Có bao nhiêu tiền thì được mở trạm xét xe?

“Tới đây, Chính phủ sẽ ký, ban hành nghị định quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đăng kiểm xe cơ giới!”. Sáng 26-6, tại TP.HCM, ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, thông tin như trên tới 66 đơn vị đăng kiểm và 14 chi cục đăng kiểm từ Đà Nẵng trở vào.

Tới đây cá nhân có đủ điều kiện về nhà đất, kỹ thuật được quyền mở trạm xét xe.

Theo dự thảo “Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới” đang được Bộ GTVT trình Chính phủ, việc thành lập đơn vị đăng kiểm xe cơ giới (trạm xét xe) mới phải phù hợp với quy hoạch tổng thể mạng lưới trạm và dây chuyền kiểm định của Bộ GTVT. Theo ý kiến của các tỉnh, thành thì Bộ GTVT cần chú ý, thêm vào điều khoản này là: “theo quy hoạch” trạm, dây truyền, sử dụng giao thông tĩnh của các địa phương.
Theo dự thảo, tổ chức, cá nhân đáp ứng được điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, nhân lực được cấp chứng nhận kinh doanh dịch vụ kiểm định xe. Cụ thể, diện tích mặt bằng tối thiểu của một trạm có một dây chuyền kiểm điịnh là 1.250 m2 và tối đa (2-3 dây chuyền) là trên 3.000 m2. Quy định hiện hành, diện tích tối tiểu là 5.000 m2.
Ý kiến của một cán bộ Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết quy định diện tích nhỏ hơn trong dự thảo nghị định là nhằm phù hợp với tình hình thực tế đất đai, nhà xưởng ở các đô thị hiện rất khan hiếm, đắt đỏ. Tuy nhiên, ý kiến khác cho rằng diện tích trong trạm nhỏ như trên dễ dẫn đến việc các trạm “chiếm dụng” vỉa hè, lòng, lề đường đô thị làm nơi cho xe đậu chờ đến lượt, xét, dán tem.
Nhiều ý kiến khác cho rằng Bộ GTVT nên có quy định về số vốn tối đa, tối thiểu khi mở trạm xét xe. Tuy nhiên, ý kiến khác cho rằng Bộ GTVT không nên quy định chi tiết như vậy. Vì số vốn của doanh nghiệp ngoài khoản nằm trong giá trị nhà xưởng, thiết bị còn nằm trong giá trị đất. Trong khi giá trị đất ở các địa phương (đô thị, miền núi…) là khác nhau.
Theo dự thảo, đơn vị hoạt động kinh doanh dịch vụ kiểm định không được trực tiếp hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới. Nhiều doanh nghiệp cho rằng quy định này sẽ “bó tay” các doanh nghiệp hoạt động đa ngành nghề. Cách “lách” qua cửa hẹp này là lập ra “doanh nghiệp con” chuyên xét xe, độc lập với “doanh nghiệp mẹ” đa ngành nghề.
Nhằm ngăn ngừa sai phạm, bỏ sót hạng mục kiểm định xe, bản dự thảo quy định số lượng tối đa xe cơ giới được cấp giấy chứng chứng nhận kiểm định trong một ngày (tám giờ) làm việc như sau: Không quá 90 xe/một dây chuyền kiểm định loại I; không quá 70 xe/một dây chuyền kiểm định loại II; không quá 25 xe/một đăng kiểm viên (ĐKV).
Đơn vị đăng kiểm sẽ bị tước giấy chứng nhận kinh doanh 1-3 tháng nếu: Sử dụng thiết bị kiểm định không đảm bảo tính chính xác, chưa được kiểm chuẩn; kiểm định và cấp giấy chứng nhận kiểm định cho xe cơ giới không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định, thẩm quyền. Trạm có từ năm lượt ĐKV trở lên bị tước giấy chứng nhận ĐKV hoặc từ ba ĐKV trở lên bị thu hồi giấy chứng nhận ĐKV trong thời gian 12 tháng thì sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh.
Theo Bộ GTVT, nghị định trên nhằm tạo khung pháp lý đầy đủ cho hoạt động kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới theo chủ trương xã hội hóa đầu tư.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm