Cơ chế đặc thù cho TP.HCM: Rút nội dung về thuế tài sản

Trình bày báo cáo Giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho hay có nhiều ý kiến nhất trí việc ban hành thuế tài sản, trước mắt là thuế nhà, đất để thí điểm tại TP.HCM. 

Tuy nhiên một số ý kiến đề nghị không ban hành Luật để áp dụng thí điểm thuế tài sản đối với TP.HCM mà cần ban hành Luật để áp dụng chung trên phạm vi toàn quốc.

Kết quả biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ chế đặc thù cho TP.HCM

Ủy ban Thường vụ quốc hội (UBTVQH) thấy rằng, thuế tài sản là sắc thuế trực thu, có ảnh hưởng trực tiếp đến đại bộ phận người dân, đến thị trường bất động sản, đến sức cạnh tranh và môi trường đầu tư của TP. Việc thực hiện thí điểm chỉ tại TP sẽ tạo sự bất bình đẳng giữa người dân, người có nhà, đất trên địa bàn TP với những người sở hữu nhà, đất ở các địa phương khác.

Đại biểu bấm nút thông qua nghị quyết về cơ chế đặc thù cho TP.HCM. Ảnh: Chân Luận.

“Vì vậy, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH xin Quốc hội cho phép không quy định nội dung này trong Dự thảo Nghị quyết, song đề nghị Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, trình Quốc hội ban hành Luật Thuế tài sản để áp dụng thống nhất trên phạm vi toàn quốc theo định hướng về cải cách hệ thống thuế quốc gia giai đoạn 2016-2020. Nội dung này đã được quy định tại khoản 2 Điều 8 của Dự thảo Nghị quyết”- ông Hải nói.

Ngoài nội dung này, ông Hải cũng cho biết có nhiều ý kiến đồng ý với chủ trương để lại cho TP nguồn thu từ cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước như Dự thảo Nghị quyết, ngân sách trung ương (NSTW) vẫn bố trí đủ 18.800 tỉ đồng cho TP để thực hiện các dự án đã được ghi trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Một số ý kiến đề nghị bố trí đủ 18.800 tỉ đồng để thực hiện các dự án theo kế hoạch đầu tư công trung hạn và ngân sách TP hoàn trả NSTW 18.800 tỉ đồng này theo tiến độ thu từ thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước của TP.

Ông Hải cho hay, nếu để lại toàn bộ nguồn thu này cho TP thì NSTW sẽ hụt thu tương ứng khoảng 20.000 tỉ đồng, trường hợp cổ phần hóa diễn ra thuận lợi thì số tiền thu để lại cho TP cao hơn 20.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, thực tế số thu từ cổ phần hóa phụ thuộc tình hình của thị trường, khó xác định được tiến độ, trong khi đây là các dự án cấp bách, cần thiết đã được bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.

“Để chia sẻ khó khăn của ngân sách TP và bảo đảm nguồn lực của NSTW, UBTVQH xin Quốc hội cho phép tiếp tục phân bổ 8.800 tỉ đồng cho các dự án bệnh viện đã được Chính phủ giao kế hoạch cho TP, không giao 10.000 tỉ đồng đối với dự án chống ngập đã có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn nhưng chưa được Chính phủ giao kế hoạch và TP sẽ có trách nhiệm cân đối từ nguồn thu cổ phần hóa được dự kiến như trên để đầu tư cho các dự án chống ngập”- ông Hải nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm