Dân vây doanh nghiệp hút cát

Ngày 2-6, ông Nguyễn Tấn Phước, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Tân (Bình Thuận), cho biết hiện an ninh trên vùng biển Hồ Lân, xã Tân Thắng (Hàm Tân) giáp ranh với Bà Rịa-Vũng Tàu đã ổn định. Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu Đại Nam Việt

(TP.HCM) đã ngưng đưa xà lan vào hút cát biển. Sáng nay (3-6), UBND tỉnh, Sở Xây dựng, Sở TN&MT sẽ về địa phương làm việc với công ty và lắng nghe nguyện vọng của người dân địa phương.

Ngày 30-5, khi công ty này đưa ra hiện trường năm chiếc cần cẩu loại lớn, 10 tàu kéo xà lan đậu cách bờ khoảng một hải lý. Sau đó đồng loạt nổ máy, lấy cát đưa lên một tàu vận chuyển cát đưa ra bốn tàu biển loại lớn (mỗi chiếc dài khoảng 200 m) của Singapore đậu chờ phía ngoài để tiếp nhận cát. Hàng trăm người dân các thôn Hồ Lân, Gò Găng, Hiệp Hòa đã tập trung phản đối. Người dân ghi trên những tấm bìa giấy cứng các dòng chữ: “Bảo vệ bờ biển”, “Yêu cầu không lấy cát phá hoại môi trường” và bao vây doanh nghiệp này. Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận đến lập biên bản, yêu cầu công ty này tạm ngưng thi công và đại diện công ty đã cam kết ngừng hoạt động.

Hàng trăm người dân phản đối hút cát bán cho tàu nước ngoài. Ảnh: PN

Thế nhưng ngày 1-6 công ty này lại bất ngờ nổ máy tiếp tục lấy cát và hàng trăm người dân tiếp tục bao vây, đe dọa sẽ bắt giữ các công nhân. Nhiều ngư dân còn lên ghe máy chạy ra nơi bốn con tàu nước ngoài neo đậu xua đuổi, yêu cầu không được tiếp nhận cát. Trước sức ép của người dân, nhiều cần cẩu hút cát phi tang số cát vừa đưa lên tàu và sau đó dừng hoạt động.

Công ty Đại Nam Việt được tỉnh Bình Thuận cấp chứng nhận đầu tư từ tháng 12-2013 để thực hiện nạo vét cửa biển Hồ Lân đến hết năm 2016. Công ty này cũng được Bộ Xây dựng đồng ý cho tận thu cát biển xuất sang nước ngoài với khối lượng hơn 800.000 m3. Sau khi có giấy phép nạo vét khơi thông luồng lạch cửa biển Hồ Lân, công ty này đã gây sạt lở bờ biển nghiêm trọng. Do tác động của dòng chảy, sóng biển xâm thực vào đất liền cuốn trôi nhiều hồ nuôi tôm, có ít nhất năm căn nhà dân bị xóa sổ và uy hiếp nhiều nhà dân ở các làng chài. Cửa biển Hồ Lân giáp với sông Cô Kiều là nơi neo đậu tàu thuyền của bà con ngư dân. Tuy nhiên, sau khi công ty này hoạt động, luồng lạch chưa thông nhưng ghe thuyền cũng mất chỗ neo đậu.

Trao đổi với chúng tôi, ông Thao (một người dân địa phương) cho biết: Công ty Đại Nam Việt được cấp giấy phép nhưng bán giấy phép lại cho ba công ty khác với danh nghĩa liên doanh để tận thu khai thác cát. Việc này gây sạt lở, người dân gánh chịu.

PHƯƠNG NAM

Chiều 2-6, ông Nguyễn Công Mạnh, đại diện đơn vị liên doanh với Công ty Đại Nam Việt, cho biết: Công ty chỉ mới bắt đầu thi công nạo vét luồng lạch để đưa xà lan vào từ ngày 24-5 và chỉ xuất được một tàu cát sang Singapore. Rắc rối là do giấy phép ghi là dự án Hồ Lân, Tân Thắng nhưng chiều dài của dự án lại lấn sang thôn Hiệp Hòa 300-400 m bờ biển nên người dân phản ứng.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.