CSGT TP.HCM ra quân test ma túy tài xế bằng que thử nước bọt

Trong khoảng 2 giờ đồng hồ, CSGT phối hợp với Cảnh sát cơ động chặn khoảng 20 xe, đa số là container để test ma túy tài xế. Thiết bị dùng để test ma túy là dạng ống i, màu trắng, chất liệu nhựa, gồm hai bộ phận ống và que thử, được sử dụng để test nước bọt của tài xế.

Đội CSGT An Lạc phối hợp với CS cơ động, Công an huyện Bình Chánh test tài xế container, xe tải,... di chuyển trên Quốc lộ  1, đoạn từ An Lạc về Long An, tối 15-1. Ảnh: L. THOA

Mất khoảng 7 phút cho mỗi trường hợp
Đối với tài xế nghi vấn, CSGT rút que từ ống thử, đề nghị họ ngậm một đầu cho thấm nước bọt kèm hướng dẫn: “Anh phải đẩy lưỡi qua, lại cho nước bọt thấm vào que”.
Sau khi que thử thấm nước bọt, CSGT cho vào ống thử để nước bọt thấm vào giấy quỳ.
CSGT giải thích: “Trên ống thử có 4 miếng giấy quỳ, tương ứng với từng loại ma túy gồm: ma túy tổng hợp, cocain, ma túy đá, heroin và cỏ, cần sa. Nếu giấy quỳ hiện lên 2 vạch thì tức là không có ma túy, hiện lên 1 vạch thì có ma túy, còn nếu không hiện lên vạch nào thì có thể thực hiện sai hoặc thiết bị bị lỗi”.

CSGT đưa que thử cho tài xế ngậm vào miệng... Ảnh: L.THOA

Sau khi que thử ngấm nhiều nước bọt thì được cho vào lại ống thử có giấy quỳ, nếu có ma túy thì giấy quỳ hiện 1 vạch. Ảnh: L.THOA

Còn một dạng que thử khác, sau khi ngấm nước bọt thì sẽ được đưa vào máy thử và mất 5 phút để phân tích loại ma túy. CSGT cho biết, mỗi trường hợp kiểm tra sẽ mất khoảng 7 phút.
Theo đó, qua kiểm tra khoảng 20 tài xế thì chưa phát hiện trường hợp nào có sử dụng ma túy khi lái xe.
“Thế giới ngầm” trong cánh tài xế xe container
Gặp các tài xế bị kiểm tra, đa số tài xế đều cho biết mình không “chơi” loại chất kích thích nào. Tài xế tên Lịch (quê Quảng Nam) chạy container đi về Long An cho biết, 25 năm chạy container, anh Lịch chủ yếu chở thiết bị điện tử gia dụng là chính nên không gặp áp lực về thời gian.

Theo anh Lịch, công ty anh đang chạy thuê “làm ăn đàng hoàng”, nếu phát hiện tài xế nào “bậy bạ” thì sẽ đuổi ngay. “Dùng ma túy hay không thì có người này người kia, cái đó tui không thể nói được” – anh Lịch ngần ngại.

CSGT dùng một loại que thử khác... Ảnh: L. THOA

Que thử này sẽ được cho vào máy test riêng mất 5 phút để cho kết quả có ma túy hay không. Ảnh: L. THOA

Chia sẻ với PV báo Pháp Luật TP.HCM, tài xế Nguyễn Văn T. (46 tuổi, ngụ quận 8) nhún mày: “Trước tui là tài xế container mà thấy mấy thằng container khác chạy còn ớn chứ huống gì người khác”.
Tài xế T. khẳng định, dù từng có 7 năm chạy container, bạn bè trong nghề từng rủ rê dùng ma túy nhưng ông không thử. Ông cho biết, chủ yếu ông chạy xe chở sắt thép nên không gấp gáp, có hàng thì chạy, không thì đậu nghỉ. Mỗi năm một lần, công ty sẽ đưa ông và toàn bộ tài xế đi khám sức khỏe, test ma túy.
Tiết lộ những bí mật của cánh xe thường “chơi hàng”, ông T. nói: Bọn bạn bè tui cũng nhiều lần rủ rê, bảo chơi…. rồi mượn cabin của tôi để sử dụng, đứa nào chích là nặng.
"Đặc biệt là mấy tay chạy xe Bắc – Nam đó, toàn ghé vào xây xăng… làm một phát cho phê rồi mới chạy. Cái đó nó ghê lắm, nó chống buồn ngủ nên bọn container chạy ngày chạy đêm đâu biết mệt, lương tháng mấy chục triệu”, ông nói.
Còn tài xế Nguyễn Quốc Bình (ngụ Đồng Nai), thường chạy container về Long An, Sa Đéc, Đồng Tháp, Gò Dầu,… cho biết trước đây anh thường chạy xe Bắc – Nam đến 42 tiếng, nên việc buồn ngủ là không thể cưỡng lại. “Lúc đó, khi chạy hết một ca, đổi người là tôi ngủ lúc nào không hay, cơn ngủ từ trong ruột ngủ ra luôn” – anh Bình kể.
Lái xe đường dài buồn ngủ thì nên vào cây xăng
Theo tài xế Bình, nếu đã dùng chất kích thích thì không nên để tài xế cầm vô lăng chạy. Vì đường sá ở đất nước mình còn nhỏ, xe máy và ô tô đo lẫn nào nhau, nếu có va chạm nhẹ thì dễ bị hất văng ra, xe tải, container đến sẽ không thắng kịp.
“Chất kích thích chẳng qua chỉ là ảo giác, bản thân tôi khi uống rượu đã không ý thức được bản thân chạy như thế nào, chỉ cần gió lùa vào một cái là ngủ lúc nào không hay” – anh Bình nói.

Trọn bộ dụng cụ để test ma túy của CSGT. Ảnh: L. THOA

Anh Bình nói thêm: “Đồng ý ai cũng muốn kiếm đồng tiền bát gạo nuôi gia đình. Nhưng nếu xảy ra vụ việc như ở Long An hôm trước mà có nạn nhân là người thân mình thì có đau đớn không? Khi coi clip đó tôi thật sự không chấp nhận được”.
Tài xế Bình chia sẻ, tốt nhất nếu lái xe đường dài mà buồn ngủ thì nên kiếm xây xăng, đậu khoảng 3-4 tiếng chỉ mất 30-50 ngàn lại rất an toàn. Còn nếu ngủ ngoài đường thì ngoài việc dễ bị trộm cắp dầu mỏ, vỏ lốp thì dễ gây nên việc xe máy không thấy sẽ tông vào đít xe rất nguy hiểm.

Sáng ngày 15-1, Trung tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng Phòng CSGT (PC08) Công an TP.HCM cho biết, từ ngày 16-1 đến 15-2, vào lúc 18 giờ đến 2 giờ sáng mỗi ngày, Phòng CSGT TP.HCM sẽ tổ chức cao điểm xử lý nồng độ cồn kèm test ma túy đối với  tài xế xe có giới đường bộ để đảm bảo trật tự an toàn giao thông trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Việc xử lý này sẽ thực hiện theo hai cấp độ. Một là, Phòng PC08 sẽ phối hợp với công an 24 quận/huyện để chốt chặn tại những điểm nóng phức tạp như quốc lộ, khu vực ra vào cảng trên địa bàn TP để kiểm tra toàn bộ xe cơ giới đường bộ đặc biệt là xe tải, container,… để kiểm tra nồng độ cồn theo tiêu chuẩn quốc tế kèm với việc kiểm tra ma túy.

Hai là, Phòng PC08 sẽ phối hợp với cả Trung tâm y tế dự phòng quận/huyện và các đơn vị doanh nghiệp để tiến hành kiểm tra chất kích thích đối với toàn bộ tài xế xe chuyên nghiệp tại các khu vực như Bến xe miền Đông, Bến xe miền Tây, Cảng Cát Lái….

Ngoài ra, Phòng PC08 sẽ phối hợp với Trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng để test nồng độ cồn và ma túy cũng như tình trạng sức khỏe của tài xế xe buýt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm