Đầu xuân, 'cái bang' bủa vây cổng chùa

Theo ghi nhận của chúng tôi vào sáng 1 tết, trước cổng chùa Ông  (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) có hơn chục người ăn xin từ 40 – 60 tuổi ngồi lê lết trên mặt đất để xin tiền. Những người này chỉ cần thấy người đi lễ chùa đi ngang qua là đồng loạt giơ những chiếc nón rách tơi tả, úa màu và cáu bẩn để xin tiền. Bên cạnh đó, cũng có một vài người mặc áo vàng như các nhà sư trong chùa khất thực và nhiều cụ già vừa ăn xin, vừa bán vé số và bán nhang để kiếm thu nhập.

 "Cái bang" bủa vây các cổng chùa ở TP Biên Hòa

Hầu hết những người đi chùa đều cho rằng đầu năm mà “thoáng” thì trong năm mọi chuyện làm ăn sẽ thuận buồm xuôi gió hơn, do vậy ai cũng nhanh chóng móc hầu bao để cho những người ăn xin. Những đồng tiền lẻ được cả người lớn và trẻ em bỏ vào nón của những người ăn xin. Chùa Ông nổi tiếng ở Đồng Nai nên nhộn nhịp người ra vào lễ chùa, vì thế những người ăn xin cũng “kiếm được kha khá” trong những ngày đầu năm.

Tương tự tại chùa Từ Tôn nằm trên đường Đồng Khởi thuộc phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa cũng có ba cụ già ngồi ngay cổng vào chùa để ăn xin. Chùa Từ Tôn có nhiều người đến cầu may và cho tiền ba cụ già ăn xin. Cứ khoảng mười phút, bà cụ già ăn xin lại nhặt tiền đếm và bỏ vào túi áo.
Tại chùa Phước Viên, khu phố 5, phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa ngay cổng vào cũng có một bà cụ khoảng 60 tuổi, một tay cầm tập vé số, tay kia cầm nón lá xin tiền. Mỗi lần thấy người đi chùa là bà cụ này dơ nón lên. Những tờ có mệnh giá 2.000, 5.000, 10.000 đồng… liên tục được khách lễ chùa bỏ vào nón cụ già.

Chị Hoàng Vi người vừa bỏ vào nón của những người ăn xin ngay cổng chùa Ông chia sẻ: “Đầu năm móc hầu bao chia sẻ cho những người thiếu may mắn hơn mình là điều nên làm. Đầu năm mình thoáng với đời thì đời không phụ lòng mình”. Còn ông Tường cũng chia sẻ: “Xuân đến mình đi du xuân, đi cầu bình an ở chùa, thấy cảnh người ta lê lết xin tiền ở cổng chùa mình cũng xót xa muốn chia sẻ với người ta chút, cũng là tình cảm của mình với người đời. Tôi nghĩ cho đi sẽ được nhận lại ấy mà chứ có mất đi đâu mà sợ”. 

Tại chùa Tử Tôn một người khác tên Chinh chia sẻ: “Thật sự thấy họ như vậy cũng thương nhưng mà trước nơi tôn nghiêm mà hành nghề ăn xin thì thấy không hay lắm!”. Đồng quan điểm, anh Cầm nói: “Biên Hòa năm nào cũng thấy cảnh đầu xuân là người ăn xin ngồi khắp cổng chùa, tôi thấy vậy không hay lắm. Mặc dù họ cũng kiếm miếng cơm manh áo nhưng mà tôi không hài lòng”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm