Đề xuất quy định thuyền trưởng phải tốt nghiệp cấp 3

Một số doanh nghiệp cho rằng cần xem xét việc đào tạo thuyền trưởng hạng nhất và thuyền trưởng đi ven biển phải tốt nghiệp cấp 3. Vì trên thực tế ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long rất ít người đáp ứng được quy định này, trong khi tay nghề có thể đáp ứng để đi các tuyến ven biển và điều khiển được phương tiện có trọng tải từ 500 tấn chở lên.

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết đội tàu ngày càng được đổi mới, đầu tư trang thiết bị tiên tiến, hiện đại, đòi hỏi đội ngũ thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa phải được đào tạo cơ bản để có trình độ kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ và tay nghề cao. Vì vậy, điều kiện dự thi lấy giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng hạng nhất hoặc máy trưởng hạng nhất, thuyền trưởng đi ven biển có bằng tốt nghiệp phổ thông trung học hoặc tương đương là phù hợp và rất cần thiết.

"Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đang nghiên cứu báo cáo Bộ GTVT để xuất quy định đối với người có bằng và giấy chứng nhận khả năng chuyên môn của ngành hàng hải để sửa đổi cho phù hợp” - đại diện Cục Đường thủy nội địa nói.

Đề xuất quy định thuyền trưởng phải tốt nghiệp cấp 3 ảnh 1
Ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: VIẾT LONG

Liên quan đến kiến nghị cần có giải pháp nâng cao tĩnh không các cầu Bình Lợi, cầu Ghềnh, cầu Đồng Nai cũ để phát triển được các cảng ở miền Đông Nam Bộ. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho rằng Bộ GTVT đang chấp thuận cho thanh thải các vật chướng ngại có ảnh hưởng đến luồng và hành lang luồng trên sông Đồng Nai, để thuận lợi cho giao thông thủy nội địa.

Ngoài ra, trong thời gian tới Cục Đường thủy nội địa Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp đối thoại nhằm tháo gỡ những bất cập, hỗ trợ các doanh nghiệp có thể sản xuất kinh doanh thuận lợi, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, khai thác hiệu quả vận tải thủy, cảng thủy nội địa. Đặc biệt việc khai thác tốt nhất các tuyến ven bờ biển, nhằm kết nối với các tuyến vận tải trong sông, kênh. Tích cực đổi mới phương tiện, nhất là phương tiện vận chuyển container và tham gia dịch vụ logicstics.

Cũng theo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, kế hoạch đến năm 2020, tỉ lệ đảm nhận vận tải hàng hóa của đường thủy nội địa là 17,72%, vận tải hành khách là 4,1% khối lượng vận tải của toàn ngành giao thông vận tải. Tốc độ tăng trưởng khối lượng vận tải bình quân giai đoạn 2015 - 2020 là 11,20%/năm về hàng hóa và 2,5%/năm về hành khách. Vận tải hàng hóa đạt 393,89 triệu tấn, hành khách đạt 170 triệu; khối lượng vận tải container đạt khoảng 3,45 triệu TEU. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm