ĐBQH: Nhiều công ty xuất khẩu lao động 'đem con bỏ chợ'

Sáng 5-6, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung lần đầu trả lời chất vấn các vấn đề của ngành lao động.

Có hay không doanh nghiệp mang con bỏ chợ?

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nêu thực trạng các doanh nghiệp xuất khẩu lao động “đem con bỏ chợ” khiến cho người lao động lâm vào hoàn cảnh bơ vơ, thêm nợ nần...  “Theo báo cáo, qua hai năm 2016, 2017, bộ đã kiểm tra, thanh tra 60 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài thì có đến 42 doanh nghiệp vi phạm,” đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy dẫn chứng và đặt câu hỏi về trách nhiệm của bộ trưởng.

ĐBQH: Nhiều công ty xuất khẩu lao động 'đem con bỏ chợ' ảnh 1
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH trả lời chất vấn.

Cũng liên quan đến thực trạng này, đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng trong thời gian qua nhiều văn phòng, công ty xuất khẩu lao động trái phép, công ty cò thành lập tràn lan, đăng tải thông tin tuyển dụng xuất khẩu lao động trên Internet để lừa gạt, lấy tiền người lao động rồi bỏ trốn.

Điều này làm không ít người lao đao, khốn đốn và rơi vào cảnh nợ nần, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng núi, người dân tộc thiểu số. Đại biểu Dương Tấn Quân đã chất vấn bộ trưởng về giải pháp khắc phục tình trạng này.

Trả lời những vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận tình trạng cò mồi, môi giới, lạm thu phí, trốn tránh trách nhiệm là có thật. Vì vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có hai văn bản chỉ đạo vấn đề này.

Đặc biệt cách đây nửa tháng Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 18 giao trách nhiệm cho từng bộ, ngành, trong đó yêu cầu chấn chỉnh những việc sai phạm trong nước và giải quyết những bất cập hiện nay đang tồn tại của người lao động Việt Nam ở nước ngoài.

“Chúng tôi cùng với các bộ đang xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai Chỉ thị 18 của Thủ tướng Chính phủ. Riêng về xử lý cũng như ngăn chặn tình trạng này, thời gian vừa qua, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức cuộc gặp mặt, đối thoại với 282 doanh nghiệp. Đối thoại tất cả gì khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ nhưng đồng thời cũng yêu cầu chấn chỉnh, ông nói.

Theo Bộ Trưởng Đào Ngọc Dung, bộ đã yêu cầu các doanh nghiệp phải thông báo công khai với các địa phương về nhu cầu, mức thu, lệ phí thu và địa bàn cũng như công việc mà người lao động khi tiếp cận thị trường.

“Doanh nghiệp phải công khai mức phí của từng địa bàn, môi giới bao nhiêu, lệ phí phía nước ngoài thu bao nhiêu, người lao động phải đóng góp bao nhiêu. Riêng hai chương trình EPS và IM Japan không thu phí, phi lợi nhuận” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Cung cấp thêm thông tin về tình hình thanh tra, chấn chỉnh các doanh nghiệp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay thời gian qua đã thanh tra 51 doanh nghiệp, phát hiện 338 sai phạm và ban hành 24 quyết định xử phạt hành chính trong năm 2017 với số tiền phạt là 3,227 tỉ đồng.

“Đồng thời, trong thời gian vừa qua đã thu hồi giấy phép hoạt động của năm doanh nghiệp, đình chỉ tạm thời 25 doanh nghiệp. Có những doanh nghiệp có cả bề dày hoạt động về xuất khẩu lao động 25 năm nhưng vẫn bị đình chỉ và thu hồi giấy phép” -  người đứng đầu ngành lao động nhấn mạnh.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cam kết trong thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ các địa phương giám sát kỹ các doanh nghiệp trong quá trình thu phí để công khai, minh bạch. Nếu cần thiết có thể tạm dừng hoặc thu hồi giấy phép đối với những doanh nghiệp vi phạm pháp luật, không chăm lo cho người lao động ở nước ngoài.

Giải quyết “điểm nóng” lao động vùng biên

Bên cạnh những bất cập trong việc đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đại biểu Đôn Tuấn Phong (An Giang) đặt câu hỏi về tình trạng người lao động ở các tỉnh giáp biên giới tự do ra bên ngoài làm việc diễn ra khá phổ biến và đâu là giải pháp để vừa quản lý, vừa bảo vệ người lao động.

Trả lời điều này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết hiện Việt Nam ước tính có khoảng 139.000 người lao động thường xuyên qua lại ở biên giới các tỉnh giáp ranh, trong đó Trung Quốc là trên 100.000 người, ở Thái Lan khoảng 20.000 người, Lào khoảng 13.000 người còn lại là Campuchia. Số lao động này làm việc ở khu vực vùng biên có thuận lợi vì phong tục tập quán địa phương, văn hóa, mối quan hệ cũng rất thuận lợi, có người thân giới thiệu sang để làm việc, thu nhập thì cao.

"Chúng ta có chủ trương, giải pháp gì?... câu chuyện này, thời gian vừa qua Thủ tướng Chính phủ cũng rất quan tâm và Thủ tướng cũng trực tiếp trao cho tôi, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm để tập trung xử lý vấn đề này".

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lý giải về nguyên tắc, số lao động này khi sang làm việc ở các tỉnh biên giới có hộ chiếu phổ thông, có visa nhưng khi sang làm việc thì không có giấy phép hành nghề. Hiện nay, Việt Nam thiếu khung pháp lý, trong luật chưa quy định về lao động vùng biên giới.  Bộ LĐ-TB&XH đang cố gắng đàm phán với các nước để có hiệp định về vấn đề này nhưng có những nước đàm phán được, có những nước chưa chấp nhận việc này.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay đối với bảy tỉnh phía Bắc, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ LĐ-TB&XH  giúp bảy tỉnh ký biên bản ghi nhớ với các tỉnh biên giới của Trung Quốc để đảm bảo hai bên thống nhất với nhau quản lý tốt, tạo điều kiện cho lao động tốt nhưng tránh những rủi ro. Dự kiến trong tháng 7 hai bên sẽ thống nhất được biên bản ghi nhớ.

“Đối với Thái Lan, chúng tôi đã ba lần đàm phán với Bộ trưởng của Thái Lan mà chưa xong nhưng vừa qua Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Thái Lan đã trao đổi bàn tròn đi đến thống nhất. Thủ tướng Thái Lan cũng đồng ý là sẽ áp dụng cơ chế xử lý được visa hai năm cho lao động Việt Nam. Ước tính của chúng tôi, lao động qua lại thường xuyên giữa hai quốc gia không phải là 30.000 mà khả năng là 50.000 người. Chúng ta sẽ cố gắng xử lý bằng cách trao đổi hiệp định” - bộ trưởng nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm