Dân gọi điện, công an có mặt ngay!

Chiều 19-10, UBND xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM phối hợp cùng công an địa phương tổ chức diễn đàn “Công an xã lắng nghe ý kiến nhân dân”. Công an cũng chuẩn bị hơn 10.000 móc khóa ghi rõ số điện thoại Công an xã Tân Thạnh Đông để trao cho người dân nhằm tiếp nhận thông tin trình báo, tố giác tội phạm.

Bất an vì ma túy, tín dụng đen

Tại buổi gặp mặt, ông Phan Văn Bền, người dân xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, phản ánh vấn đề mà ông và nhiều hộ dân lo lắng là ma túy. Theo báo cáo của công an xã, tình trạng này có giảm, bắt nhiều, đưa đi cai nghiện nhiều nhưng chưa triệt để. Ma túy, ngáo đá gây nên nhiều vụ trộm cắp, cướp giật, đâm chém chết người. Ông kiến nghị nên đa dạng hình thức tuyên truyền về tác hại ma túy, các biện pháp phòng, chống tội phạm trộm cắp, cướp giật…

Tín dụng đen cũng là một trong những vấn đề nhiều người dân quan tâm. Ông Võ Văn Cư phản ánh việc vay nóng quá dễ dàng, chỉ cần CMND và hộ khẩu phôtô là đã có thể vay mượn. “Nhưng lãi suất quá cao, nếu không trả kịp, nó chặn đánh đập. Tín dụng đen hoành hành, bá đạo khiến chúng tôi rất lo lắng” - ông Cư nói.

Trung tá Trà Văn Hon (Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an huyện Củ Chi) khẳng định ma túy là nguồn cơn phát sinh ra nhiều tệ nạn xã hội khác. Bên cạnh đó có chuyện những người cầm đầu sử dụng đàn em là người nghiện đi đòi nợ thuê, thực hiện các hành vi phạm pháp. Thông tin tố giác của người dân là tư liệu quý giúp công an nhanh chóng phát hiện, xử lý, giữ bình yên Tân Thạnh Đông nói riêng và Củ Chi nói chung.

“Để có ma túy sử dụng, việc gì họ cũng làm. Nhiều người rất manh động, còn nạn nhân không dám khai gây nhiều khó khăn cho công tác điều tra, xử lý. Lắng nghe ý kiến của bà con, tôi hiểu bà con mong muốn phải trị được những đầu nậu” - Trung tá Hon nói.

Trung tá Trà Văn Hon trao các móc khóa có ghi số điện thoại của công an cho người dân. Ảnh: N.TRÀ

“Điện mà không bốc máy thì điện làm chi!”

Chị Nguyễn Ngọc Nhựt (ấp 6A, Tân Thạnh Đông) cho biết có việc khẩn gọi ngay công an xã. “Trước khi có móc khóa này, xã Tân Thạnh Đông đã có những biển nhỏ ghi rõ số điện thoại gắn ở các cột điện. Thường 10-15 phút là công an có mặt. Nay có thêm móc khóa này cũng yên tâm hơn” - chị Nhựt cười.

Nhiều người dân Tân Thạnh Đông vui khi nhận chiếc móc khóa và họ cho hay sẽ giao ngay cho con cái treo vào ba lô hoặc xe máy, có việc gì khẩn cấp là gọi ngay.

Ông Nguyễn Công Duyên, Chủ tịch UBND xã Tân Thạnh Đông, cho biết Tân Thạnh Đông là xã có địa bàn rộng, dân cư đông, dân nhập cư nhiều, tiềm ẩn nhiều vấn đề phát sinh về an ninh trật tự.

Diễn đàn “Công an xã lắng nghe ý kiến nhân dân” nhằm lắng nghe những phản ánh của người dân về an ninh địa bàn, tin báo tố giác tội phạm,… đồng thời tăng cường công tác nắm thông tin, quản lý tốt địa bàn để lực lượng công an có thể hiểu, chia sẻ nguyện vọng của nhân dân.

“Hơn 10.000 móc khóa sẽ được trao tận tay cho các hộ dân. Trực ban công an luôn sẵn sàng tiếp nhận thông tin. Nếu dân gọi mà không tiếp thì ca trực đó phải chịu trách nhiệm. Điện mà không bốc máy thì điện làm gì” - ông Duyên nói.

Bên cạnh đó, UBND xã Tân Thạnh Đông đã chỉ đạo cho công an xã tiến hành lắp đặt 250 bảng số điện thoại của công an xã và ban chỉ huy công an xã tại nhiều khu vực công cộng, địa bàn phức tạp, dọc theo các tuyến đường trong xã để mọi người biết và phản ánh khi cần thiết.

Báo cáo về kết quả công tác đảm bảo trật tự an toàn xã hội 10 tháng đầu năm 2018 của xã Tân Thạnh Đông, công an xã cho biết: Trên địa bàn xảy ra năm vụ phạm pháp hình sự, không xảy ra trọng án. Công an xã khám phá thành công 4/5 vụ, bắt bốn đối tượng, còn một vụ trộm cắp tài sản đang truy xét.

Tệ nạn xã hội trên địa bàn xảy ra 13 vụ, trong đó có năm vụ đánh bạc, một vụ mua bán trái phép chất ma túy, bảy vụ tàng trữ trái phép chất ma túy. Công an xã đã lập hồ sơ đưa 89 đối tượng đi cai nghiện bắt buộc, đưa 20 người đi cắt cơn giải độc tại Cơ sở Thanh thiếu niên 2.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm