Xin lỗi Quốc hội vì “lỡ hẹn” nhiều luật

Đó là các dự án Luật Biển VN, Luật Thủ đô, Luật Tiếp cận thông tin, Bộ luật Lao động (sửa đổi), Luật Công đoàn (sửa đổi), Luật Đầu tư công. Thực trạng làm luật kiểu tùy tiện như vậy khiến đại biểu Quốc hội “không biết ăn nói sao với cử tri”.

“Chương trình làm luật bị điều chỉnh liên tục có phần quan trọng do nguyên nhân chủ quan. Thay mặt cho cơ quan giúp Chính phủ, chúng tôi xin lỗi các đại biểu Quốc hội (ĐBQH)”. Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường nhận trách nhiệm tại buổi QH thảo luận tại hội trường về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011, chương trình điều chỉnh năm 2010 vào ngày 9-6.

Chưa ai bị xem xét trách nhiệm

ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm của Chính phủ vì “thực trạng này kéo dài nhiều năm nhưng không một tổ chức, cá nhân nào bị xem xét trách nhiệm”. Không chỉ trách nhiệm ở Chính phủ, ĐB Bùi Trí Dũng (An Giang) còn cho rằng Ủy ban Thường vụ QH “dễ dãi gác lại luật này, bổ sung luật kia”. Trong khi đó, một số dự án luật đang là đòi hỏi nóng bỏng của đời sống lại không có mặt trong chương trình năm 2011 mà theo ĐB Lê Thị Dung (An Giang) có phần do “dễ làm, khó bỏ”.

Các ĐB cũng đòi hỏi xem xét trách nhiệm của Bộ Tư pháp, là cơ quan giúp Chính phủ trong việc đề xuất chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, cũng như gác cổng thẩm định các dự án luật. “Nếu một con mèo tha một miếng mỡ nhỏ thì đuổi nó thục mạng nhưng một con hổ tha cả một con heo, một con bò thì cả làng đóng cửa để nhìn. Một quyết định của chúng ta không kịp thời ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước” - ĐB Trịnh Thị Nga (Phú Yên) ví von chuyện gác lại các dự án luật và yêu cầu phải “nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm”.

Xin lỗi Quốc hội vì “lỡ hẹn” nhiều luật ảnh 1

ĐBQH TP Hà Nội Chu Sơn Hà phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN

Việc gác lại một số dự án luật được Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường giải thích là do Chính phủ chưa lường hết tính phức tạp trong quá trình chuẩn bị. “Luật Biển VN chúng tôi thấy rất cần thiết, do năm 2010 chúng ta có quan hệ đặc biệt nên xin phép lùi một nhịp. Luật Tiếp cận thông tin, Chính phủ đã chuẩn bị rất kỹ, Bộ Chính trị, QH đồng tình nhưng năm 2010 là năm rất khó ban hành luật này. Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn vướng cam kết quốc tế. Luật Thủ đô rất phức tạp nên Chính phủ sẽ phải họp để xem xét lại…” - ông Cường trần tình rồi hứa trước QH: “Chúng tôi sẽ tham mưu cho Chính phủ thực hiện những giải pháp cải thiện tình hình trong thời gian tới. Việc điều chỉnh bổ sung chương trình chỉ thực hiện mỗi năm hai lần trước mỗi kỳ họp của QH”.

Sẽ đấu thầu các dự án luật?

Tại buổi thảo luận, nhiều ĐBQH đã hiến kế các giải pháp san sẻ gánh nặng xây dựng luật với Chính phủ, đảm bảo tiến độ, chất lượng, hạn chế tình trạng “luật ống, luật khung” chờ hướng dẫn, hoặc luật mới ban hành chưa ráo mực đã phải sửa đổi. ĐB Nguyễn Lân Dũng (Dăk Lăk) cho rằng 500 ĐBQH của ta không phải ai cũng là các chuyên gia pháp luật, khi thảo luận rất khó thống nhất ý kiến. Theo ông, nên học tập kinh nghiệm của Trung Quốc, đất nước hơn 1,3 tỉ dân, 3.000 ĐBQH nhưng chỉ một tuần, QH nước này đã thông qua được rất nhiều luật. Làm được điều này là nhờ đội ngũ 400 chuyên gia “quanh năm ngày tháng soạn luật”…

Theo ĐB Nguyễn Văn Tiên, QH nên mạnh dạn “đấu thầu”, đặt hàng các hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp làm luật. Từ gợi ý của ĐBQH về cơ chế hợp tác công-tư (PPP) để thực hiện các dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam, quy hoạch chung thủ đô, ông đề nghị có thể đặt hàng Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật VN làm luật về vấn đề này.

ĐB Trịnh Thị Nga thì kiến nghị mỗi đoàn ĐBQH ít nhất phải có hai ĐB chuyên trách, so với một ĐB như hiện nay. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tiên cho rằng cần bổ sung cho mỗi ĐB một chuyên viên trợ giúp pháp lý, ngân sách trả lương, tránh tình trạng ĐB hiện nay làm việc như một chuyên viên.

Dự luật Bảo vệ người tiêu dùng:Đại biểu Quốc hội chưa mặn mà

Chiều 9-6, thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo vệ người tiêu dùng (NTD), nhiều tổ ĐBQH nghỉ sớm khi mới được nửa buổi. Dù vậy, chỉ với một vài ý kiến nêu ra đã cho thấy thực trạng bất xứng trong quan hệ NTD-thương nhân.

Theo ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa), Pháp lệnh Bảo vệ NTD ban hành đã 11 năm nhưng thực tế quyền lợi NTD chưa được quan tâm thích đáng. “Các hãng sản xuất quảng cáo vô tội vạ, thổi phồng tác dụng của sản phẩm, cung cấp thông tin sai sự thật mà chẳng chịu trách nhiệm gì. Trong khi đó, hàng hóa kém chất lượng bày bán công khai. Gian thương cứ việc “đóng thuế tháng” cho cán bộ là tha hồ tung hoành” - ông Cuông nói. GS sinh học Nguyễn Lân Dũng bổ sung: “Quan chức y tế được các hãng dược chăm sóc nên thuốc rẻ không vào Việt Nam được. Quảng cáo thì vô lý vẫn cho phát, cứ chi tiền là xong”.

Một số ý kiến cho rằng dự luật còn quá sơ sài, mới ở mức cóp nhặt pháp luật các nước. ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) nhận xét: “Dự án rất quan trọng nhưng chất lượng mới ở mức tung ra cho ĐB dự thảo hộ”. Nhìn chung, các góp ý của ĐB cũng mới ở mức chung chung, giống như những gì họ nhận xét về dự thảo. Nhưng vì dự luật này phải tới kỳ họp sau mới phải bấm nút thông qua nên hy vọng vẫn đủ thời gian cho cơ quan lập pháp hoàn thiện.

N.NHÂN - T.NGUYỆT - V.KIÊN

Phút chót mới xin rút

Điều chỉnh chương trình xây dựng luật có trách nhiệm của UBTVQH. Nhưng có thực tế UBTVQH đã sắp sẵn lịch nhưng đến phút chót Chính phủ mới trình sang là xin rút. Đúng là có lý do thật nhưng nói thẳng là trách nhiệm chính trị của chúng ta chưa tốt. Luật Công đoàn, Bộ luật Lao động…, những nội dung cần sửa đã lường trước rồi nhưng đến phút chót xin rút ra. Nếu UBTVQH cứ quyết đưa vào chương trình, một là Chính phủ không trình, hai là cứ trình ra thì ĐBQH lại phê bình chất lượng chưa đảm bảo. Rõ ràng là ở tình trạng “bắc nước chờ gạo người”.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật NGUYỄN VĂN THUẬN

Hai vấn đề cốt tử sửa Luật Đất đai

Luật Đất đai phải sửa đổi rất cơ bản. Có hai vấn đề hết sức lớn cần giải quyết: Một là quyền sở hữu và quyền sử dụng ngang bằng nhau, hòa đồng trong một khái niệm trong khi sở hữu là nhà nước, sử dụng là tổ chức, cá nhân, hộ gia đình. Hai là việc phân bổ lại đất nông nghiệp như thế nào. QH đưa vào chương trình chuẩn bị năm 2011 nhưng trong năm 2010 chắc là Ban Chấp hành Trung ương cũng chưa thể bàn Luật Đất đai được. Năm 2011 thì sáu tháng đầu năm chắc cũng khó. Cho nên cơ sở chính trị sửa đổi cơ bản Luật Đất đai đang còn lúng túng.

Bộ trưởng Tư pháp HÀ HÙNG CƯỜNG

VĂN TIẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm