Cù lao Đất lao đao vì sóng dữ

“Nằm giữa sông Hàm Luông, cách cửa biển chỉ vài kilomet, cù lao Đất (ấp An Bình, xã An Hiệp, huyện Ba Tri, Bến Tre) là nơi chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất bởi tình trạng biến đổi khí hậu” - ông Hoàng Việt, cán bộ Quỹ Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên (đơn vị đang khảo sát những tác động của biến đổi khí hậu đến ĐBSCL), nhận định.

Theo người dân địa phương, cứ sau mỗi đợt lũ về hay triều dâng cao, cù lao Đất lại lộ ra những vết thương mới ở hai bên “mạng sườn” (hai bên gần với đất liền). Những cụm dừa nước bề thế ven cù lao cũng bị bứng gốc, cuốn dần xuống sông. Ông Nguyễn Văn Nhèm, Trưởng ấp An Bình, buồn bã: “Cây dừa nước bám đất chắc như vậy mà cũng không chịu nổi thì tụi tôi chẳng còn biết cách gì để giữ đất”.

Cũng theo ông Nhèm, cứ qua một năm thì nước lại dâng cao thêm 10 cm. Trong mấy năm gần đây, sóng đã ngoạm sâu vào hai bên cù lao hàng trăm mét. Khoảng 20 căn nhà đã bị sạt xuống sông, 13 hộ dân phải bỏ cù lao đi nơi khác. Thậm chí ngôi chợ của cù lao đã xây hai năm nhưng chưa xong phần móng vì nước cứ ngập hoài.

Cù lao Đất lao đao vì sóng dữ ảnh 1

Chợ ở cù lao Đất xây hai năm vẫn chưa xong phần móng vì thường xuyên bị ngập. Ảnh: KB

Trước tình trạng hoa màu thường xuyên bị ngập úng, nhiều người dân cù lao Đất đã bỏ trồng lúa, chuyển sang nuôi tôm. Và để tiện dẫn nước vào ao tôm, không ít người đã đào ao sát mép sông, làm tăng thêm nguy cơ sạt lở. “Biết thế nhưng vì miếng cơm manh áo mình phải làm, chứ cứ làm ruộng hoài thì chết đói” - một người dân phân trần.

Về việc nước dâng cao bất thường ở cù lao Đất, ông Hoàng Minh Giám, Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, phân tích: “Thời gian cuối năm triều thường dâng cao. Năm 2011, do tác động của gió chướng nên đỉnh triều một số nơi ở khu vực ĐBSCL cao hơn mọi năm. Nhưng chúng tôi vẫn chưa thể kết luận mực nước biển ở ĐBSCL nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng dâng cao bất thường so với những năm trước”.

Ông Trần Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, cho hay tỉnh đã có chủ trương xây dựng đê bao tại cù lao Đất để bảo vệ các khu vực sạt lở. Từ nay đến năm 2020, tỉnh sẽ ưu tiên di dời gần 9.000 hộ dân ở những vùng có nguy cơ sạt lở cao ven sông, trong đó có cù lao Đất.

Ở ĐBSCL có hai dạng cù lao: một đã ổn định lâu năm, còn một mới hình thành nên ít ổn định. Với cù lao có tính ổn định cao, dân cư đông đúc, chúng ta có thể đầu tư làm đê bao kiên cố chống sạt lở. Còn cù lao mới hình hành, dân cư ít, đời sống chưa phát triển thì không nên bỏ nhiều tiền để xây đê bao. Thay vào đó, nên thực hiện tốt công tác dự báo lũ, triều cường để di dời dân kịp lúc.

Ông NGUYỄN NGỌC ANH,
Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam

KHANG BÁCH

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.