Đề nghị truy tố phó phòng Cục THA

Ngày 15-12, CQĐT  VKSND Tối cao khu vực miền Trung - Tây Nguyên (đóng tại TP Đà Nẵng) cho biết vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố Nguyễn Hữu Hùng - phó trưởng phòng Nghiệp vụ Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Lâm Đồng về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Hùng bị đề nghị truy tố theo khoản 2 Điều 285 BLHS với mức án 3-12 năm tù.

Ảnh hưởng tới hoạt động đầu tư

Tháng 10-1991, Tổng Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam (Viseri, trụ sở tại TP Bảo Lộc, Lâm Đồng) và Công ty Kimono Daigaku (trụ sở tại Nhật Bản) góp vốn thành lập Công ty Liên doanh Dệt tằm tơ Bảo Lộc - Visintex (trụ sở tại TP Bảo Lộc). Hai đơn vị cam kết chia lợi nhuận là Viseri 46%, Kimono 54%.

Quá trình kinh doanh, Công ty Kimono nợ tiền Visintex không trả nên doanh nghiệp này kiện ra tòa. Theo phán quyết của TAND Tối cao tại TP.HCM (giữa tháng 4-2011), Công ty Kimono phải thanh toán cho Visintex nợ gốc hơn 10,6 tỉ đồng và gần 15.000 USD tiền lãi.

Cuối tháng 5-2011, Cục THADS tỉnh Lâm Đồng ra quyết định THA theo yêu cầu của Visintex và giao cho chấp hành viên Nguyễn Hữu Hùng tổ chức thực hiện.

Tuy nhiên, quá trình tổ chức THA, ông Hùng đã thiếu trách nhiệm, thực hiện không đúng, không đầy đủ các quy định. Cụ thể, khi xác minh điều kiện THA của Công ty Kimono, ông Hùng đã không xác minh đầy đủ tài sản, không kiểm tra cụ thể hiện trạng tài sản, không kiểm tra hệ thống sổ sách quản lý vốn, tài sản… Ngoài ra, ông Hùng cũng không thực hiện đầy đủ quy trình kê biên tài sản, kê biên vốn góp theo quy định, không thông báo đầy đủ về thủ tục, nội dung THA cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, đồng thời là chủ sở hữu chung tài sản bị kê biên (Viseri)…

Các sai phạm này dẫn đến việc xác minh, kê biên, định giá, bán đấu giá tài sản chung của hai công ty Kimono và Viseri (trong liên doanh Visintex) không đúng theo quy định, thấp hơn thực tế. Từ đó, Kimono và Viseri bị thiệt hại hơn 1,9 tỉ đồng. Đặc biệt là việc nhà liên doanh Nhật Bản tố cáo cơ quan THA làm ảnh hưởng tới hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.


Bản kết luận điều tra của CQĐT VKSND Tối cao tại miền Trung - Tây Nguyên. Ảnh: TT

Kiến nghị xử lý kiểm sát viên

Theo CQĐT, Viseri cho rằng ông Hùng không kê biên, định giá, bán đấu giá và cũng không có biện pháp xử lý nên bị thất thoát, không thu hồi lại được.

CQĐT xác định ông Hùng không kê biên hơn 30 xe máy các hiệu Suka, Daewon, Tsudakoma và một số tài sản khác. Số tài sản này vẫn thuộc sự quản lý của Visintex nên thuộc trách nhiệm quản lý của ông Nguyễn Tiến Dũng, người đại diện pháp luật của Visintex. CQĐT VKSND Tối cao cho biết sẽ chuyển toàn bộ tài liệu liên quan cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lâm Đồng điều tra, giải quyết theo thẩm quyền.

Ngoài ra, CQĐT VKSND Tối cao cũng kiến nghị VKSND tỉnh Lâm Đồng xử lý kiểm sát viên Nguyễn Anh Tuấn theo quy định. Lý do, ông Tuấn được phân công kiểm sát việc tuân thủ pháp luật trong cưỡng chế, kê biên tài sản. Tuy nhiên, ông Tuấn không phát hiện được các sai phạm của chấp hành viên Hùng để yêu cầu kiến nghị hoặc kháng nghị. Ông Tuấn thống nhất và ký vào biên bản kê biên. Tuy vậy, hành vi của ông Tuấn không phải là nguyên nhân chính dẫn đến việc nhà đầu tư bị thất thoát vốn góp nên không đến mức xử lý hình sự.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm