Chủ nhiệm VPCP nói về tình trạng 'trên nóng, dưới lạnh'

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng vừa có cuộc trao đổi thẳng thắn với báo chí xung quanh chủ đề Chính phủ - người dân- doanh nghiệp.

Không đẩy việc mà làm theo phân cấp

.Thưa Bộ trưởng, thực tế còn có tình trạng đẩy việc lên Thủ tướng, chờ Thủ tướng chỉ đạo? Vì sao tình trạng này vẫn kéo dài không giải quyết được?

+ Muốn giải quyết dứt điểm vấn đề này cần có một quá trình, vì nó liên quan đến thể chế. Các văn bản luật, pháp lệnh hay hướng dẫn thi hành rất nhiều, phải hoàn thiện từng bước, đặc biệt là vấn đề phân cấp, phân quyền, chức năng nhiệm vụ anh được và không được làm gì.

Đây là vấn đề bất cập, nhưng với quyết tâm của CP, Thủ tướng và các Bộ, ngành thì chắc chắn chúng ta sẽ sắp xếp được việc này.

Tới đây, Hội nghị Trung ương 6 sẽ quan tâm nhiều đến đổi mới hệ thống chính trị, sau đó chúng ta sẽ triển khai làm từng bước. Trách nhiệm của Bộ thì Bộ phải làm, của địa phương thì địa phương phải làm, nhưng việc này phải có kiểm tra, giám sát chứ không phải đẩy việc đi.

Cải cách hành chính là ưu tiên của chính phủ - Ảnh minh họa

VPCP sẽ cải cách bằng minh bạch và công nghệ thông tin. VPCP sẽ có trách nhiệm giúp CP, Thủ tướng đi sâu cải cách thủ tục hành chính và sẽ có kiểm soát chặt chẽ.

Ở thời điểm này, các văn bản gửi lên CP, Thủ tướng đã giảm tải rất nhiều. Thời kỳ đầu tiên đã giảm 30% văn bản gửi lên Thủ tướng, không đẩy việc lên mà làm ngay từ Văn phòng, làm theo phân cấp.

“Tôi băn khoăn một điều là có những việc không đáng, vậy mà lại để người dân kêu ca rất nhiều. Nếu địa phương quan tâm đúng mức thì không có chuyện từ xã đẩy lên huyện, từ huyện đẩy lên tỉnh, để người dân kêu suốt thời gian dài như vậy.

 “Kinh nghiệm khi ở địa phương của tôi là không có gì bằng đối thoại trực tiếp. Đi cùng tôi xuống cơ sở còn có các sở, ngành nhưng một mình tôi vẫn đứng ra trả lời trên nguyên tắc, cái gì có lợi cho người dân và quy định pháp luật cho phép thì tạo điều kiện. Nếu không có bản lĩnh thì không dám làm vậy”

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng

Công khai trên mạng cả việc nhắc nhở cán bộ

. Trong quá trình chỉ đạo xử lý tiếp nhận phản ánh của người dân, có trường hợp nào khiến Bộ trưởng phải day dứt, trăn trở?

+ Rất nhiều, nhất là trường hợp của những gia đình chính sách, gia đình có người tham gia cống hiến nhưng về không còn giấy tờ gì cả... Nhiều gia đình nhìn hoàn cảnh rất khổ tâm, nhưng xét đến đều không đủ điều kiện.

Những phản ảnh đó chuyển đến Thủ tướng và Thủ tướng chỉ đạo cần xem xét lại, đánh giá thực chất vấn đề, những quyền lợi chính đánh của họ phải giải quyết ngay.

. Có chế tài nào xử lý tình trạng chậm trả lời kiến nghị của người dân không, thưa Bộ trưởng?

+ Nói thật là chế tài xử lý kỷ luật việc chậm trả lời, chậm giải quyết kiến nghị của người dân, DN còn chưa rõ, vì việc chậm trả lời mà xem xét cách chức hay thôi việc thì chưa đến mức như thế. Chưa kể, việc này còn có nhiều ràng buộc khác, liên quan đến Nghị định 34/2011 quy định về xử lý kỷ luật công chức hay Nghị định 27/2012 quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức...

Vì vậy thời gian qua, “chế tài” chủ yếu là mệnh lệnh hành chính, bằng phê bình, nhắc nhở. Tuy nhiên, dù nhắc nhở, phê bình thôi nhưng công khai trên mạng, các Bộ, ngành, địa phương và Thủ trưởng ở đó khi nhận việc nhắc nhở, phê bình cũng phải suy nghĩ.

Trang website của CP với DN và CP với người dân cần được duy trì, giải quyết nhanh hơn, chất lượng hơn. Việc này VPCP không là cơ quan giải quyết, chỉ là cơ quan chuyển tải. Trường hợp các Bộ, ngành địa phương giải quyết kiến nghị còn ý kiến khác nhau thì VPCP sẽ chủ trì mời các Bộ ngành địa phương giải quyết những vấn đề như thế. Cũng có những việc chúng tôi phải cho anh em xuống tận nơi, trao đổi trực tiếp chứ ngồi văn phòng không thể nắm hết được.

Có những việc VPCP chuyển thông tin nhưng không nhận được trả lời thì phải đôn đốc. Tôi đã có lần trực tiếp gọi điện cho Bộ trưởng đề nghị quan tâm giải quyết sớm, có những bộ, ngành phải đôn đốc tới lần thứ ba...

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng

 

Bưng bít, che giấu mới sợ

.Thời gian gần đây liên tiếp xuất hiện các trường hợp cán bộ, công chức ứng xử thiếu chuẩn mực như vụ việc của Phó chủ tịch quận Thanh Xuân, việc cấp giấy chứng tử ở phường Văn Miếu, hay chuyện phê xấu vào sơ yếu lý lịch của dân. Trong bối cảnh CP đang quyết tâm cải cách hành chính, xây dựng niềm tin trong nhân dân, Bộ trưởng đánh giá những việc này có ảnh hưởng tiêu cực như thế nào?

+ Điều này đương nhiên sẽ ảnh hưởng không tốt tới hình ảnh của các cơ quan hành chính, nhưng mặt tích cực là sự việc được phơi bày, minh bạch. Nếu họ không nói ra, không phản ánh, nhẫn nhịn thì việc ấy vẫn diễn ra và chắc chắn không chỉ diễn ra ở một nơi.

Như việc “phê xấu” vào lý lịch do nợ các nghĩa vụ đóng góp, tôi tin chắc rằng không chỉ xảy ra ở UBND xã Yên Thịnh (Thanh Hóa).

Vừa rồi, CP giao Bộ Nội vụ rà soát cấp phó của từng cơ quan đơn vị đồng thời yêu cầu chấn chỉnh và phải sửa. Việc này tạo ra lòng tin cho người dân, nhưng lòng tin đó phải bằng việc công khai, minh bạch, phải làm thật, không vo tròn, che giấu khuyết điểm. Nếu bưng bít, giấu mãi mới sợ, còn ảnh hưởng lúc đầu tiên là điều đương nhiên, khó tránh khỏi.

.Lâu nay, việc cách chức một cán bộ công chức được xem là vấn đề khá nhạy cảm, khó thực hiện nhưng lần này, từ phản ánh của người dân mà có cán bộ đã bị cách chức. Đây phải chăng là động thái mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm của Chính phủ?

+ Đúng vậy. Trước những sự việc đáng tiếc mà người dân phản ánh, quan điểm của lãnh đạo Chính phủ là yêu cầu xử lý nghiêm, xử lý xong phải báo cáo. Ngay cả vấn đề kỷ luật, luân chuyển cán bộ đều được Bộ, ngành, địa phương thực hiện và báo cáo nghiêm túc. Khi có phản ánh lại thì dân có niềm tin rất tốt. Với một chính phủ hành động thì lòng tin được đánh giá cao hơn rất nhiều. Nói và làm đồng nhất là điều rất tốt.

Giao diện hệ thống tiếp nhận ý kiến của người dân

Không có vùng cấm

.Thưa Bộ trưởng, quan điểm của CP là tạo điều kiện tối đa cho người dân và DN, tuy nhiên từ quan điểm chỉ đạo cho tới thực thi trên thực tế vẫn còn khoảng cách khá xa. Xin ông cho biết tới đây CP sẽ có giải pháp cụ thể gì để khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", cộng với lợi ích cục bộ đang làm tắc nghẽn định hướng mạnh mẽ của CP?

+ Thực tế một năm qua, hoạt động của tổ công tác của Thủ tướng đã tạo sự lan toả rất mạnh, các Bộ, ngành, địa phương đều có tổ công tác của Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh. Bây giờ nhiều người đặt vấn đề “trên nóng, dưới lạnh”, “trên chuyển, dưới chưa chuyển” thì bây giờ cần tăng cường kiểm tra ở tuyến dưới, đặc biệt là ở huyện, xã, phường, xem sự chuyển động thế nào.

Nếu chỉ có một đầu tàu kéo cả toa tàu thì không nổi, nên các toa tàu phải cũng có động cơ để kéo, tức là cần sự chuyển động của cả hệ thống, cần ý thức thực hiện nhiệm vụ công vụ của cán bộ, công chức, viên chức ở tất cả các cấp của cơ quan hành chính phải chuyển động thực sự.

Tuy nhiên, đây không phải giải pháp căn cơ. Căn cơ là phải rà soát, xây dựng thể chế, có quy định rõ ràng về trách nhiệm người đứng đầu, tạo ra sự phân cấp rõ rệt, cộng với việc xử lý nghiêm túc, khách quan. Nếu làm tốt thì khen, làm không tốt thì nhắc nhở, sai phạm đến mức xử lý kỷ luật thì phải xử lý kỷ luật. Nguyên tắc nhất quán là minh bạch và không có vùng cấm.

. Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Người dân chấm điểm cán bộ

 Ngày 1-10-2016, trang Website CP với DN ra đời để tiếp nhận phản ánh, phản hồi của DN tới CP. Từ 1-10-2016 đến 15-8-2017, VPCP đã tiếp nhận 995 ý kiến của các DN (cả trong và ngoài nước), đã chuyển xử lý 782 ý kiến, trong đó 646 ý kiến đã được các bộ, ngành, địa phương phản hồi.

Toàn bộ các văn bản trả lời được đăng tải trên mạng và được coi là cơ sở, tài liệu rất quan trọng để các DN cầm bản đó đến liên hệ với các cơ quan, địa phương để xem xét, giải quyết như một văn bản gốc.

Ngày 3-4-2017 chính thức mở website CP với người dân. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết đây là sức ép và thử thách rất lớn cho VPCP do tăng một khối lượng lớn công việc nhưng không tăng biên chế, không tăng bộ máy, không điều động nhân lực từ nơi khác sang.

Từ 3-4 đến 15-8, VPCP đã xử lý 737/3.635 ý kiến phản ánh của người dân, chuyển 373 ý kiến đến các bộ, ngành, địa phương giải quyết. Các ý kiến chủ yếu phản ánh về đất đai, giải phóng mặt bằng, các vấn đề liên quan đến xây dựng, tuy nhiên rất nhiều phản ánh thông tin không đầy đủ...

Trong phần mềm có kết cấu để người dân chấm điểm, thể hiện sự hài lòng của dân. Người dân có thể chấm điểm 0 cho cán bộ và tất cả thông tin này đều được công khai, ai cũng có thể truy cập được.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm