Chuyên gia Đức, Mỹ bắt đầu tìm nguyên nhân cá chết

“Tối 2-5, Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc đã làm việc với các nhà khoa học đến từ Đức, Mỹ, Israel và một số nhà khoa học trong nước về nguyên nhân cá chết ở bốn tỉnh miền Trung. Đây là những nhà khoa học có kinh nghiệm trong lĩnh vực hải dương học, địa chất ven biển, kỹ thuật bờ biển và môi trường bền vững” - sáng 3-5, tin từ Bộ TN&MT cho biết.

Tại buổi làm việc, các chuyên gia quốc tế đều khẳng định sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam điều tra, xác định nguyên nhân hải sản chết bất thường. GS Roberto Mayerle, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu công nghệ ĐH Kiel (Đức), đề xuất: “Sau khi làm việc với Bộ TN&MT, chúng tôi sẽ làm việc với Bộ KH&CN. Nếu được chấp thuận, chúng tôi sẽ đưa thêm chuyên gia, mang thêm các trang thiết bị hiện đại vào Việt Nam để điều tra nguyên nhân sự cố”.

Dù chưa có kết luận nguyên nhân cá chết, nhiều ngư dân Quảng Bình vẫn tất bật chuẩn bị ngư cụ, lương thực để ra khơi. Ảnh: VIẾT LONG

Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định sẽ tạo điều kiện để các nhà khoa học nước ngoài tham gia luôn vào việc đánh giá hoạt động của các nhà máy đang xả thải trực tiếp ra vịnh Vũng Áng, cũng như tham gia khảo sát quan trắc chất lượng nước biển khu vực này.

“Chúng tôi sẽ cùng các nhà khoa học rà soát toàn bộ hệ thống quan trắc bờ biển để xác định các công việc cần phải làm trong thời gian tới. Mục đích nhằm tăng cường năng lực, bảo đảm ứng phó nhanh với các sự cố môi trường biển có thể xảy ra trong tương lai” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Cũng trong ngày 3-5, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc đã ký công văn hỏa tốc gửi UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế. Công văn yêu cầu các địa phương hằng ngày phải báo cáo đầy đủ diễn biến tình hình môi trường khu vực, kết quả quan trắc, phân tích mẫu nước biển ven bờ, mẫu nước tại khu vực cửa sông, tại các nguồn thải chính trong khu vực.

Ngày 3-5, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám có công văn gửi các tỉnh liên quan nêu rõ: Đối với hải sản được khai thác tại vùng biển ngoài 20 hải lý tính từ bờ, nếu phát hiện mẫu không đạt yêu cầu thì báo cáo ngay về Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản để tổng hợp báo cáo Bộ NN&PTNT.

Riêng đối với hải sản được khai thác trong vùng biển 20 hải lý tính từ bờ, địa phương có biện pháp tiêu hủy, hỗ trợ cho ngư dân theo quy định. Bộ khuyến cáo ngư dân không tiếp tục khai thác tại vùng biển có mẫu phát hiện không đạt yêu cầu.

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc làm việc ngày 1-5 với các địa phương bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường.

Theo đó, Chính phủ quyết định hỗ trợ 15 kg gạo/nhân khẩu/tháng trong thời gian 1,5 tháng cho các hộ đánh bắt ven bờ và vùng bị ảnh hưởng tại bốn tỉnh miền Trung. Đồng thời hỗ trợ các tàu khai thác ven bờ không ra khơi được mỗi tàu 5 triệu đồng, hỗ trợ lãi suất tín dụng cho các hộ thu mua cá và dịch vụ nghề cá, hỗ trợ tiêu hủy cá chết.

Thủ tướng giao Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nhanh chóng kết luận một cách khách quan, khoa học, độc lập nguyên nhân về sự cố môi trường, báo cáo Thủ tướng để xem xét xử lý nghiêm minh, không loại trừ bất cứ tổ chức, cá nhân nào. Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì điều tra các vụ việc vi phạm về môi trường tại khu vực miền Trung.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy