Quảng Ninh:

Công khai số điện thoại lãnh đạo trực bão số 7

Theo thông báo của Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh, sau khi họp về công tác phòng, chống cơn bão số 7 được cho là sẽ đi vào Quảng Ninh, lãnh đạo UBND tỉnh đã chia thành sáu đoàn công tác trực tại sáu khu vực trọng điểm của tỉnh.

Cụ thể, sáu đoàn công tác bao gồm: Đoàn công tác số 1 do Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long làm trưởng đoàn và trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống tại TP Móng Cái.

Đoàn công tác số 2 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh - ông Đặng Huy Hậu chỉ đạo khu vực các huyện và TP: Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều. Đoàn công tác số 3 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh - ông Nguyễn Văn Thành làm trưởng đoàn; chỉ đạo khu vực TP Cẩm Phả, huyện Vân Đồn và huyện đảo Cô Tô. Đoàn công tác số 4 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh - bà Vũ Thị Thu Thủy làm trưởng đoàn; chỉ đạo tại địa bàn TP Hạ Long. Đoàn công tác số 5 do ông Vũ Quang Tùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh, làm trưởng đoàn; chỉ đạo khu vực huyện Tiên Yên, huyện Đầm Hà, huyện Hải Hà. Đoàn công tác số 6 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh - ông Vũ Văn Diện làm trưởng đoàn; chỉ đạo tại các huyện Hoành Bồ, Ba Chẽ, Bình Liêu.

Thuyền bè neo đậu tại cảng Tuần Châu tránh bão.

Như vậy, toàn bộ địa bàn tỉnh Quảng Ninh đều có các lãnh đạo trực tiếp trực công tác phòng, chống bão. Các đoàn công tác đều có số điện thoại nóng của lãnh đạo tỉnh. Tất cả lực lượng như: công an tỉnh, GTVT, biên phòng,... đều được huy động trực bão tối đa.

Tại tỉnh Thái Bình, công tác chuẩn bị ứng phó với cơn báo cũng đã cơ bản hoàn thành. Theo chỉ đạo của chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, đến 17 giờ ngày 17-10, các địa phương phải hoàn tất việc đưa tàu thuyền, người dân còn đang hoạt động trên sông, trên biển vào nơi tránh trú bão an toàn. Bố trí lực lượng, hướng dẫn người dân sắp xếp tàu thuyền tại khu neo đậu, tránh va đập gây vỡ và chìm tàu; kiên quyết không để người dân ở lại trên tàu thuyền nơi neo đậu. Chủ động di dời toàn bộ số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thủy sản, hải sản và các hộ dân sinh sống ngoài đê vào trong đê chính, không để bất cứ người nào ngoài đê chính truớc khi bão đổ bộ vào đất liền. Mở các cống tiêu thoát nước, trục vớt bèo bồng, khơi thông dòng chảy, kịp thời thoát nước đề phòng mưa lớn xảy ra...

Ngoài ra, các địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Bình cần chủ động bảo vệ các công trình trọng điểm như: đê, kè, cống xung yếu; chằng chống, bảo vệ nhà cửa, các công trình nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại do bão gây ra. Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư để ứng phó kịp thời khi cần thiết. Duy trì lực lượng thường trực cứu hộ, cứu nạn để xử lý, ứng cứu và khắc phục hậu quả do bão gây ra khi có yêu cầu…

 

Khoảng 13 giờ, Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương dự báo: Vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,5 độ Vĩ Bắc; 113,2 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 120 km về phía đông bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150 km/giờ), giật cấp 16.

Dự báo trong khoảng 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20 km. Đến 13 giờ ngày 18-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,1 độ Vĩ Bắc; 109,8 độ Kinh Đông, trên đất liền đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, giật cấp 16.

Vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 6 trở lên): phía bắc Vĩ tuyến 150N và từ Kinh tuyến 108,00E đến Kinh tuyến 115,00E. Vùng gió mạnh từ cấp 8 trở lên phía bắc Vĩ tuyến 160N và phía đông Kinh tuyến 108,50E. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Từ đêm 17-10, ở vịnh Bắc Bộ có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-10, giật cấp 11-12; biển động rất mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 15 km. Đến 13 giờ ngày 19-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,0 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông, trên vùng ven biển các tỉnh phía đông bắc bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11, giật cấp 14-15.

Do ảnh hưởng của bão, ở vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11-12, giật cấp 14-15; biển động dữ dội. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm