Cơ chế đặc thù cho TP.HCM: Gỡ nhiều điểm nghẽn

Tối 15-11, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cùng các đại biểu HĐND TP đơn vị số 1 đã có buổi tiếp xúc với cử tri quận 1. Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri quận trung tâm TP quan tâm đến vấn đề phát triển giao thông, hạ tầng và ngập nước của TP cũng như việc dẹp vỉa hè vừa qua.

Hai điểm nghẽn: Kẹt xe và ngập nước

Tại buổi tiếp xúc, cử tri Nguyễn Thị Xuyến (phường Tân Định) cho rằng TP chưa có biện pháp đột phá trong giải quyết kẹt xe và ngập nước. “Hiện cho xây dựng nhiều cao ốc văn phòng, chung cư ở quận 1, thừa khu vui chơi giải trí mà thiếu bãi giữ xe…” - cử tri Xuyến phản ánh.

Theo cử tri Lý Thiếu Mai (phường Cầu Ông Lãnh), muốn TP.HCM trở nên văn minh, hiện đại thì phải hết cảnh ô nhiễm ở các nhà ven kênh rạch, hết ùn tắc giao thông và ngập nước. “Những nhà đầu tư muốn vào sẽ nhìn vào hạ tầng của chúng ta, cho nên cái cấp bách nhất là sửa chữa hạ tầng của TP” - bà Mai kiến nghị.

Chia sẻ với cử tri, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết trong 25 năm qua TP đã giải quyết được 36.000 căn nhà trên và ven kênh rạch, hiện nay còn hơn 20.000 căn nhà tập trung ở quận 4 và quận 8. “Để tổ chức lại dân cư trên và ven kênh rạch cần nguồn vốn lớn mà ngân sách chỉ giải quyết được phần nào. Nguồn thu TP ngân sách lớn nhất nước, thế nhưng chúng ta phải chia sẻ với trung ương 82%, cho nên việc đầu tư phải tính toán sự hiệu quả, cần có lộ trình giải quyết nhà trên và ven kênh rạch” - ông Phong nói.

Về vấn đề hạ tầng giao thông, ông Phong cho biết trong quý đầu năm 2017, TP có 30.000 phương tiện mới đăng ký (mỗi ngày có 1.000 phương tiện mới đăng ký). “Trong khi đó đường không mở ra, dẫn đến ách tắc giao thông. Tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên cần nguồn tiền khổng lồ 47.000 tỉ đồng, chủ yếu từ ODA. Tình trạng ách tắc giao thông cũng là điểm nghẽn tác động mạnh đến sự phát triển TP” - ông Phong nói.

Theo ông Phong, cùng với kẹt xe thì ngập nước trên địa bàn cũng là một vấn đề lớn cần giải quyết. “TP thấy được những tác động này ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của TP, cần nguồn lực rất lớn để giải quyết. Do vậy mà TP đang kiến nghị Quốc hội có nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù để tạo thêm nguồn lực cho TP phát triển trong tương lai” - ông Phong nói.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng tình trạng ách tắc giao thông là điểm nghẽn tác động mạnh đến sự phát triển TP. Ảnh: TL

Xem lại việc tháo dỡ bạt che ở vỉa hè

Liên quan đến việc lập lại trật tự lòng lề đường, vỉa hè thời gian qua tại quận 1, cử tri Nguyễn Thị Xuyến cho rằng việc tháo dỡ bạt che, dù quay là chưa phù hợp, gây bất tiện cho các hộ dân, hộ kinh doanh và nó cũng không làm ảnh hưởng đến lối đi của người đi bộ.

“Vừa qua các đội trật tự đô thị thông báo phải tháo dỡ các dù che, bạt quay này là sự vô cảm trước người dân. Mong lãnh đạo TP xem xét lại, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm an toàn hành lang lưới điện, ảnh hưởng người đi bộ thì kiên quyết tháo dỡ, còn lại phải giải quyết cho người dân” - bà Xuyến kiến nghị.

Cử tri này cũng đề cập đến việc chốt dân phòng tại 25 Trần Khát Chân đã bị ông Đoàn Ngọc Hải (Phó Chủ tịch UBND quận 1) tháo dỡ mà không báo trước. “Khu phố đã kiến nghị cho xây lại trụ sở, đến nay vẫn chưa biết Sở Xây dựng có cho phép xây dựng hay không” - bà Xuyến nói.

Trả lời cử tri, ông Nguyễn Thành Phong cho rằng hiện nay có một bộ phận dân cư nghèo, phải buôn gánh bán bưng để sinh sống nên một số nơi bị lấn chiếm, ảnh hưởng đến trật tự mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, ông Phong cho rằng phải thấy được cội nguồn sâu xa để tổ chức lại vỉa hè cho tốt.

“Lãnh đạo TP xác định phải kiên trì, phải có bước đi, lộ trình chứ không phải theo kiểu hình thức, phong trào, chiến dịch. Vỉa hè quận 1 khác Bình Tân nên chính chủ tịch quận phải là người đứng ra chỉ đạo phương án tổ chức lại vỉa hè, trật tự lòng lề đường. Làm chiến dịch là “không ăn” và không khéo ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân nghèo” - ông Phong nói và cho biết có người buôn bán buổi sáng 2-3 tiếng đồng hồ mà nuôi cả gia đình, bấy lâu nay họ sống nhờ vỉa hè thì phải sắp xếp lại cho người ta.

Từ đó ông Phong cho rằng mái che, bạt quay bị yêu cầu tháo dỡ ở quận 1 cần xem xét lại, bởi vì nó không ảnh hưởng gì đến việc đi lại. “Còn nếu ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị thì phải sắp xếp lại” - ông Phong nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm