chu Lưu nhằm tìm lời giải đáp.

Rút gọn quy trình làm luật

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nói: Kế thừa thành quả khóa trước, QH khóa XII cũng sẽ tập trung đổi mới nhiều nhất là ở hoạt động lập pháp. Cụ thể, ngay tại kỳ họp này, QH đang thảo luận Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Luật này sẽ nhằm thay đổi, cải tiến công tác lập pháp ở tất cả các khâu: từ khâu lập chương trình, chuẩn bị các dự án luật đến lúc QH thảo luận và thông qua.

Việc chuẩn bị chương trình sẽ thể hiện rõ thứ tự ưu tiên trong danh mục các dự án luật, bắt buộc phải nêu rõ đòi hỏi thực tiễn và dữ liệu khoa học của dự án luật được đưa vào chương trình. Ở khâu soạn thảo thì sẽ nâng trách nhiệm các ban soạn thảo. Cơ quan chủ trì soạn thảo phải tổng kết thực tiễn các văn bản pháp luật liên quan đến quan hệ xã hội mà luật đó điều chỉnh. Cần mạnh dạn đổi mới phương thức soạn thảo luật, đừng có theo hướng làm những bộ luật quá cầu toàn, mong muốn cái gì cũng từ A đến Z.

. Thưa ông, nghĩa là chúng ta cần có những đạo luật gọn hơn, cụ thể hơn?

+ Đúng vậy. Cần hướng đến ban hành những đạo luật điều chỉnh những vấn đề rất cụ thể, cần kíp, ban hành xong thực hiện được ngay. Không nên làm những luật lớn, phức tạp, liên quan đến nhiều vấn đề. Cạnh đó, việc đề xuất luật ra QH cũng không nhất thiết phải là những chủ thể truyền thống lâu nay như từ phía các bộ, các tổ chức mà nên mở rộng ra và tạo điều kiện để các đại biểu QH đưa ra sáng kiến luật của mình.

Phải giải thích việc tiếp thu ý kiến nhân dân

. QH khóa XII sẽ kế thừa thành quả của khóa trước trong việc đổi mới quy trình làm luật. Ông có thể nói cụ thể hơn về việc này?

+ Chủ trương chung là nên rút ngắn thời gian các kỳ họp. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là rút ngắn thời gian nhưng đồng thời vẫn phải bảo đảm hiệu quả công việc và chương trình đặt ra. Thế nên QH phải đổi mới cách thức tổ chức, phương pháp làm việc. Ví dụ như trước đây nói là QH “làm văn tập thể” nhưng bây giờ đổi mới cách làm luật nên thời gian thông qua một dự án luật là rất nhanh.

Sắp tới, quy trình này sẽ còn được đổi mới hơn nữa. Cụ thể là dự thảo luật sẽ được gửi sớm cho các đoàn đại biểu QH để thảo luận và lấy ý kiến nhân dân. Khi đưa ra QH thì ngay cả vấn đề kỹ thuật lập pháp thì đại biểu QH cũng không cần phải thảo luận ở hội trường mà ghi thẳng vào dự thảo và gửi lên đoàn thư ký. Đoàn thư ký và ban soạn thảo có trách nhiệm tiếp thu từng ý kiến, tổng hợp để chỉnh lý và báo cáo QH.

. Theo ông thì làm thế nào để các tầng lớp nhân dân ngày càng tham gia đóng góp nhiều hơn vào các dự án luật vì hiện tại nhiều người cho rằng không biết ý kiến của mình có được tiếp thu hay không nên ngại đóng góp?

+ Cách thức lấy ý kiến nhân dân phải tùy thuộc vào từng dự án luật và tùy thuộc vào từng vấn đề mà dự án luật đó đưa ra. Nếu cứ lấy ý kiến toàn bộ nhân dân về mọi nội dung của tất cả các dự án và trong từng dự án luật thì chưa chắc hiệu quả đã cao và sẽ là hình thức. Nên tùy thuộc vào từng loại đối tượng mà lấy ý kiến, những đối tượng chịu sự điều chỉnh và tác động trực tiếp của dự án luật sẽ được lấy ý kiến đầu tiên, những đối tượng có khả năng đóng góp nhiều nhất cũng sẽ được chú trọng nhất trong khi lấy ý kiến.

Sau khi có được ý kiến, ban soạn thảo bắt buộc phải tập hợp, nghiên cứu, tiếp thu và phải trả lời trên các phương tiện thông tin đại chúng xem việc tiếp thu đó như thế nào. Cụ thể là ban soạn thảo đồng tình với ý kiến nào, không đồng tình với loại ý kiến nào và giải thích rõ quan điểm của ban soạn thảo.

Nên tăng cường chuyên trách

. QH khóa XI từng chia đôi hội trường để thảo luận các dự án luật, tại sao QH khóa XII không tiếp tục duy trì hình thức này nữa?

+ Ngay từ kỳ họp thứ nhất của QH khóa XII, vấn đề này đã được trao đổi trong thường vụ. Tôi hiểu rằng sáng kiến chia làm hai hội trường để thảo luận được xuất phát từ nhu cầu làm thế nào để tăng số lượng luật QH thông qua và cho ý kiến tại một kỳ họp, tranh thủ được nhiều ý kiến đại biểu đóng góp hơn cho từng dự luật. Tuy nhiên, điều này cũng làm cho nhiều đại biểu phân tâm. thứ nhất là về cơ sở pháp lý (Luật Tổ chức QH, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nội quy kỳ họp không quy định về việc này). tuy nhiên, quan trọng là sự phân vân nằm ở chỗ các đại biểu cần phải nắm rõ thông tin (kể cả không khí thảo luận các dự án luật) để thật sự yên tâm khi bấm nút thông qua từng dự án luật. Vì vậy, Thường vụ Quốc hội có cân nhắc và quyết định không tiếp tục duy trì hình thức này nữa, thay vào đó là sẽ tăng cường thảo luận ở tổ và thảo luận ở hội trường.

. Hội nghị đại biểu QH chuyên trách cũng là sáng kiến của QH khóa XI. Vừa rồi có đại biểu đề nghị nên pháp lý hóa hình thức hoạt động này. tuy nhiên, cũng có ý kiến không ủng hộ. Ý kiến của ông thế nào?

+ Tôi nghĩ vấn đề là tính hiệu quả, chất lượng của hoạt động đó như thế nào. Nói là chưa có tính pháp lý của nó là chưa phải, vì Quy chế hoạt động của QH khóa XI nói rõ là Thường vụ QH triệu tập các hội nghị đại biểu QH chuyên trách để thảo luận nội dung các dự án luật trước khi trình QH. Thường vụ QH khóa XII cũng chưa nói là bỏ hoạt động này. Trong thời gian sắp tới, nếu cân nhắc thấy một số dự án luật nào đó cần phải tổ chức hội nghị này thì Thường vụ QH sẽ tiếp tục triệu tập.

. Xin cảm ơn ông!

Ông Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH khóa XI:

Tôi còn băn khoăn...

Xây dựng những đạo luật ngắn gọn ảnh 1Đặc điểm của ta là các dự án luật, pháp lệnh trình ra QH có đến hơn 95% là do Chính phủ soạn thảo. Nếu cơ quan soạn thảo, trình mà không có sự đầu tư để chuẩn bị cho tốt thì đến lúc đưa ra QH (mà QH làm việc xuân thu nhị kỳ với thời gian ngắn), chất lượng các đạo luật được thông qua sẽ có những hạn chế. Điều này dẫn đến tình trạng là có những nội dung khó, phức tạp lại đẩy sang cho Chính phủ quy định thi hành. Hiện nay đang có tình trạng luật, pháp lệnh phải chờ nghị định hướng dẫn thi hành thì mới đi vào cuộc sống.

Vì vậy, nếu không đồng bộ hóa chất lượng ở tất cả các khâu làm luật mà chỉ chú trọng ở số lượng các đạo luật được QH thông qua thì sẽ đi đến tình trạng là có nhiều luật khung, luật nguyên tắc.

Tôi cho rằng việc tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách là không nên, vừa tốn kém mà chất lượng không cao. Đại biểu QH chuyên trách không phải là người am hiểu tất cả các lĩnh vực, vậy mà đến hội thảo ấy lại thảo luận tất cả các dự án luật trước khi trình QH. Đáng lý ra việc này do cơ quan trình, cơ quan thẩm tra các dự án này gửi tài liệu về cho các đoàn đại biểu QH và tùy theo từng lĩnh vực mà đoàn đại biểu QH mời các chuyên gia của từng lĩnh vực để nghiên cứu, thảo luận và phát biểu ý kiến. Các đoàn đại biểu QH tập hợp ý kiến đó gửi về các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu. Tôi nghĩ làm như thế sẽ chất lượng hơn và ít tốn kém hơn. Có như vậy luật mới dễ đi vào cuộc sống. Hơn nữa, luật ở từng lĩnh vực nào thì cần phải nghe ý kiến của đối tượng điều chỉnh ở từng lĩnh vực đó.

Việc chia làm hai hội trường để thảo luận tôi cũng cho rằng không đúng. Không thể có chuyện một nhóm đại biểu QH này thảo luận dự án luật này, một nhóm đại biểu QH khác thảo luận dự án luật khác. Xong rồi đại biểu có thể chạy đến hội trường này, đến hội trường kia để phát biểu nhưng mà không nghe ý kiến người khác thì phát biểu làm sao được. Hơn nữa, chỉ có từng nhóm đại biểu tham gia thảo luận một vấn đề nhưng khi biểu quyết phải biểu quyết chung cả. Như vậy sẽ xảy ra tình trạng có đại biểu QH không hiểu biết lắm về các dự thảo luật nhưng vẫn biểu quyết thì không thể thể hiện rõ chính kiến của mình. Sau kỳ họp, đại biểu QH tiếp xúc cử tri, nếu cử tri hỏi về một dự án luật đại biểu không tham gia thảo luận thì đại biểu không thể nói với cử tri rằng tôi không tham gia thảo luận vì lúc đó tôi ở hội trường khác.

LÊ KIÊN thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm