ĐBQH nói về vụ khởi tố nguyên phó chủ tịch Hà Nội

Sáng nay 24-5, bên hành lang Quốc hội, nhiều ĐBQH đã nêu quan điểm với báo chí về việc Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa có quyết định khởi tố bị can đối với ông Phí Thái Bình, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinaconex, do liên quan đến vụ đường ống nước sạch Sông Đà bị vỡ 20 sau bốn năm sử dụng.

Các ĐBQH đều cho rằng đối với các vụ việc gây thiệt hại lớn cho xã hội thì cần phải xử lý theo pháp luật, kể cả khi người chịu trách nhiệm chính đương chức hay đã về hưu. Tuy nhiên, cũng nên hoàn thiện cơ chế trách nhiệm để người đứng đầu dám làm mà không sợ...

Hoàn thiện cơ chế để người đứng đầu dám làm

ĐB Thào Xuân Sùng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Dân vận Trung ương, cho rằng việc khởi tố bị can đối với ông Phí Thái Bình cho thấy sự quyết liệt trong chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là Tổng Bí thư về việc phải làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý.

“Việc một doanh nghiệp nhà nước để xảy ra những sai phạm, sự cố như ở Vinaconex thì việc xem xét trách nhiệm của người đứng đầu, quy trách nhiệm người đứng đầu doanh nghiệp để xảy ra sai sót như vậy là hoàn toàn đúng đắn và chuẩn xác chứ không phải quá nghiêm khắc. Tức anh là lãnh đạo, anh thực hiện nhiệm vụ mà Nhà nước và nhân dân giao cho không đến nơi đến chốn, gây ra sự cố thì anh phải chịu trách nhiệm” - ĐB Sùng nói.

ĐBQH Thào Xuân Sùng

Theo ông Sùng, việc xử lý người đã về hưu là chuyện bất đắc dĩ, không ai mong muốn vì họ đều có quá trình công tác và đóng góp nhất định, tuy nhiên nhất định phải xử lý đối với những sai phạm lớn, quá đáng.

Ông nói: “Cái chúng ta cần làm không phải là mong muốn đi xử lý những người đã về hưu mà hướng tích cực nhất là tập trung hoàn thiện các thể chế trong thực thi công vụ, thực thi nhiệm vụ của người đứng đầu. Theo tôi, nên tăng quyền hạn cho người đứng đầu và có cơ chế giám sát, phản biện, góp ý của hệ thống chính trị với người đứng đầu. Người đứng đầu có quyền hạn thì họ mới quyết đoán được, mới tránh được tình trạng thụ động, vừa quyết định vừa lo nơm nớp.

Nhưng quyền hạn này cũng đi kèm với trách nhiệm và cơ chế giám sát trách nhiệm đó. Trách nhiệm này phải quy định rất rõ, chẳng hạn quyết định sai phải chịu trách nhiệm đến đâu, cách chức hay kỷ luật… Tôi rất muốn lãnh đạo các cấp nói ít thôi, hãy làm nhiều”.

Ông Sùng phân tích hiện ta đang dùng quy định hiện hành để xử lý trách nhiệm người đứng đầu, trong đó nhiều quy định đã lỗi thời, hoặc không đáp ứng yêu cầu thời kỳ kinh tế thị trường.

“Dùng cái quy định cũ để xử lý cái mới thì sẽ làm thui chột sự sáng tạo, quyết đoán của lãnh đạo người đứng đầu. Chẳng hạn, lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân có thể thất bại, thua lỗ nhưng lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước mà gây thua lỗ thì không được chấp nhận, thậm chí bị kỷ luật. Điều này là đúng nhưng chưa đủ vì đòi hỏi cứ lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước phải thắng lợi, không thua lỗ trong thời buổi kinh tế thị trường là chuyện không có đâu” - vị ĐBQH nhấn mạnh.

Gây hậu quả thì phải chịu trách nhiệm

Liên quan đến vụ việc của ông Phí Thái Bình, bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng đối với các hành vi sai phạm gây thiệt hại cho xã hội thì cần phải xem xét tính chất, mức độ của hành vi đó để xử lý.

"Do vậy, bất kể ai khi có hành vi gây hại cho xã hội thì đều cần phải được xem xét xử lý theo quy định của pháp luật", ông Chiến nêu quan điểm.

Về chuyện ông Phí Thái Bình lý giải với báo chí là “hành vi của mình không phạm tội và "làm phúc phải tội”, ông Chiến cho rằng theo quy định của pháp luật đối với một người khi bị xem xét trách nhiệm hình sự như ông Phí Thái Bình thì đều có quyền tự bào chữa và nhờ người khác bào chữa.

ĐBQH Nguyễn Chiến

"Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 còn quy định là họ có quyền không nhận trách nhiêm hình sự thuộc về mình và không khai báo những gì chống lại họ. Do vậy, đương nhiên khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng xem xét trách nhiệm thì người bị tình nghi, khởi tố như ông Phí Thái Bình có quyền khẳng định mình không có sai phạm” - ĐB Chiến nói thêm.

Trước đó, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cũng bày tỏ việc cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố ông Phí Thái Bình cho thấy tất cả cá nhân, dù ở bất cứ vị trí nào, đang tại vị hay đã nghỉ hưu cũng phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Ông Cường nhấn mạnh: "Đây là thượng tôn pháp luật và không còn chuyện khi anh đương chức làm sai thì nghỉ rồi sẽ không bị gì. Việc xử lý nghiêm là rất đúng đắn và không chỉ có tác dụng với cá nhân vi phạm trong quá khứ mà đây là điều cảnh tỉnh, nhắc nhở những điều đang thực thi công vụ hiện nay sẽ chú ý, cẩn trọng hơn, tránh các sai lầm của người trước đây”.

Thêm vào đó, theo vị đại biểu này, việc xử lý nghiêm đã tạo được sự đồng tình của dư luận xã hội, người dân. Và qua việc xử lý các cán bộ, quan chức cũng giúp làm gương để người dân chấp hành tốt các quy định của pháp luật.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy