“Đặc sản” văn hóa hẻm ở Sài Gòn

Từ lâu các con hẻm đã trở thành một đặc điểm “nhận dạng” và là một cấu trúc không gian đô thị quan trọng trong lòng Sài Gòn-TP.HCM. Trong mỗi con hẻm dường như luôn lưu giữ một không gian riêng, phản ánh nét văn hóa của những miền quê khác nhau. Cũng bởi thế, nhiều người cho rằng hẻm là phần “hồn” không thể thiếu của TP này.

Một phần cơ thể của TP

Bên cạnh những hẻm phố mới hình thành khoảng vài chục năm nay, TP còn rất nhiều con hẻm đã hàng trăm năm tuổi như khu vực Vườn Chuối, Bàn Cờ (quận 3), chợ Cầu Muối (quận 1), Bến Vân Đồn (quận 4), Chợ Quán (quận 5)… Phần lớn cư dân trong hẻm là những người lao động tứ xứ trôi dạt về TP kiếm sống rồi dần tạo thành một cộng đồng gắn bó với nhau. Có hẻm tập hợp những người cùng quê, cùng vùng miền như những con hẻm người Bắc ở khu giáo xứ Phú Bình (quận Tân Phú), người Quảng Ngãi (quận Tân Bình), người Chăm (quận 8). Có hẻm lại là nơi tập trung những người cùng làm chung một nghề (làm lồng đèn ở quận Tân Phú; làm bánh mứt ở quận 3; làm vàng mã, đầu lân ở các quận 5, 6, 11)…

Trong các con hẻm, tính cộng đồng luôn được thể hiện rất rõ. Anh Patrick Froehlich, một du khách Mỹ, chia sẻ: “Các con hẻm ở Sài Gòn giống một xã hội thu nhỏ gồm nhiều thành phần khác nhau ở chung. Có giàu và nghèo. Có già và trẻ. Trình độ văn hóa, địa vị xã hội cũng khác nhau. Nhưng tất cả họ đều chia sẻ một không gian chung. Một gia đình có chuyện vui, chuyện buồn, hầu như cả xóm đều biết và cùng chia sẻ”.

Đằng sau mỗi dấu “xuyệc”

Khi bước vào hẻm 73 đường Nguyễn Biểu (phường 1, quận 5), ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những cụ già đang hàn huyên chuyện thời sự, chuyện nhà cửa, con cái… bên ấm trà. Khi chiều về, con hẻm lại xôn xao tiếng trẻ chơi đùa. Những bà mẹ trẻ vừa cho con ăn, vừa tranh thủ chuyện trò với xóm giềng. Cứ thế, quanh năm suốt tháng các gia đình sống nơi đây luôn gắn bó như một gia đình lớn.

“Đặc sản” văn hóa hẻm ở Sài Gòn ảnh 1

Chiều về, các con hẻm như trở thành sân chơi của trẻ em. Ảnh: HTD

Theo ông Trần Ngọc Quang (hẻm 73 đường Nguyễn Biểu), con hẻm này đã có từ rất lâu, không gian hẻm tuy nhỏ hẹp nhưng lòng người luôn rộng rãi. Lớp con cháu sau này vẫn sống gần gũi, quan tâm đến nhau như cha ông thuở trước. “Chúng tôi sống chỉ cách nhau năm, bảy thước, tường sát tường, nhà đối nhà nên cứ nhìn nhau mà sống. Nhà nào tốt thì cả hẻm bắt chước, nhà nào chưa tốt thì cũng nhìn vào để bảo nhau sống tốt hơn” - người giáo viên về hưu này chia sẻ.

Khu giáo xứ Phú Bình (quận Tân Phú) từ xưa vốn nổi tiếng với nghề dệt nhuộm vải và làm lồng đèn. Cụ Nguyễn Văn Khánh, người đã 50 năm gắn bó với con hẻm 49/56/15 đường Trịnh Đình Trọng, phường Phú Trung, cho hay: Từ trước giải phóng, nhiều người miền Bắc đã đến khu giáo xứ Phú Bình sống quây quần bên nhau, cùng làm nghề dệt nhuộm vải và làm lồng đèn. Sau đó, nhiều người Hoa cũng đến cư ngụ và sống bằng nghề sản xuất giày dép. Khu vực này có tới 2.000 hộ dân nhưng gần như từ đầu xóm đến cuối xóm đều quen biết nhau. Nhà nào có hiếu hỉ, ma chay, giỗ chạp… thì mọi người cùng xúm vào phụ giúp, không kể là người Việt hay người Hoa, có đạo hay không theo đạo.

Đời sống văn minh, nghĩa tình trọn vẹn

Chỉ vào con hẻm rộng 6 m sạch đẹp trước nhà, cụ Khánh cho biết: Trước đây con hẻm chỉ rộng 3 m, sau đó được mở rộng, chỉnh trang lại. Nay đường sá sạch sẽ hơn, đời sống dân cư văn minh hơn, ai cũng thấy hài lòng. Tình làng nghĩa xóm theo đó càng bền chặt hơn. “Nay nghề dệt nhuộm phải di dời ra ngoại thành do ô nhiễm, nghề làm lồng đèn cũng đang dần mai một, nghề làm dép của người Hoa cũng sắp phải chuyển đi. Dù cuộc sống có khó khăn hơn nhưng cư dân nơi đây vẫn đối xử chan hòa với nhau như ngày xưa” - cụ Khánh nói.

Khu vực cầu Ông Lãnh và chợ Cầu Muối trước đây luôn nhức nhối bởi nhiều tệ nạn xã hội. Tuy nhiên năm 2001, khi TP dời chợ này tới chợ đầu mối Thủ Đức, đời sống của cư dân nơi đây cũng dần thay da đổi thịt. Ông Ngô Thành Hổ, Tổ trưởng Tổ dân phố 34, khu phố 3, phường Cầu Ông Lãnh, nhớ lại: Lúc còn chợ, khu này rất phức tạp, trộm cướp, giật dọc triền miên. Đến khi chợ đi rồi thì bình yên bắt đầu trở lại con phố này và người dân được trở lại với cuộc sống của chính mình. “Dân ở khu này chủ yếu từ miền Tây tập trung về, thương nhau dữ lắm. Khi lên đây họ đều rất nghèo nên dễ kết bạn với nhau, sống dựa vào nhau. Nay không gian sống đã văn minh hơn, tình chòm xóm lại càng gắn bó hơn” - ông Hổ chia sẻ.

Cứ thế, trong lòng Sài Gòn-TP.HCM, những câu chuyện về tình người trong những con hẻm dài dằng dặc vẫn diễn ra thầm lặng mỗi ngày. Nó như làm dịu đi nhịp sống đang ngày càng hối hả của một TP ngày càng hiện đại. Và thật khó hình dung Sài Gòn-TP.HCM sẽ như thế nào nếu không có hẻm ngõ…

Hẻm ngõ mang nhiều hơi thở cuộc sống

Theo thời gian, hẻm ngõ Sài Gòn hình thành nên lối sống quần cư đặc biệt. Hẻm ngõ Sài Gòn không chỉ là con đường để di chuyển, mà còn là nơi sinh sống bằng buôn bán ngay trong nhà, trước nhà. Nếu có chút sân thì bày vài cái ghế, kê vài cái bàn thành chỗ cà phê. Nếu không, cái hàng hiên nho nhỏ cũng có thể thành chỗ cho xe cơm tấm, gánh bún bò… “trú ngụ”. Cột đèn gần nhà cũng có thể đặt một xe bánh mì bình dân.

Hẻm ngõ Sài Gòn mang nhiều hơi thở hằng ngày của đời sống tiểu thị dân. Ban đêm vắng lặng. Mờ sáng rộn ràng, nhộn nhịp những hàng quán bày dọn cho một ngày mới. Chính cái bận rộn sinh tồn ấy khiến con người trong những xóm nhỏ dễ dàng gần gũi, thân thiết nhau. Người ta có thể mua chịu, ký sổ vài gói thuốc lá hay bịch xà bông. Ai cũng biết rõ gia đình, con cái người này người nọ, kẻ cô cựu hay người vừa đến.

Hẻm ngõ gần gũi như thế nên va chạm cũng có mà tối lửa tắt đèn cũng có. Nổi bật nhất ở đây là cái tình chòm xóm. Câu chuyện sau đây diễn ra chưa lâu là điển hình: Ngôi nhà ấy có cây xoài cổ thụ, ông già về hưu ở một mình, con cái đi làm xa nên thường cho lũ trẻ vào sân mượn bóng mát làm chỗ học bài. Sáng, trưa mọi người thường nghe tiếng trẻ í ới: “Ông Năm ơi! Mở cổng cho con vào…”. Cứ thế cho đến một buổi trưa có tiếng kêu của bọn trẻ: “Ông Năm té! Ông Năm té!”. Cơn đột quỵ tuổi già tưởng đã mang ông đi nhưng cũng nhờ bọn trẻ đến học phát hiện nên bà con kịp đưa ông vào bệnh viện. Nếu không có chòm xóm, có lẽ mọi việc đã trễ mất rồi…

ĐỖ TRUNG QUÂN

Bạn tôi, một nhà khoa học định cư ở Canada, đã từng trải qua quãng đời tuổi thơ sống trong hẻm nhỏ Sài Gòn. Anh bảo muốn hiểu bản tính người Sài Gòn như thế nào thì chỉ việc đến các hẻm phố, bởi mặt tiền đã bị “Tây hóa” hết rồi. Nếu để ý chúng ta sẽ thấy rất nhiều người nước ngoài, nhất là các học giả khi đến TP.HCM thế nào cũng đến thăm các xóm lao động, các hẻm phố. Bởi nơi đó mới là mạch ngầm đích thực của cuộc sống người Sài Gòn. Văn hóa Sài Gòn không phải là khách sạn năm sao sang trọng, là siêu thị tràn ngập hàng hóa mà là cái lắng đọng lại phía sau những ồn ào, náo nhiệt mặt tiền.

PGS-TS NGUYỄN MINH HÒA, Trưởng bộ môn Đô thị học Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM

Tôi đã đến Việt Nam nhiều lần, lưu trú tại TP.HCM khá dài và lần nào cũng chọn sống trong những con hẻm nhỏ.  Có nhiều câu chuyện về tình người trong các con hẻm diễn ra lâu rồi nhưng tôi vẫn nhớ từng chi tiết nhỏ. Mỗi khi phải giải thích cho ai tại sao lại chọn Việt Nam làm điểm đến, tôi luôn kể cho họ cảm nhận của mình về những ngày đầu tiên sống trong hẻm Sài Gòn. Rất gần gũi với Việt Nam nhưng thật sự tôi khó hình dung mình sẽ sống thế nào nếu xa rời những con hẻm.

Anh PATRICK FROEHLICH, một du khách người Mỹ

PHÚ TRANG ghi

VIỆT HOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm