ĐBSCL ngập: Lại loay hoay với cốt nền

Thời điểm cuối tháng 9 và cuối tháng 10-2011, tại một số đô thị vùng ĐBSCL liên tiếp xảy ra tình trạng đường phố bị ngập hàng giờ do lũ kết hợp với triều cường. Tình trạng này vừa gây khó khăn cho giao thông, vừa gây xáo trộn đời sống, sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Ngập lan rộng

Theo ghi nhận, tình hình ngập úng tại các đô thị trong đợt triều cường từ ngày 25 đến 29-10 là nặng nhất và gây ngập sâu nhất so với thời điểm triều cường cuối tháng trước. Ở TP Cần Thơ, vào sáng sớm và cuối giờ chiều các ngày 25, 26 và 27-10, nước dâng lên từ hệ thống cống và tràn ra mặt đường. Những tuyến đường giáp với sông Hậu, sông Cần Thơ, nước tràn luôn từ sông qua khu vực kè gây ngập nghiêm trọng các tuyến đường.

Vào các ngày 26 và 27-10, tại các đô thị khác ở ĐBSCL, đường phố cũng tràn ngập nước với độ sâu 10-50 cm. Ở TP Cao Lãnh, TP Vĩnh Long, Mỹ Tho triều cường gây ngập một số tuyến đường, làm cản trở giao thông và gây khó khăn cho các hộ kinh doanh ở hai bên đường.

Truy tìm nguyên nhân

Theo KTS Trần Văn An, nguyên Viện trưởng Viện Kiến trúc - Quy hoạch TP Cần Thơ, nguyên nhân chủ yếu gây ngập úng tại khu vực trung tâm TP Cần Thơ bắt nguồn từ việc cốt cao độ xây dựng của TP còn quá thấp, từ đó dẫn tới việc tiêu thoát nước kém. Ngoài ra, hệ thống thoát nước hiện đầu tư chưa hoàn chỉnh và chưa đáp ứng nhu cầu, hệ thống kênh rạch ở nội ô bị lấn chiếm hoặc bị san lấp… Vì vậy chỉ cần mưa kéo dài 2-3 tiếng, hàng loạt tuyến đường nội ô lập tức ngập sâu.

ĐBSCL ngập: Lại loay hoay với cốt nền ảnh 1

Tuyến đường dọc khu vực bến Ninh Kiều (TP Cần Thơ) nước ngập sâu gần 1 m. Ảnh : GIA TUỆ

Trong khi đó, kết quả khảo sát của Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam cũng chỉ ra một nguyên nhân gây ngập cho nội ô TP Cần Thơ là quá trình đô thị hóa đã làm giảm sự điều tiết tự nhiên của bề mặt lưu vực. Cụ thể, khu vực nội thành phần lớn đất đai được bê tông hóa nên khi mưa xuống, toàn bộ nước mưa đều tập trung thành dòng chảy, không thể thấm xuống đất, trong khi hệ thống cống chưa hoàn chỉnh, tiêu thoát nước chưa tốt.

KTS Nguyễn Trọng Khanh, Giám đốc Trung tâm Thiết kế - Quy hoạch (Sở Xây dựng tỉnh Tiền Giang), cho biết ở Mỹ Tho, tình trạng ngập chủ yếu mang tính cục bộ, tức thời, xuất hiện do mưa kéo dài, triều cường và những tháng nước lũ dâng cao. Ông cho biết: “Có ba nguyên nhân chính gây ngập khu vực đô thị Mỹ Tho. Đó là sự gia tăng dân số đô thị, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa không tương xứng và đồng bộ với sự phát triển của hạ tầng kỹ thuật đô thị đã lạc hậu và xuống cấp ở một số khu vực; cốt nền còn thấp, hạ tầng cũ kỹ và còn thiếu; việc đầu tư cho quy hoạch còn hạn chế và việc thực hiện quy hoạch cải tạo, mở rộng đô thị thời gian qua chưa được đầu tư đúng mức và phù hợp cho từng giai đoạn phát triển”.

Nâng cốt cao độ xây dựng

Theo nghiên cứu bước đầu từ Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, để giải quyết ngập úng cho TP Cần Thơ, cần cấp thiết áp dụng tổng hợp các biện pháp công trình và phi công trình, kết hợp xây dựng, cải tạo cống, van, đê bao ngăn triều, nạo vét kênh tiêu, các khu trữ nước, xây dựng quy trình quản lý vận hành hợp lý… Hiện Cần Thơ đã cơ bản thống nhất phương án ngăn lũ triều để chống ngập cho TP bằng phương án bao lớn vùng trung tâm TP và bao vừa những vùng khác theo các trục thoát nước chính.

93 Là số điểm ngập trên địa bàn các quận trung tâm của TP Cần Thơ. Trong đó, quận Ninh Kiều có đến 61 điểm ngập.

Tuy nhiên, do dự án có số vốn lên đến hàng ngàn tỉ đồng và chưa biết khi nào triển khai nên theo KTS Trần Văn An, vấn đề cốt lõi nhất vẫn là phải nâng cốt cao độ xây dựng lên là giải quyết được vấn đề. Đồng tình với quan điểm này, ông Mai Như Toàn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, cho rằng sắp tới cần khuyến khích để khi thực hiện các công trình thì cốt ở khu vực trung tâm TP phải từ 2,5 đến 2,7 m, các khu vực khác từ 2,7 đến 3,1 m.

Trong khi đó, TP Mỹ Tho (Tiền Giang) đã có nhiều nỗ lực trong việc chống ngập cho TP như nâng cấp các trục đường và hạ tầng các con đường trong nội ô (đường 30/4, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Rạch Gầm…). Hiện Mỹ Tho đang xây dựng kế hoạch vốn vay từ nguồn ODA cho dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải với công suất 40.000 m3/ngày đêm, với vốn đầu tư 2.560 tỉ đồng và triển khai dự án nâng cấp đô thị với tổng vốn 53 triệu USD…

Theo KTS Nguyễn Trọng Khanh, chính sách đầu tư, vốn đầu tư cho quy hoạch và hạ tầng các đô thị vùng ĐBSCL nói chung và TP Mỹ Tho nói riêng là yếu tố quyết định, cần được đầu tư phù hợp trước hiện tượng nước biển ngày một dâng cao, đang đe dọa đời sống dân cư khu vực ĐBSCL.

TP Vĩnh Long đã hạn chế được phần nào tình trạng ngập lụt bằng cách lắp đặt máy bơm, lắp cửa cống ngăn nước ở những cống thoát nước, sử dụng van một chiều - nắp van tự đóng lại khi mực nước sông dâng cao. Hiện TP đã lắp đặt 60 van ở một số tuyến đường nội ô. Sắp tới, TP sẽ đầu tư lắp đặt ở các tuyến đường còn lại.

GIA TUỆ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm