Chủ nghĩa thân hữu làm biến chất công quyền

Ngày 28-9, Ủy ban Tư pháp họp thẩm tra dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi. Nhiều ý kiến bày tỏ sự thất vọng về dự thảo, cho rằng “không đáp ứng được yêu cầu đặt ra” hay “sửa thế này để làm gì”.

Chặt đứt việc hợp thức hóa tài sản ăn cắp của Nhà nước

Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (QH), nêu hai thực trạng bức xúc hiện nay là cơ chế xin-cho và chủ nghĩa thân hữu. Theo bà Thúy, cơ chế xin-cho là cái máy đẻ ra tiêu cực, là môi trường để phát sinh tham nhũng, do vậy làm thế nào bớt việc để “xin” sẽ không có lý do gì để hối lộ, tham nhũng.

“Xin-cho rất nhiều thứ nhưng chung quy lại có hai thứ quan trọng nhất là tiền và quyền” - bà Thúy nói. Xin-cho liên quan đến tiền ngân sách là xin dự án, xin kinh phí. Câu hỏi lớn đặt ra là tại sao tỉnh A lại được cho dự án, tỉnh B lại không? Còn xin kinh phí thì không lạ gì việc phải có kinh phí mang theo.

Xin-cho liên quan đến quyền thì đa dạng, phức tạp hơn nhiều, ví dụ quyền tiếp cận tín dụng, tiếp cận thị trường, tiếp cận các nguồn tài nguyên… mà rủi ro lớn nhất là các tiêu chí để xác định ai được, ai không được tiếp cận không rõ ràng, từ đó dẫn đến tiêu cực.

Đề cập đến “chủ nghĩa thân hữu”, bà Thúy nhắc đến việc các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) gắn với các cơ quan nhà nước có cơ hội lớn tác động đến các quyết sách của cơ quan công quyền. “Sự gắn bó này tiềm ẩn nhiều rủi ro gây tham nhũng” - bà Thúy nhận xét đồng thời cảnh báo sự gắn bó của các DN tư nhân đối với các quan chức nhà nước còn tiềm ẩn rủi ro lớn hơn rất nhiều.

“Sự gắn bó này dựa trên quan hệ thân quen, quan hệ người nhà. Đó là kiểu “đỡ đầu” của các công ty người nhà, là phương tiện để hợp thức hóa các tài sản ăn cắp của Nhà nước. Do được quan chức “đỡ đầu”, các công ty thân hữu có thể giành hết các hợp đồng béo bở từ các DNNN” - bà Thúy phân tích và cho rằng chủ nghĩa thân hữu đã làm méo mó các quan hệ thị trường, nghiêm trọng hơn làm tha hóa, biến chất hệ thống công quyền.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy: “Cơ chế xin-cho là cái máy đẻ ra tiêu cực, là môi trường để phát sinh tham nhũng”. Ảnh: Doãn Tấn

Kiểm soát tài sản quan chức: Nan giải

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp) thì bình luận rằng chúng ta vẫn đang loay hoay với những vấn đề đặt ra từ 10 năm trước, khi lần đầu xây dựng Luật PCTN. Theo ông Quyền, để chống tham nhũng hiệu quả cần tập trung hai vấn đề quan trọng: Kiểm soát tài sản và phát hiện tham nhũng. “Lâu nay chúng ta tranh luận mãi về đối tượng kê khai, rồi bản kê khai dán ở đâu, ai đi xác minh, xác minh như thế nào... Nhưng xin thưa, tài sản tôi dại gì đứng tên của tôi! Cứ thiết chế kiểu này thì chẳng kiểm soát được. Tôi kỳ vọng lần này sẽ sửa được quy định về kiểm soát tài sản nhưng luật này chưa ăn thua gì hết” - ông Quyền phát biểu.

“Giao dịch trên 20 triệu đồng mà không qua tài khoản thì coi là bất hợp pháp, tại sao không đưa vào?” - ông Quyền đề xuất.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh thừa nhận cơ chế kiểm soát tài sản đang có hai khiếm khuyết lớn. Ông Thanh nói rất khó kiểm soát được nếu không kê khai tài sản của những người thân thích, trong khi chúng ta chỉ thống nhất được đối tượng kê khai là vợ chồng và con chưa thành niên. “Nói như anh Quyền, ai dám mang biệt thự đứng tên bạn bè, tôi cho đó là người can đảm” - ông Thanh nói.

Khiếm khuyết thứ hai, theo ông Thanh, là cần kiểm soát tài sản toàn xã hội chứ không chỉ là cán bộ, công chức. “Nhưng chúng tôi quan niệm chúng ta phải tiến từng bước nhỏ một” - ông Thanh cho hay.

Dẫn lại vụ án Vinashin, 11 đoàn thanh tra, 11 đoàn kiểm toán vào đều không phát hiện ra sai phạm, ông Quyền nhận xét “phát hiện tham nhũng đang là khâu yếu nhất hiện nay”.

“Tất cả các nước đối xử với tội phạm tham nhũng đều bằng thanh tra đặc biệt, kiểm toán đặc biệt, điều tra đặc biệt nhưng ta cứ coi tham nhũng như tội phạm bình thường thì làm sao được? Tôi thiết tha mãi vấn đề này, nếu pháp luật  hình sự quy định còn thiếu thì nên quy định trong luật này” - ông Quyền nói.

Ông Quyền cũng cho rằng đã là thiết chế đặc biệt thì phải chịu trách nhiệm rất nặng và có sự kiểm soát quyền lực cũng “đặc biệt” tương ứng.

“Anh vào điều tra, vào kiểm toán, thanh tra rồi mà không phát hiện ra tiêu cực, sau đó có lực lượng khác phát hiện ra, anh phải chịu trách nhiệm kỷ luật, chịu trách nhiệm hình sự về việc này” - ông Quyền đề xuất.

Một số điểm mới đáng chú ý

Bổ sung trách nhiệm của các cơ quan Đảng: Dự thảo quy định về trách nhiệm của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương thực hiện kiểm soát thu nhập của một số đối tượng cán bộ, công chức; theo dõi biến động, xác minh, tài sản, thu nhập; kiểm tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; xử lý hành vi tham nhũng, tài sản có liên quan đến hành vi tham nhũng…

Kê khai tài sản, thu nhập: Dự thảo luật có nhiều sửa đổi, bổ sung về minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập như bỏ quy định kê khai hằng năm, thay vào đó là kê khai lần đầu và kê khai bổ sung; quy định về một số cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập để quản lý bản kê khai, theo dõi biến động và xác minh, thu nhập được kê khai không trung thực, không được giải trình một cách hợp lý (theo mô hình tập trung)…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm