Chung cư cao tầng ở Việt Nam chịu được động đất cấp mấy?

Những trận động đất liên tiếp xảy ra ở khu vực biên giới Thái – Lào – Myanmar mới đây gây thiệt hại to lớn cho người và của. Đồng thời, dư chấn mạnh cấp 5 diễn ra vào tối 24/3/2011 vừa qua khiến một số tòa nhà chung cư khu vực Linh Đàm, Pháp Vân, Trung Hòa Nhân Chính (Hà Nội)... rung lắc làm người dân Hà Nội không khỏi hoang mang, lo lắng. Liệu người dân sống trong những tòa nhà chung cư  có thể yên tâm với cơ sở hạ tầng ấy hay chưa? VTC News đã có buổi trò chuyện với TS Phạm Sĩ Liêm, nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng, xung  quanh những đề tài này.

- Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về mức độ nguy hiểm của những dư chấn động đất vừa qua?

Chung cư cao tầng ở Việt Nam chịu được động đất cấp mấy? ảnh 1

Tiến sĩ Phạm Sĩ Liêm

TS Phạm Sĩ Liêm: Động đất vừa rồi là rất nhẹ, không ảnh hưởng nhiều. Tuy rằng, người dân có cảm nhận được sự rung động nhưng đó chỉ là cảm giác vì các công trình vẫn an toàn. Nó chỉ nguy hiểm khi động đất đạt cường độ nhất định, cường độ ấy ảnh hưởng tới chất lượng, kết cấu, độ an toàn của công trình.

- Hiện nay, đô thị và nhà ở chung cư đang phát triển mạnh mẽ ở các thành phố và khu ngoại thành, là một chuyên gia xây dựng theo ông, người dân có nên lựa chọn các tòa nhà cao tầng khi có không ít các nguy cơ?

TS Phạm Sĩ Liêm: Sự phát triển chung cư cao tầng là xu thế chung toàn thế giới. Theo quy định, các nhà ở của Việt Nam phải chống được động đất cấp 7, nếu sang tới cấp 8 thì chúng ta phải tính toán. Tuy nhiên, quy định cấp số này khác so với độ richter của nước ngoài. Nếu bạn có nhu cầu và thích ở nhà cao tầng thì cứ ở, không có gì đáng lo ngại. Ở Nhật Bản, đợt vừa rồi, những nhà kiểu cũ mới sập đổ, những nhà một tầng bằng gỗ kể cả bằng sắt, bằng tôn đều bị san bằng hết. Bởi lẽ nguyên dân của đợt phá hoại vừa rồi của Nhật Bản chủ yếu do sóng thần, chứ không phải do động đất.

- Nếu nói riêng về độ an toàn đảm bảo cho tính mạng thì người dân nên bỏ tiền ra mua nhà chung cư hay xây nhà ngay  trên nền mặt đất, thưa ông?

TS Phạm Sĩ Liêm: Nếu không sập thì nhà chung cư cũng giống như nhà trên mặt đất. Chỉ có điều, ở trên cao (những tòa nhà cao tầng), người dân sẽ nhận biết được cảm giác nhiều hơn và sớm hơn nên phát sinh lo sợ thôi.

Nhân đây, tôi cũng nói luôn: không phải cứ động đất nhà mới rung, khi có gió to nhà cũng rung. Lúc đó, những người ở tầng 20 trở lên có thể cảm giác được sự rung động của cái nhà.

- Vậy theo ông, những bản thiết kế của các tòa nhà cao tầng ở Việt Nam đã đảm bảo tiêu chuẩn chưa?

TS Phạm Sĩ Liêm: Theo quy định, để xây dựng một tòa nhà cao tầng, chủ xây dựng phải đảm bảo thực hiện đúng những quy định bắt buộc vì nó liên quan tới tính mạng của con người. Nhưng họ có làm hay không thì lại là chuyện khác và phải có người thẩm tra.

Giống như các giải pháp phòng trừ hỏa hoạn, cửa thoát hiểm như thế nào, cửa và khoảng cách từ buồng tới cầu thang bao nhiêu, cầu thang phải rộng ra sao,… Rồi các quy định về xây dựng, tiêu chuẩn kỹ thuật, ví dụ nhà ấy, kiểu ấy thì phải chịu được động đất cấp mấy. Thêm vào đó là những quy định để phòng chữa cháy mà Bộ Công an là bộ phận kiểm tra, giám sát. Tất cả đều có quy định rõ ràng và nếu xây đúng yêu cầu thì không có vấn đề gì đáng lo ngại.

Điều mà chúng ta cần quan tâm là người xây dựng có thực hiện không, điều này phải thụ thuộc vào đơn vị kiểm tra, kiểm soát.

- Liệu có bao nhiêu phần trăm các nhà chung cư cao tầng đạt tiêu chuẩn trên theo ý kiến đánh giá của riêng ông?

TS Phạm Sĩ Liêm: Tôi chưa thể đánh giá chính xác. Nhưng dù sao, trước hiện tượng dư chấn động đất như vừa qua, bộ phận thanh tra của Sở Xây dựng phải làm việc, tăng cường kiểm tra chất lượng sát sao hơn, chặt chẽ hơn nữa.

Tôi còn thấy một điểm đáng lưu ý nữa là: Để đảm bảo an toàn, nhà phải thẳng đứng, không được chệch (dù là cao tầng đi chăng nữa). Nếu nhà nghiêng thì chất lượng đảm bảo của nhà giảm sút rất nhanh. Cái này, các cơ quan chức năng phải kiểm tra vì nó liên quan tới đo đạc đất đai.

Chung cư cao tầng ở Việt Nam chịu được động đất cấp mấy? ảnh 2

Người dân sống ở những tòa nhà chung cư cao tầng không nên quá lo lắng 

- Trận động đất nhẹ diễn ra ở một số địa điểm ở Hà Nội ngày 24/3/2011 vừa qua khiến người dân rất hoang mang. Theo ông, người dân có nên quá lo lắng như vậy?

TS Phạm Sĩ Liêm: Tôi nghĩ mức độ động đất cũng như những sự cố tương tự khác ở Việt Nam chưa có gì quá ghê gớm. Tất nhiên, việc kiểm tra, giám sát xây dựng cũng như đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật của các tòa nhà chung cư phải kiểm tra chặt chẽ hơn vì nó liên quan tới sinh mạng con người, các quy trình, quy phạm phải đảm bảo. Vấn đề là anh có làm đúng quy trình, quy phạm hay không, phụ thuộc vào lương tâm, tay nghề và đạo đức nghề nghiệp của người kỹ sư và phụ thuộc vào hệ thống giám sát có làm đúng trách nhiệm của mình hay không, cũng như bổ phận kiểm tra thẩm định có làm tròn nhiệm vụ hay chưa. Nếu đầy đủ thì người dân cứ yên tâm vào ở.

- Là một chuyên gia trong xây dựng, ông có lời khuyên gì cho người dân sống trong nhà chung cư để tự bảo vệ mình trong những tình huống bất ngờ xảy ra?

TS Phạm Sĩ Liêm: Chúng ta đang nhắc nhở để nêu cao tinh thần trách nhiệm của người xây dựng, chứ không phải gây hoang mang cho người dân. Đó là điều không nên.

Do đó, nếu phải khuyên ai đó đang sống trong những tòa nhà chung cư lúc này thì tôi chỉ khuyên là không nên hoang mang. Vì nhiều sự cố không phải do bản thân sự cố gây nên mà là do sự hoang mang của con người tạo ra tai họa. Giống như vụ giẫm đạp hoảng loạn trên một cây cầu trong lễ hội nước ở thủ đô Phnôm Pênh của Campuchia  xảy ra vào tháng 11/2010. Thảm kịch này chủ yếu nguyên nhân do tâm lý con người gây ra chứ không phải do sự đỗ vỡ của cây cầu. Do đó, sự bình tĩnh là rất quan trọng trong thời điểm này.

- Xin cảm ơn ông  về buổi trò chuyện này.

Phương Hạ thực hiện (VTC News)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm