Dân kiện chủ tịch huyện này ở tòa huyện khác?

Theo ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM), hạn chế lớn nhất của xử án hành chính chủ yếu do sự lệ thuộc, e ngại của thẩm phán khi giải quyết khiếu kiện liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính của chủ tịch UBND. Sau khi dẫn chứng việc “thẩm phán chuẩn bị xét xử thì chủ tịch huyện đến vỗ vai nói vài câu là không làm được gì nữa” - ông Đương đồng tình với đề xuất của ban soạn thảo dự luật là đối với án hành chính cấp huyện thì phải chuyển lên tòa cấp tỉnh xử.

“Dân kiện quan mà chỉ toàn cán bộ cấp dưới ra tòa, chủ yếu nghe rồi về báo cáo lại nên tranh tụng tại phiên tòa không đạt được”. Ông Đương cũng đề xuất ban soạn thảo quy định người nào ký quyết định mà bị khởi kiện thì người đó phải ra tòa: “Có như vậy mới nâng cao tranh tụng tại tòa. Quan ký sai, phải ra tòa mới thấy được trách nhiệm của mình, từ đó mới cẩn trọng hơn”.

Về đề xuất của mình, ban soạn thảo chỉ lý giải do thẩm phán cấp huyện trình độ thấp nên án bị sửa, hủy nhiều. Giải thích này không thuyết phục được một người nhiều năm công tác trong ngành tòa án - nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Độ (An Giang): “Đây chỉ là lý do “ẩn”. Phải nhìn thẳng vào sự thật là án hành chính bị hủy, sửa nhiều không phải do năng lực mà do dân kiện quan, trong khi quan đó thậm chí còn to hơn cả ông chánh án trong cấp ủy, thế nên ngại. Thẩm phán không độc lập hoàn toàn được dẫn đến phán quyết không đúng”.

Ông Độ nêu thực tế có việc thẩm phán cấp huyện vừa xử xong lập tức gọi điện thoại lên tòa cấp tỉnh nói: “Anh chị ơi, chuẩn bị có phúc thẩm đấy, anh chị sửa giúp em, em xử sai rồi. Họ biết sai nhưng vẫn phải xử vì sợ không được tái bổ nhiệm bởi việc tái bổ nhiệm phải qua thường vụ”.

Dù vậy, ông Độ không ủng hộ đề xuất của ban soạn thảo bởi “nếu dân khởi kiện ông phó chủ tịch tỉnh thì đẩy lên tòa nào nữa?”. Từ đó ông Độ đề nghị nên quy định giao thẩm quyền chéo, nghĩa là người dân huyện này có thể sang tòa án huyện khác khởi kiện, ở tỉnh này có thể sang tòa án tỉnh khác khởi kiện. Có người cắt lời ông Độ: “Nhưng họ vẫn nhờ nhau anh ạ”. Ông Độ trả lời: “Vẫn đỡ hơn. Nhờ nhưng không áp lực, không thể hiện quyền hạn được”!

ĐỨC MINH - LÊ PHI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm