Có tiền cũng chưa chắc chống ngập được

Buổi họp “nóng” lên khi báo giới liên tục đặt câu hỏi về tình trạng ngập nặng tại TP.HCM trong những ngày qua, trong khi TP đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng để chống ngập.

Trả lời câu hỏi của Pháp Luật TP.HCM về hướng chống ngập sắp tới, ông Võ Văn Luận cho biết: Nguyên nhân ngập là do mưa lớn cộng với triều cường, hơn nữa giải pháp chống ngập của TP cũng chưa căn cơ. “Lãnh đạo TP rất quan tâm đến chuyện chống ngập. Trong năm năm tới, TP tiếp tục đưa giảm ngập nước vào chương trình đột phá. TP.HCM là một trong hai địa phương trọng điểm mà Chính phủ đang tập trung chống ngập. Vốn rất là lớn nhưng có tiền cũng chưa chắc làm được, bởi vì ngập do nhiều yếu tố kết hợp” - ông Luận nói.

Theo ông Luận, giải pháp căn cơ, lâu dài là thực hiện cùng lúc quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP.HCM, kể cả quy hoạch thoát nước vùng. TP đã lập quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước đến năm 2020 và quy hoạch thủy lợi chống ngập úng đến năm 2025. “Trước mắt là giảm các điểm ngập, chống tái ngập. Xa hơn, TP đang triển khai xây dựng ba hồ điều tiết nước: Gò Dưa, Bàu Cát và Khánh Hội với tổng vốn đầu tư 1.000 tỉ đồng. Nếu có được ba hồ điều tiết này, khả năng sẽ kéo giảm được ngập nước ở một số điểm” - ông Luận nói.

Trả lời câu hỏi của báo Pháp Luật TP.HCM liên quan đến việc quản lý nhà cổ ở TP.HCM, ông Võ Văn Luận nói: Tất cả loại nhà cổ ở từng khu vực thuộc diện bảo tồn thì Sở Xây dựng và Sở Văn hóa - Thể thao có danh mục quản lý, có kế hoạch di tu sửa chữa hằng năm. Hiện TP không chỉ có các nhà cổ mà các chung cư xuống cấp cũng phải tháo dỡ để xây dựng lại. “Lãnh đạo TP rất quan tâm đến tính mạng con người và sẽ không để tình trạng nhà cũ sập đổ, ảnh hưởng đến tính mạng người dân” - ông Luận khẳng định.

Một lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết thêm: “Sau vụ sập nhà ở Hà Nội, hôm nay Sở vừa mới nhận được bản fax văn bản của Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương rà soát, phát hiện các công trình có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn và khẩn trương có biện pháp xử lý. Đồng thời, yêu cầu các chủ sở hữu, người quản lý, sử dụng phải chú trọng bảo trì công trình xây dựng; chủ động kiểm tra, phát hiện các dấu hiệu mất an toàn để kịp thời thông báo cho chính quyền các cấp… TP sẽ nhanh chóng thực hiện công việc này”.

GDP TP.HCM chín tháng tăng 9,1% so với cùng kỳ

Sáng cùng ngày, UBND TP.HCM đã họp thường kỳ về tình hình kinh tế-xã hội và thu chi ngân sách tháng 9, chín tháng đầu năm và triển khai các phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm ba tháng cuối năm 2015.

Theo báo cáo của UBND TP, trong chín tháng đầu năm, nền kinh tế TP chuyển biến tích cực, hầu hết lĩnh vực đều tăng trưởng. Cụ thể, tổng sản phẩm nội địa (GDP) chín tháng ước đạt gần 650.000 tỉ đồng, tăng 9,1% so cùng kỳ, cao hơn mức tăng của ba năm liên tiếp gần đây. Về thu ngân sách nhà nước, tổng thu ước đạt 200.907 tỉ đồng, đạt hơn 75% dự toán và tăng gần 5,5% so cùng kỳ.

Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân yêu cầu trong ba tháng cuối năm, các sở/ngành phải tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Ông Quân cũng lưu ý các địa phương tập trung ưu tiên vốn cho các dự án hạ tầng, tăng cường kiểm tra tiến độ các dự án hạ tầng để tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm