NỖI KHỔ HẬU NÂNG ĐƯỜNG CHỐNG NGẬP - BÀI 3

Có tiền xây nhà cũng không yên

Khi đường nâng cao, những người không có tiền sửa chữa, nâng nền nhà khốn khổ vì phải bò, trèo ra đường (Pháp Luật TP.HCM các ngày 27, 28-7). Nhưng những hộ có điều kiện xây, sửa nhà lại có nỗi khổ khác, cũng bi kịch không kém.

Cáp quang chắn lối, lưới điện thấp tè

Vừa xây lại căn nhà để thoát cảnh ngập úng, ông Nguyễn Thiện (chủ nhà 39 Tam Bình, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) lại thở dài khi thấy bó cáp quang giăng ngang chắn mất lối vào nhà. “Bó cáp quang này trước đây ở trên cao nhưng giờ đường nâng lên, nhà nâng lên theo nên nó bỗng thành chướng ngại vật. Mấy ngày nay tôi đi ra đi vào đụng đầu hoài. Khổ quá nhưng không biết kêu ai đến giải quyết” - ông Thiện bức xúc.

Chưa hết, người dân sống bên đường Tam Bình còn lo sợ tình trạng đường nâng cao khiến mạng lưới điện quá gần mặt đất, tăng nguy cơ xảy ra chập cháy, phóng điện. Một cán bộ Tổng Công ty Điện lực TP.HCM cho biết trước đây dây điện trên đường Tam Bình cao hơn mặt đường khoảng 6 m. Do đường nâng cao quá nên bây giờ dây điện khá gần đầu người, tạo cảm giác không an toàn. “Chúng tôi đã yêu cầu Điện lực Thủ Đức kiểm tra, đo lại chiều cao lưới điện để có những giải pháp khắc phục, không để xảy ra sự cố đáng tiếc” - vị này nói.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở đường An Dương Vương, quận Bình Tân sau khi mặt đường được nâng cao để chống ngập. Phòng Quản lý đô thị quận Bình Tân cho biết dự án nâng cấp đường An Dương Vương do Trung tâm Chống ngập làm chủ đầu tư, khởi công vào cuối năm 2014. Cao độ công trình này tăng khoảng 1,2 m so với trước đây dẫn đến mạng lưới điện 15kV không đảm bảo chiều cao an toàn đối với nhà dân.

“Chúng tôi đã kiến nghị Công ty Điện Lực Bình Phú phối hợp với chủ đầu tư sớm khảo sát, cải tạo nâng cấp tuyến điện 15kV trên đường An Dương Vương để tạo thuận lợi cho người dân sửa nhà” - một cán bộ Phòng Quản lý đô thị quận Bình Tân nói.

Căn nhà này sau khi xây mới, nâng lên bằng mặt đường thì bị bó dây điện, cáp quang chắn lối ra vào. (Ảnh chụp trên đường Tam Bình, phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức) Ảnh: T.THANH

Nâng nền trừ hao cũng không ăn thua

Sau khi đường Phạm Văn Đồng hoàn thành, có nhiều căn nhà mới xây cũng phải đập ra sửa lại do nền vẫn thấp so với mặt đường. “Lúc làm nhà, tôi đã trừ hao nên xây nền cao khoảng 1,7 m so với mặt đường lúc đó rồi. Không ngờ đường nâng cao quá, giờ tôi phải nâng nền lên tiếp” - anh Lê Hoàng Trí, chủ một căn nhà mặt tiền trên đường Phạm Văn Đồng (gần cầu Gò Dưa, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức), lắc đầu ngao ngán. Sát bên nhà anh Trí cũng có hai căn nhà khác mới xây cũng phải nâng lại nền.

Cũng trên địa bàn phường Hiệp Bình Chánh, nhiều nhà trên đường Tam Bình đã chủ động nâng nền trước nhưng cũng không thấm vào đâu so với mặt đường hiện hữu. Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án lắp đặt cống thoát nước kết hợp với nâng đường Tam Bình do Trung tâm Chống ngập làm chủ đầu tư, vừa hoàn thành vào tháng 6-2015. Tuyến đường này dài khoảng 3 km, chạy qua địa bàn phường Hiệp Bình Chánh và phường Tam Phú, quận Thủ Đức. Ban đầu mặt đường dự tính nâng cao đến 2 m nhưng sau đó giảm xuống còn khoảng 1,7 m để bớt ảnh hưởng đến nhà dân hai bên.

Phương án này được người dân đồng tình. Thế nhưng khi đường hoàn thành, rất nhiều căn nhà trên tuyến đường Tam Bình bị hụt xuống hơn cả mét, chẳng khác nào hầm sâu nên người dân cũng hụt hẫng theo. “Lúc trước nghe nâng đường chống ngập tôi mừng quá nên đồng ý ngay, ai ngờ đường nâng cao còn khổ hơn vì ra vào nhà rất khổ sở, khi mưa lớn nước đọng lại không thoát được. Nói thiệt, do không có trình độ chuyên môn lại không được khuyến cáo đường nâng cao nhà sẽ thấp sâu như thế này nên ban đầu tôi mới đồng ý” - một người dân có nhà bị hụt sâu so với mặt đường rầu rĩ.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều lãnh đạo địa phương có cùng ý kiến: Dù đã phối hợp với chủ đầu tư dự án tổ chức lấy ý kiến của người dân nhưng địa phương cũng không lường hết những hậu quả phát sinh sau khi nâng đường. “Theo tôi, khi tổ chức lấy ý kiến, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan nên có những khuyến cáo đầy đủ hơn về hậu quả của việc nâng đường. Ngoài ra cũng phải có những giải pháp đồng bộ hơn chứ đường nâng cao mà nhà dân thành hầm kiểu này thì họ than là phải!” - một chủ tịch phường có nhiều tuyến đường vừa nâng cấp bày tỏ.

“Mong các đồng chí hiểu nỗi khổ của người dân”

Chiều 28-7, tại buổi thảo luận tổ trong kỳ họp HĐND TP.HCM, bà Thi Thị Tuyết Nhung (Phó ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP) cho biết sáng nay bà đã đọc bài báo “Ra vào nhà phải trèo, phải chui” đăng trên Pháp Luật TP.HCM ngày 27-7. “Nhìn hình ảnh bà cụ trèo từ dưới nhà lên mặt đường Lò Gốm, tôi thấy xót xa. Các đồng chí lãnh đạo địa phương phải suy nghĩ làm thế nào để người dân có cuộc sống tốt đẹp hơn khi chúng ta mở rộng, nâng cấp các tuyến đường. Tôi chia sẻ khó khăn với các đồng chí nhưng cũng mong các đồng chí hiểu được nỗi khổ của người dân” - bà Nhung nói.

Trả lời Pháp Luật TP.HCM bên lề buổi thảo luận tổ, bà Nhung cho rằng chính quyền địa phương nơi có những dự án nâng cấp đường phải quan tâm, tạo điều kiện cho người dân được sửa chữa, nâng cấp nhà để cuộc sống bớt khổ. Cũng theo bà Nhung, khi người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án chỉnh trang đô thị thì địa phương, ban quản lý dự án đã có chính sách hỗ trợ cụ thể cho người dân. Tuy nhiên, chính sách này lâu nay chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu của người dân.

“Với các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo thì UBND TP đều có những nguồn cụ thể giúp người dân sửa chữa nhà. Quan trọng là lãnh đạo địa phương phải quan tâm từng trường hợp cụ thể” - bà Nhung nhấn mạnh.

Nên thông tin đầy đủ cho dân biết

Chuyện dân khổ do đường nâng cao, nhà hụt sâu xuống đã nghe phản ánh nhiều nhưng hướng giải quyết ra sao, chính sách hỗ trợ dân như thế nào vẫn chưa thấy cụ thể. Theo tôi, nên có những khảo sát, thống kê đầy đủ các trường hợp bị ảnh hưởng nặng nề để ưu tiên giải quyết trước.

Với các dự án mới, việc tổ chức lấy ý kiến dân phải thực hiện kỹ lưỡng, phải cung cấp cho người dân đầy đủ thông tin về hậu quả của chuyện nâng đường. Những khu vực nào dân chưa đồng tình thì cần phải xem xét các giải pháp mang tính đồng bộ hơn.

Ông LÂM THIẾU QUÂN, đại biu HĐND TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy