Dân ngày càng ‘thờ ơ’ với tham nhũng?

Tham nhũng và vấn đề kiểm soát tham nhũng trong lĩnh vực công là một chủ đề nổi bật trong Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2015, được công bố vào ngày 12-4. Chỉ số PAPI được xem là một trong những thước đo hiệu quả của bộ máy công quyền trong quản trị và hành chính công thông qua đánh giá của người dân dựa trên trải nghiệm thực tiễn của những người được khảo sát.

Đây là kết quả nghiên cứu được thực hiện bởi sự phối hợp của MTTQ Việt Nam ở các cấp, Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam và Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam.

Kiểm soát tham nhũng giảm điểm

Trình bày một số kết quả của báo cáo, TS Đặng Hoàng Giang, Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng, cho hay: Chỉ số nội dung “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” tiếp tục giảm 3% điểm so với năm 2014.

Báo cáo PAPI 2015 cho hay trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho thấy tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh, chung chi, đòi bồi dưỡng thêm để nhận dịch vụ tốt hơn có xu hướng gia tăng.

 “Đa số ý kiến trả lời khảo sát cho thấy tình trạng vị thân (thân quen) và tham nhũng trong chính quyền địa phương đang rất phổ biến. Đồng thời, động lực và quyết tâm chống tham nhũng trong giới chức nhà nước và người dân giảm dần” - ông Giang nói.

Trong đó, 44% trong số 14.000 người được khảo sát cho rằng họ phải hối lộ cán bộ mới được giải quyết xong thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (tỉ lệ này tăng gần gấp đôi so với năm 2014). Ở lĩnh vực tuyển dụng công chức, viên chức, đa phần người khảo sát cho rằng điều này chủ yếu dựa vào quan hệ cá nhân, thân quen chứ không dựa trên năng lực.

Biểu đồ mức tiền dẫn đến việc người dân tố cáo hành vi hối hộ từ năm 2011 đến 2015. Ảnh: Báo cáo PAPI 2015

Sức chịu đựng tham nhũng của dân tăng

Theo kết quả PAPI 2015, chỉ khoảng 3% số người bị nhũng nhiễu, đòi hối lộ sẵn sàng tố giác hành vi tham nhũng của cán bộ chính quyền. “Mức độ chịu đựng sự vòi vĩnh và nạn đòi hối lộ của người trả lời trên toàn quốc lớn hơn rất nhiều so với những năm trước. Và người bị vòi vĩnh sẽ không tố giác hành vi đòi hối lộ nếu số tiền bị vòi vĩnh dưới 24,6 triệu đồng” - TS Giang cho hay.

Nhận định về tình hình này, PGS-TS Đặng Ngọc Dinh cho hay liên tục trong năm năm vừa qua, cảm nhận tham nhũng của người dân càng rõ hơn nhưng sức chịu đựng của người dân đối với tham nhũng cũng tăng lên. “Sức chịu đựng với tham nhũng của người dân ngày càng tăng, cũng đồng nghĩa với việc người dân đã “nhờn” với tham nhũng. Đây là điều không tốt cho xã hội” - TS Dinh nói.

Theo TS Dinh, khi tham nhũng, nhất là tham nhũng vặt đã trở thành câu chuyện thường ngày, thế thì những vụ tham nhũng lớn cũng không còn ý niệm với người dân nữa. “Sự thờ ơ, mất niềm tin của người dân đối với tham nhũng là điều rất nguy hiểm” - TS Dinh nhận định.

Công khai, minh bạch giúp dân và chính quyền gần nhau hơn

Báo cáo PAPI 2015 cho hay TP Cần Thơ là một trong những tỉnh, thành đạt điểm cao ở chỉ số nội dung “Công khai, minh bạch”.

Chiều 12-4, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, chia sẻ: Năm 2015, UBND TP có quyết định ban hành Chương trình hành động nâng cao Chỉ số PAPI của TP giai đoạn 2015-2017 với mục tiêu xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạnh, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả trên cơ sở nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp trong việc phục vụ nhân dân. Ông Thống cho hay thực hiện công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật một cách khá toàn diện.

“Chính sự công khai, minh bạch đã tạo cho người quản lý và người thụ hưởng kiểm soát lẫn nhau; nâng cao nhận thức của tổ chức, công dân về quyền và nghĩa vụ của mình, về các quy trình, quy định trong giải quyết công việc... Từ đó giữa cán bộ, công chức, viên chức với các tổ chức, công dân có sự phối hợp tốt trong giải quyết công việc” - ông Thống nói.

Cũng theo ông Thống, công khai, minh bạch cũng giúp mọi người và những ai quan tâm, hiểu biết và tâm huyết với TP sẽ tham gia đóng góp trí tuệ để chính quyền thực hiện nhiệm vụ tốt hơn.

GIA TUỆ

Đà Nẵng tăng điểm ở trách nhiệm giải trình

Từ năm 2011 đến 2015, Đà Nẵng có ba chỉ số nằm trong nhóm điểm cao nhất và khá ổn định, bao gồm: trách nhiệm giải trình, thủ tục hành chính công và đặc biệt cung ứng dịch vụ công. Hằng năm, sau khi PAPI được công bố, chính quyền TP Đà Nẵng chỉ đạo xây dựng báo cáo nghiên cứu chuyên sâu hơn các thành phần chỉ số PAPI trong mối tương quan với các tỉnh, thành cả nước.

UBND TP Đà Nẵng cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc thực hiện khảo sát độc lập, đánh giá mức độ hài lòng của công dân và tổ chức đối với chất lượng cung ứng dịch vụ công tại các cơ quan nhà nước bằng cách khảo sát qua website và điện thoại để nhìn nhận những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Lãnh đạo TP đều công khai số điện thoại, email để tiếp nhận và giải đáp ý kiến của tổ chức, cá nhân.

Ông HỒ KỲ MINH,
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm