Chủ xe bị cháy có thể khiếu nại

Xe không chạy cũng cháy: Có thể lý giải

Hàng loạt vụ cháy nổ trong thời gian qua chủ yếu xảy ra đối với xe đang lưu thông. ThS Thi Hồng Xuân, khoa Cơ khí - Công nghệ, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, giải thích: Nếu xe rò rỉ nhiên liệu, hơi nhiên liệu gặp một tia lửa bất kỳ từ hỏng hóc của hệ thống điện hay nhiệt độ cao từ cổ ống xả thì sẽ phát lửa gây cháy. Trong trường hợp xăng có chứa methanol thì khả năng rò rỉ nhiên liệu rất cao do methanol là một chất oxy hóa mạnh, dễ gây hư hỏng các chi tiết bằng cao su như kim phao, ống dẫn xăng.

Bên cạnh đó, vẫn có trường hợp xe để trong nhà cũng tự bốc cháy. Theo ThS Xuân, nguyên nhân chủ yếu vẫn do rò rỉ nhiên liệu. “Khi xe dựng trong nhà bị rò rỉ xăng, methanol thoát ra sẽ bay hơi, hòa trộn với không khí tạo thành một hỗn hợp dễ cháy nổ. Nếu gặp bất kỳ mồi lửa nào nằm sát nền nhà như nhang đèn hay một tàn thuốc lá (có thể ở xa nơi dựng xe), hỗn hợp này cũng có thể bắt lửa. Tia lửa lan truyền ngược lại đến nguồn xăng đang rò rỉ và gây cháy xe” - ông Xuân cho biết.

Theo ông Xuân, cũng chính vì methanol dễ gây cháy nổ nên hiện nhiều nước đã cấm pha chất này vào xăng. Tại châu Âu, nồng độ methanol cho phép trong xăng nhỏ hơn 3%. Còn tại Việt Nam, nồng độ methanol cho phép nhỏ hơn 0,5%.

Chủ xe bị cháy có thể khiếu nại ảnh 1

Theo ông Nguyễn Văn Phương, Phó trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam, những vụ cháy xe vừa qua chưa có vụ cháy nào do lỗi kỹ thuật. Ảnh: TTXVN

Chưa có vụ cháy nào do lỗi kỹ thuật

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới - Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho biết: Những vụ cháy xe vừa qua chủ yếu xuất phát từ các nguyên nhân như va chạm giao thông, hỏa hoạn tại khu vực để xe, ống xả tiếp xúc với vật dễ cháy, chập điện… Riêng về nguyên nhân từ xăng, ông Phương thận trọng: “Về ý kiến cho rằng xăng không đúng chất lượng gây cháy xe, theo tôi thì cần có các nghiên cứu khoa học mới có thể khẳng định được”. Ông Phương cũng nhấn mạnh, đến thời điểm này chưa có trường hợp nào cháy xe do lỗi kỹ thuật.

Để hạn chế đến mức thấp nhất khả năng cháy xe, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam khuyến cáo: Người dân nên bảo dưỡng xe đúng định kỳ, đừng lắp thêm các thiết bị không theo thiết kế của nhà sản xuất, sử dụng nhiên liệu đúng tiêu chuẩn… Ông Trần Văn Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường và Chất lượng, cũng đề nghị người dân nên mua xăng ở các điểm bán xăng của các đơn vị lớn, có uy tín.

Kiện ai? Kiện ở đâu?

Đó là những câu hỏi được rất nhiều người quan tâm tại buổi giao lưu. Ông Đỗ Ngọc Chính, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tư vấn về tiêu dùng - Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, thông tin: Bộ GTVT chịu trách nhiệm về chất lượng của phương tiện giao thông. Còn cơ quan nhà nước có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là Bộ Công Thương, trực tiếp là Cục Quản lý cạnh tranh. Ở các tỉnh, TP thì trách nhiệm này thuộc về Sở Công Thương, ở cấp quận, huyện là UBND. Khi bị cháy xe, người dân có thể khiếu nại tới các cơ quan này.

Trường hợp xe bị cháy vẫn còn hạn bảo hành, ông Chính cho rằng: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (có hiệu lực từ ngày 1-7-2011) quy định người kinh doanh phải chịu trách nhiệm về chất lượng xe trong thời hạn bảo hành. Cụ thể, người kinh doanh phải đến tận nơi nhận xe hoặc chịu chi phí để chuyển xe hỏng về nơi bảo hành, cung cấp cho người mua xe một chiếc xe khác để sử dụng trong thời gian bảo hành, thời hạn bảo hành được tính lại từ khi sửa chữa xong xe.

Cơ quan chức năng chậm vào cuộc

Theo luật gia Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn về dân chủ pháp luật thuộc Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cơ quan chức năng vào cuộc còn chậm trước hàng loạt vụ cháy xe vừa qua. Hiện vẫn chưa có một văn bản pháp lý nào để điều chỉnh việc cháy nổ xe. Các hãng sản xuất cũng chưa có động thái gì để cùng tham gia khắc phục. “Tôi thấy rằng quyền lợi của người tiêu dùng chưa được các cơ quan có trách nhiệm cũng như các hãng sản xuất bảo vệ” - ông Đằng nói.

Khi phát hiện ra mùi khét hoặc khói lửa, chủ xe phải nhanh chóng dừng xe và nhờ người xung quanh giúp dập lửa. Các vụ cháy do xăng pha methanol thường rất khó phát hiện vì không khói, không mùi và ngọn lửa có màu rất nhạt. Khi đó, chủ xe cần nhanh chóng thoát khỏi khu vực cháy. Nếu bị phỏng phải lập tức đến trung tâm y tế gần nhất vì vết phỏng thường nghiêm trọng hơn nhiều (do nhiệt độ ngọn lửa cao hơn) so với cháy do xăng.

ThS THI HỒNG XUÂN, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM

Cục Đăng kiểm Việt Nam đang nghiên cứu đề xuất giải pháp hạn chế cháy nổ ô tô, xe máy, tập trung vào các vấn đề: Tăng cường quản lý các cơ sở bảo hành bảo dưỡng ô tô xe máy; kiểm tra định kỳ về an toàn kỹ thuật và kiểm soát khí thải xe máy đang lưu hành; ban hành quy chuẩn liên quan đến khả năng chống cháy của vật liệu sử dụng trên phương tiện giao thông, gồm cả ô tô, xe máy, tàu hỏa, tàu biển...

Ông NGUYỄN VĂN PHƯƠNG, Phó Trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới - Cục Đăng kiểm Việt Nam

VIỆT HOA ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm