Đề xuất không miễn tiền thi hành án cho tội phạm tham nhũng

Đề cập về nội dung này trong dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự tại phiên họp chiều 12/8 của cơ quan thường trực Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho hay vẫn có rất nhiều ý kiến khác nhau về nội dung trên.

Có ý kiến đề nghị chỉ miễn giảm thi hành án vì lý do nhân đạo, mọi lý do khác không được xét. Một số ý kiến lại đề nghị bỏ quy định miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án để bảo đảm hiệu lực pháp luật của bản án. Bởi việc để treo khoản nợ nhằm răn đe cũng như phòng ngừa việc cất giấu, tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ thi hành và cân nhắc quy định cho “khoanh” như cơ chế xử lý nợ xấu của ngân hàng. 

Theo ông Hiện, việc duy trì cơ chế xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án với khoản thu nộp ngân sách nhà nước là cần thiết. Tuy nhiên, để phù hợp với thực tiễn nên bỏ quy định này với trường hợp không xác định được nơi cư trú hoặc không xác định được tài sản của người phải thi hành án.

Với những trường hợp phạm các tội về xâm phạm an ninh quốc gia, các tội phạm về tham nhũng và các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, Uỷ ban Tư pháp cũng đề nghị không áp dụng việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước.

Lo ngại danh mục được xét miễn, giảm vẫn quá rộng, Chủ nhiệm uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý nêu quan điểm: "Đã là ngân sách thì một xu cũng phải được bảo vệ". Ông Lý đề nghị dự thảo điều chỉnh lại quy định các trường hợp được miễn, giảm các khoản thu cho ngân sách trong thi hành án.

Bảo vệ quan điểm của cơ quan soạn thảo dự luật, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường phân tích: Người ta bị lũ lụt, thiên tai không còn tài sản gì, khi đó cả nước phải chung tay cưu mang họ mà chúng ta lại không miễn giảm cho họ 100.000 tiền án phí thì cứng quá. “Hay một ông nghiện vốn đã không có tiền rồi, ngoài bị xử lý hình sự, còn bị phạt đến 20 triệu thì đến bao giờ mới thi hành án được”, ông Cường dẫn chứng và cho biết thực tế có những trường hợp chấp hành viên phải bỏ tiền túi ra để thi hành án cho đương sự.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thừa nhận việc miễn giảm này là một thực tế vì có rất nhiều trường hợp không thể thi hành án được. “Ngay thuế má, tín dụng chúng ta còn phải miễn giảm nữa là thi hành án”, ông Hùng chia sẻ.

Theo Chí Hiếu (Vnexpress)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm