Cưỡng chế ‘nhà container’ là đúng?

Sáng 30-9, TAND huyện Hóc Môn đã xử sơ thẩm, không chấp nhận đơn của ông Trần Văn Tùng (ngụ ấp Đông, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TP.HCM) yêu cầu hủy quyết định cưỡng chế container. Trước ông Tùng cho biết ông đặt hai chiếc container văn phòng để làm kho chứa đồ, những vật dụng trong gia đình. UBND xã lại cho rằng đó là nhà ở và cưỡng chế phá dỡ là sai, gây thiệt hại cho ông.

Người nói cưỡng chế sai, bên bảo đúng

Cụ thể ông Tùng trình bày do nhà kho bị cháy, ông mới tạm mua hai chiếc container trên để cất giữ, bảo quản đồ đạc. Ngày 8-2, khi ông xây khung tường bao quanh để lợp mái tôn bảo quản hai chiếc container và giữ ranh đất thì UBND xã lập biên bản đình chỉ thi công rồi xử phạt hành chính. Đồng thời ngày 12-2, chủ tịch UBND xã ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ toàn bộ công trình với lý do vi phạm trật tự đô thị. Ông chỉ chấp hành việc tháo dỡ mái tôn nên UBND lập đoàn cưỡng chế phá dỡ toàn bộ phần xây dựng vi phạm, chừa lại hai chiếc container.

“Những tưởng mọi việc đã xong nhưng sau đó lãnh đạo xã lại mời tôi lên làm việc và ra thông báo buộc tôi phải di dời hai container. Tôi không chấp hành vì đây là tài sản cá nhân. Đến ngày 27-6, xã đã cử đoàn cưỡng chế xuống phá dỡ các container của tôi. Tôi khiếu nại nhưng xã bảo mình làm vậy là không sai” - ông Tùng trình bày.

Hai container của ông Tùng sau khi bị đoàn cưỡng chế phá dỡ. Ảnh: T.TÙNG

Ông Phạm Xuân Nam (Phó Chủ tịch UBND xã Thới Tam Thôn) cho biết: “Qua kiểm tra, chúng tôi nhận thấy hai container của ông Tùng dựng lên mang tính chất là nhà ở vì có cửa sổ, đóng cách nhiệt, ngăn vách phòng... Xã có quyền cưỡng chế phá dỡ tất cả những loại vật liệu tạo nên công trình đó. Quyết định cưỡng chế của xã là trên cơ sở của Nghị định 180/2007 về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị”.

Tòa bác yêu cầu

Phản hồi ý kiến này, ông Tùng cho rằng xã đã chủ quan khi nhìn nhận đây là công trình nhà ở. Thực tế, container văn phòng có mang hình dáng nhà nhưng nó vẫn không thể xem là công trình nhà ở. Hiện cũng chưa có quy định nào xác định đây là nhà ở cả nên xã cần phải suy luận theo hướng có lợi cho người dân. Thực chất container của ông cũng chỉ là kho chứa đồ.

Song song đó, ông đã khởi kiện ra TAND huyện Hóc Môn (TP.HCM) yêu cầu chủ tịch xã Thới Tam Thôn phải hủy quyết định cưỡng chế, thông báo cưỡng chế và bồi thường thiệt hại vì sau khi cưỡng chế hai container và nhiều vật dụng đã hư hỏng nặng.

Tại phiên tòa sáng 30-9, ông Tùng tái khẳng định việc cưỡng chế là sai vì container không phải là nhà ở. Ông yêu cầu tòa căn cứ vào Công văn số 2326 ngày 23-9 của Bộ Xây dựng (thể hiện container không phải là công trình xây dựng) để chấp nhận yêu cầu khởi kiện của mình.

Sau khi xem xét, HĐXX nhận định dù container không phải là công trình xây dựng nhưng tại các biên bản làm việc với xã trước đây, ông Tùng từng thừa nhận có làm móng dựng container thành văn phòng và xây dựng tường gạch mái tôn bao quanh. Do đó container lúc này đã biến thành một loại vật liệu xây dựng, là bộ phận không thể tách rời của công trình mà ông Tùng đã xây dựng không phép. UBND xã quyết định đình chỉ thi công, xử phạt hành chính và cưỡng chế phá bỏ toàn bộ công trình xây không phép của ông Tùng là đúng.

Ông Tùng cho biết sẽ kháng cáo toàn bộ bản án này.

THANH TÙNG

Container không phải là công trình xây dựng

Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Xây dựng về giải thích từ ngữ thì container đặt trên nền đất không phải là công trình xây dựng. Việc đặt container trên diện tích đất của ông Tùng cũng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 180/2007 quy định chi tiết, hướng dẫn một số điều của Luật Xây dựng về xử phạt vi phạm trật tự xây dựng đô thị.

Trích văn bản 2326 ngày 23-9 của Bộ Xây dựng

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm