Chủ tịch QH: Bộ Công an sao lại có “Thứ trưởng thứ nhất”?

TVQH đồng ý đưa dự thảo Luật CAND sửa đổi trình Quốc hộitrong kỳ họp tới.
TVQH đồng ý đưa dự thảo Luật CAND sửa đổi trình Quốc hộitrong kỳ họp tới.

Ngoài chức vụ Bộ trưởng, điều 23 dự thảo Luật CAND sửa đổi còn quy định “Thứ trưởng thứ nhất” cũng mang cấp bậc hàm cao nhất là Đại tướng. Ban soạn thảo cho rằng, “Thứ trưởng thứ nhất” là người đứng vị trí thứ hai trong Bộ Công an (sau Bộ trưởng), nên quy định như vậy “phù hợp với thực tiễn và bảo đảm tương quan với Quân đội nhân dân”.

Tuy nhiên nhiều ý kiến trong UBTVQH đã thể hiện nhiều băn khoăn với những quy định tại điều 23 trong dự thảo. Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước đề nghị xem lại điều 23, bởi nếu quy định hàm tướng mà cứ “liệt kê” như vậy là không phù hợp. 

Ông dẫn dụ một số trường hợp như trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị không cần thiết phải mang hàm thiếu tướng. Phó Chủ nhiệm chuyên trách Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương cũng là tướng sao?

Ông Ksor Phước đề nghị việc sửa đổi lần này cần "chuẩn hóa" lại để đánh giá công lao cống hiến của mỗi vị trí cụ thể. Đối với Giám đốc Công an tỉnh, hay cấp bậc Cục trưởng, người giữ vị trí đó dù là nam hay nữ cũng nên để tuổi nghỉ hưu là 60.

Chủ nhiệm UBTP Nguyễn Văn Hiện cũng thể hiện băn khoăn khi cả Bộ trưởng và Thứ trưởng đều mang quân hàm Đại tướng. Bởi điều này không đúng với quy định của Bộ Chính trị về cấp trưởng hàm cao hơn cấp phó.

Cơ bản tán thành với dự thảo, song Chủ nhiệm UBPL Phan Trung Lý cũng đề nghị cần rà soát lại khoản 1 điều 23. Ông Lý cho rằng, lo ngại việc có quá nhiều tướng công an chỉ một phần, điều quan trọng là phải rà soát xem chức vụ cấp bậc nào thì tương xứng với hàm tướng. Chẳng hạn với chức danh Tổng biên tập báo mang hàm tướng, Ban soạn thảo phải có lập luận, tại sao chức vụ này lại phải mang hàm trung tướng, thiếu tướng?

Cũng đề cập tới điều 23, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị phải đảm bảo có sự cân đối về cấp hàm cao nhất giữa các khối. Theo dự thảo, hàm trung tướng có ở nhiều bộ phận thuộc khối tham mưu tổng hợp, và nhiều hơn so với khối trực tiếp chỉ huy chiến đấu. Ngoài ra một vài vị trí như Thứ trưởng, Phó Tổng cục trưởng lại trái quy định cấp trưởng cao hơn cấp phó một bậc. Do vậy Luật sửa đổi cần phải đảm bảo tính thống nhất.

Riêng đối với quy định cấp tướng cho một số Giám đốc Công an địa phương, ông Lưu tỏ ra tán thành, vì nếu quy định tất cả đều như nhau sẽ không hợp lý. Bởi mỗi tỉnh, TP khác nhau về quy mô dân số, yêu cầu thực tế cũng khác nhau. Chẳng hạn với một tỉnh 3,6 triệu dân như Thanh Hóa, Giám đốc Công an phải chỉ huy, quản lý hàng vạn cán bộ chiến sĩ mà chỉ mang hàm bằng tỉnh chỉ chưa đến 1 triệu dân sẽ không hợp lý.

Tuy nhiên ông Lưu cũng đề nghị dự thảo cần đưa ra tiêu chí thống nhất cả ở bên công an và quân đội, tránh tình trạng sau này ai cũng nhận là "địa bàn trong yếu" để mang hàm cao hơn.

Trước đề xuất của Bộ Công an, Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi: “Tại sao Bộ Công an lại có “Thứ trưởng thứ nhất”? Vậy các Bộ khác, hay Bộ Quốc phòng có “Thứ trưởng thứ nhất” không?”.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu quy định đưa ra phải đảm bảo tính thống nhất và thể hiện rõ trong dự thảo. Chủ tịch đồng tình với chủ trương địa bàn trọng yếu được mang hàm thiếu tướng, nhưng phải quy định điều kiện, cơ sở cụ thể. Hay có cục trưởng phải mang hàm trung tướng, nhưng cũng có cục chỉ mang hàm Thiếu tướng.

“Phải quy định cụ thể, rõ ràng, minh bạch để sau này vận dụng dễ dàng hơn. Báo tương đương Tổng cục à? Bộ Tư lệnh có tương đương không? Phải làm rõ khái niệm tương đương khi ban hành luật”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đề nghị phải hạn chế tối đa sự khác nhau giữa Luật này với Hiến pháp và với chỉ đạo của Bộ Chính trị. Hay giữa Quân đội và Công an cũng là khác nhau chứ không phải một.

Cuối buổi thảo luận, UBTVQH cũng đồng ý trình dự thảo Luật CAND sửa đổi ra Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tới đây.

Theo Thành Nam/Infonet

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm