Đã nghe đã thấy: Từ chức

Công luận, báo chí, đại biểu Quốc hội luôn đau đáu những câu hỏi về dự án Thép Cà Ná, mặc dù trong công bố quy hoạch thép mới nhất, Bộ Công Thương đã bỏ tên chủ đầu tư của dự án này là Tập đoàn Tôn Hoa Sen ra khỏi danh sách. Sự đau đáu này là dễ hiểu khi năm vừa qua Nhà máy thép Formosa tại Hà Tĩnh, dù mới trong quá trình thử nghiệm, đã gây ô nhiễm cho vùng biển bốn tỉnh miền Trung và hàng triệu người điêu đứng, sa cơ lỡ vận.

Vì thế lời phát biểu trên đây của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh có thể coi như câu trả lời mà ông còn nợ Quốc hội trong buổi trả lời chất vấn hồi tháng 11-2016. Có lẽ Bộ trưởng cũng sẽ trả lời khẳng khái như trên nếu thời gian cho phép. Nhưng ông chỉ có 20 phút trong buổi sáng 16-11 mà những vấn đề khác thì bộn bề. Khả năng trình bày chi tiết những vấn đề ấy đã khiến chủ đề trách nhiệm đối với Thép Cà Ná nếu xảy ra sự cố như Formosa mà đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đặt ra chưa có lời xác tín.

Cũng rất may, vấn đề từ chức đã được một số đại biểu đặt ra trong phần chất vấn Thủ tướng sau đó. Một cách ngắn gọn và quả quyết: Thủ tướng khẳng định rằng văn hóa từ chức là cần thiết và ông sẽ giao cho Bộ Nội vụ nghiên cứu quy định về từ chức.

Sự khẳng định này của Thủ tướng cho thấy Chính phủ đang có những dấu hiệu thực sự chuyển mình theo hướng liêm chính, kiến tạo, hành động và phục vụ. Việc từ chức, ở nhiều nước văn minh, thể chế tiến bộ, là điều hết sức bình thường. Thủ tướng Anh David Cameron đã từ chức khi nước Anh đồng thuận rời bỏ EU hồi tháng 10-2016 vì điều này không trùng với kế hoạch và mong muốn của ông. Nhiều nghị sĩ Nhật ngủ gật khi họp cũng từ chức vì tự thấy mình không làm tròn bổn phận. Sự liêm chính trong việc từ chức của các lãnh đạo, quan chức, nghị sĩ… các nước còn xảy ra khi có những xung đột về lợi ích cũng như áp lực chính trị.

Bởi thế từ chức là cần thiết, đúng như Thủ tướng nói. Nhưng chẳng ai mong muốn một sự từ chức kéo theo hệ lụy lớn lao cho hàng triệu người.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm