Có nên xử theo án lệ?: Phải sửa đổi cả hệ thống pháp luật

Ở các nước theo án lệ, dù mỗi nước quy định một khác nhưng đều phải tuân theo một quy trình, thủ tục xem xét rất chặt chẽ, phải có một cơ quan (thường là Hội đồng Thẩm phán Tòa án Tối cao) quyết định có coi bản án đó là án lệ hay không. Mặt khác cũng không phải mỗi loại vụ án chỉ có một bản án được coi là án lệ mà có thể nhiều bản án cùng được coi là án lệ.

Nghiên cứu thực tế ở một số nước theo án lệ, dự phiên tòa hình sự, tôi đã gặp trường hợp: Luật sư trích dẫn một bản án được coi là án lệ trước đó 50 năm và đề nghị thẩm phán áp dụng để tuyên bị cáo không phạm tội. Vị công tố lại trích dẫn một bản án khác trước đó 40 năm cũng được coi là án lệ và đề nghị thẩm phán áp dụng tuyên bố bị cáo phạm tội. Còn thẩm phán lại… không căn cứ vào bất cứ bản án nào do luật sư hay công tố viên đưa ra mà căn cứ vào một bản án khác cũng được coi là án lệ để ra phán quyết.

Có nước còn có những quy định mới nghe thì thấy vô lý. Chẳng hạn khi xét xử có 12 vị bồi thẩm đoàn (giống như hội thẩm nhân dân ở ta). 12 vị này được mời đến theo danh sách cử tri ở địa phương đó. Họ phải là những người không được đào tạo pháp lý ngồi nghe luật sư và công tố viên tranh tụng. Nếu một trong số 12 người đó bỏ phiếu chống (ví dụ bị cáo không thực hiện hành vi như công tố viên quy kết) thì thẩm phán không được kết tội bị cáo. Chỉ một người phủ quyết được cả 11 người còn lại, nghe có vẻ vô lý, vậy mà ở nước họ đã tồn tại nguyên tắc này hàng trăm năm rồi.

Ở nước ta, từ thời Pháp thuộc đến nay hệ thống pháp luật của chúng ta theo truyền thống châu Âu lục địa (luật thành văn), kéo theo nó là trình tự, hình thức xét xử theo tố tụng “thẩm vấn”.

Có nên xử theo án lệ?: Phải sửa đổi cả hệ thống pháp luật ảnh 1

Theo ông Đinh Văn Quế, việc áp dụng án lệ trong thực tiễn xét xử hay không cần được xem xét toàn diện,
nghiên cứu thấu đáo. Ảnh minh họa: HTD

Xét về góc độ khoa học pháp lý, việc nghiên cứu án lệ là rất cần thiết nhưng để áp dụng nó vào thực tiễn xét xử ở nước ta thì là cả một vấn đề không đơn giản với rất nhiều việc phải làm.

Áp dụng án lệ đồng nghĩa với việc thay đổi thiết chế pháp luật chứ không đơn giản chỉ là trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hay Quốc hội đồng ý là có thể thực hiện được ngay. Đây là vấn đề lớn, nó làm thay đổi cơ bản toàn bộ cả một hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước và các cơ quan tiến hành tố tụng. Cạnh đó, không phải chỉ sửa đổi, bổ sung hiến pháp và các văn bản pháp luật liên quan mà phải thay đổi lại toàn bộ hệ thống pháp luật, trong đó có hiến pháp.

Cho áp dụng án lệ hay không cần phải xem xét một cách toàn diện, nghiên cứu thấu đáo mà trước hết là nhiệm vụ của các nhà khoa học pháp lý.

Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao là văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật về một số vấn đề mà pháp luật đã quy định nhưng còn hiểu và áp dụng khác nhau. Trong các nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán không hề dẫn chứng bất cứ một vụ án nào mà chỉ nêu ví dụ minh họa.

Các quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã được xuất bản là những vụ án có thật mà tòa các cấp đã xét xử nhưng phát hiện có sai lầm nên phải giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm. Hầu hết các nước trên thế giới, dù là các nước theo tố tụng tranh tụng hay tố tụng thẩm vấn, luật thành văn hay án lệ, đều có thủ tục đặc biệt này.

Ở nước ta, việc TAND Tối cao cho công bố các quyết định giám đốc thẩm ngoài ý nghĩa công khai hóa các quyết định của Hội đồng Thẩm phán còn có ý nghĩa lớn lao hơn là để cho tòa các cấp tham khảo khi xét xử các vụ án có các tình tiết tương tự. Tham khảo hoàn toàn khác với áp dụng. Các thẩm phán bắt buộc phải áp dụng nghị quyết nhưng không bắt buộc phải áp dụng quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.

Nhu cầu tất yếu!

Luật của chúng ta là luật thực định. Các cơ quan tư pháp khi giải quyết vụ việc phải viện dẫn quy định làm căn cứ pháp lý. Về phía người dân, khi yêu cầu cơ quan tư pháp bảo vệ, họ có nghĩa vụ phải chứng minh yêu cầu đó là hợp pháp.

Từ thực tế này dẫn đến hậu quả là có khi quyền lợi của người dân bị xâm hại nhưng nếu pháp luật thực định nói không thuộc thẩm quyền thì dân không được phép yêu cầu cơ quan tư pháp giải quyết nữa. Điều này đi ngược một nguyên tắc chung của pháp luật là người dân được làm những gì pháp luật không cấm. Chúng ta phải hiểu quyền khởi kiện của người dân không bị hạn chế bởi sự hạn chế của pháp luật. Tòa phải bảo vệ quyền của công dân bằng mọi giá chứ không thể viện lý do luật còn bỏ ngỏ để từ chối.

Án lệ là nhu cầu tất yếu của thực tiễn xét xử vì nếu không có nó thì làm sao bít được các lỗ hổng pháp luật. Thẩm phán khi đứng trước một tình huống mà pháp luật chưa có quy định thì họ phải nhờ cậy án lệ.

Theo tôi, việc chúng ta thừa nhận án lệ là hợp lý và nên làm vì nó là hình thức bổ sung nguồn luật nhằm kịp thời giải quyết các yêu cầu từ đời sống xã hội. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi mà việc ban hành luật còn chậm so với các quan hệ xã hội mới liên tục nảy sinh, đa dạng về nội dung, ngày càng rộng về phạm vi, ngày càng phức tạp về tính chất tranh chấp.

TS NGUYỄN VĂN TIẾN, khoa Luật dân sự ĐH Luật TP.HCM

ĐINH VĂN QUẾ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm