Dẹp chợ tự phát, dân bớt ngộ độc thực phẩm?

“Chủ trương dẹp chợ tự phát là đúng đắn nhưng việc giải tỏa 100% là khó khả thi vì liên quan đến cuộc sống của hàng vạn người dân lao động, đặc biệt là người nghèo”. PGS-TS Nguyễn Minh Hòa, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, nêu quan điểm với Pháp Luật TP.HCM.

Không thể “vì nghèo” để nhếch nhác

Theo TS Nguyễn Hữu Nguyên - Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, thực phẩm bẩn đang là vấn nạn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân, nhất là công nhân các KCN, người lao động tự do, người già neo đơn… Thế nhưng chính nhu cầu ăn uống hằng ngày của họ lại là lý do hình thành các khu chợ này. Đây là nghịch lý cần hóa giải. “Nếu chưa xóa bỏ được nguồn gốc cung cấp thực phẩm bẩn mà xóa bỏ chợ tự phát thì những người lao động nghèo và công nhân sẽ vẫn phải đi tìm mua thực phẩm bẩn ở những nơi xa hơn, nhếch nhác hơn, thậm chí mua với giá đắt hơn” - TS Nguyên cảnh báo.

Nhiều ý kiến cho rằng không thể cứ vì người nghèo mà để nhếch nhác. Theo TS Nguyên, đây là bài toán khó vì nếu muốn TP.HCM ngay lập tức không còn nhếch nhác vì chợ tự phát thì cuộc sống người nghèo sẽ phải nhếch nhác hơn. “Số lượng người nghèo, người lao động nhập cư ở TP.HCM rất nhiều. Họ đa phần mưu sinh bằng nghề buôn bán hàng rong hoặc buôn bán tại các chợ tự phát. Vì vậy, việc dẹp hẳn, dẹp ngay các chợ mà liên quan đến miếng cơm manh áo của hàng vạn người cũng dễ dẫn đến bất ổn” - PGS-TS Nguyễn Minh Hòa bổ sung.

Chợ tự phát thế này rõ ràng là buông lỏng quản lý, thậm chí dư luận dễ ngờ có yếu tố tiêu cực.  Ảnh: MINH HUỆ

Tuy vậy, PGS-TS Nguyễn Minh Hòa cho rằng nói như vậy không có nghĩa là để chợ tự phát, chợ chồm hổm ngày càng phát sinh làm ảnh hưởng đến bộ mặt đô thị. Theo ông, TP.HCM phải nghiên cứu cách thức và lộ trình dẹp chợ tự phát như thế nào và việc sắp xếp, bố trí cho người bán ra sao để không ảnh hưởng quá lớn đến đời sống của người dân.

TS Nguyên cũng cho rằng không phải nói dẹp là dẹp ngay được 100% chợ tự phát mà cần có những nghiên cứu, thực hiện theo lộ trình cụ thể. Cụ thể, đối với các chợ tự phát nằm ngay cạnh chợ truyền thống thì nghiên cứu dẹp bỏ. Nhưng những nơi thiếu chợ, người dân phải đi cả giờ mới tới được chợ hợp pháp mua con cá, mớ rau thì rất khó để đảm bảo họ sẽ đến chợ truyền thống thay vì chỉ dừng năm phút, thậm chí ngồi trên xe móc tiền ra là cũng “giải quyết xong bữa cơm gia đình”.

“Giải pháp cơ bản cho chợ tự phát không phải là tập trung xóa bỏ nó mà cần nâng cao thu nhập và đời sống người dân để chợ này tự tiêu. Trong khi chưa nâng cao thu nhập và đời sống người dân được thì các địa phương nên chủ động quy hoạch lại các chợ tự phát để tạo thuận lợi hơn cho người mua, đồng thời cải tạo chợ cho tốt hơn hoặc xây thêm chợ truyền thống để thay thế” - TS Nguyên đề nghị.

Sắp xếp lại tạo thuận lợi cho dân

Ông Trần Quang Huy, Phó phòng Kinh tế quận Bình Thạnh, cho biết việc dẹp các chợ tự phát trên địa bàn được quận thực hiện thường xuyên. “Năm 2010, quận có 20 điểm, khu vực kinh doanh tự phát nhưng nay chỉ còn khoảng sáu điểm, chủ yếu tập trung xung quanh các chợ truyền thống. Đầu năm 2016, quận tiếp tục xây dựng kế hoạch chấn chỉnh chợ tự phát ở 20 phường và chỉ đạo, hỗ trợ các phường chốt chặn, xử lý và giải tỏa các trường hợp lấn chiếm lòng lề đường. Công việc này gặp nhiều khó khăn nhưng quận đặt ra lộ trình là từ nay đến năm 2020 quận sẽ giải tỏa hết chợ tự phát” - ông Huy cam kết.

Trong giai đoạn hiện nay, để giảm bớt lượng người mua bán tại các chợ tự phát, quận Bình Thạnh đang làm việc với các doanh nghiệp để mở nhiều cửa hàng tiện ích phục vụ cho nhu cầu mua bán.

Ông Nguyễn Gia Thái Bình, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết: Quận đang thực hiện đợt cao điểm chấn chỉnh chợ tự phát trên địa bàn quận. Đợt này quận sẽ xóa 10/41 chợ tự phát và sắp xếp, chấn chỉnh 31 chợ còn lại.

“Quận sẽ phân loại cụ thể chứ không phải cùng lúc dẹp 100% chợ tự phát. Theo đó, chợ nào đã có nhiều năm tại nơi mà ở đó chưa có chợ hợp pháp đáp ứng thì sẽ tồn tại. Tuy nhiên, việc mua bán ở đây sẽ được sắp xếp, tém dẹp để đảm bảo trật tự nhưng nơi nào chợ tự phát ăn theo chợ truyền thống hoặc chợ lấn chiếm đất công viên thì dứt khoát dẹp hẳn” - ông Bình nói.

Theo ông Bình, việc dẹp chợ tự phát sẽ được thực hiện song song với bài toán quy hoạch. “Chúng tôi xác định nhu cầu mua sắm của người dân là có thật, trong khi khả năng đáp ứng của địa phương chưa đầy đủ nên quận quy hoạch, kêu gọi đầu tư trung tâm thương mại, chợ truyền thống. Khi chợ truyền thống hình thành thì mới giải quyết tận gốc”.

“Ngoài ra, để xử lý được chợ tự phát, tôi đề nghị khi cấp phép đầu tư những KCN, KCX, công ty lớn có nhiều công nhân thì chủ đầu tư phải chia sẻ với địa phương tạo nơi mua sắm thiết yếu hằng ngày cho công nhân” - ông Bình cho hay.

Mua thực phẩm ở chợ tự phát rồi ngộ độc thì sao?

Gần đây dù không có trường hợp nào bị ảnh hưởng sức khỏe do ăn đồ ăn chợ tự phát nhưng sao biết được sau này thế nào. Chẳng may người dân mua thực phẩm ở các chợ này rồi bị ngộ độc thì sao tìm được người bán cùng bằng chứng chứng minh việc mua bán?

Thực trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) từ thức ăn đường phố, chợ tự phát hiện rất phức tạp nhưng việc quản lý gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, Sở Y tế kiến nghị UBND TP giải tỏa chợ tự phát và thức ăn đường phố theo lộ trình.

Chúng tôi biết việc xây dựng các tuyến đường không có thức ăn đường phố và dẹp chợ tự phát sẽ khó khăn, song không thể thấy khó là không làm. Việc quy hoạch chợ tự phát, thức ăn đường phố do các quận, huyện chịu trách nhiệm trực tiếp nên Sở Y tế sẽ phối hợp với các địa phương thực hiện.

BS NGUYỄN HỮU HƯNG, Phó Giám đốc Sở Y tế

HÀ PHƯỢNG ghi

Thực hiện chỉ thị của Bí thư Thăng

Theo tôi, việc dẹp chợ tự phát là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính quyền, được thực hiện theo lộ trình cụ thể nhưng cần làm nhanh.

Chợ tự phát là đỉnh điểm của việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Thời gian qua việc dẹp chợ này chưa hiệu quả do sự buông lỏng quản lý, trong đó không thể không nói đến các yếu tố tiêu cực. Do vậy để dẹp được chợ tự phát, TP.HCM phải thực thi nghiêm túc chỉ thị của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng: “Cách chức người đứng đầu địa phương nếu không giữ được trật tự lòng, lề đường, vỉa hè”.

Tuy vậy, TP.HCM phải quy hoạch một số khu vực làm nơi buôn bán theo mô hình chợ truyền thống nhưng có sạp lưu động có đăng ký kinh doanh để giúp người dân mưu sinh mà vẫn quản lý được trật tự đô thị và VSATTP. Thời gian đầu thì miễn tiền thuê đất, chỉ thu hoa chi để khuyến khích họ di chuyển vào khu quy hoạch này.

Ông LÂM THIẾU QUÂN, đại biểu HĐND TP.HCM

Quy hoạch chợ, siêu thị đáp ứng nhu cầu

Chủ trương đảm bảo VSATTP là một trong những nhiệm vụ cấp bách hàng đầu. Muốn đảm bảo được điều này thì dẹp chợ tự phát là việc phải làm. Tuy vậy, việc dẹp ngay 100% chợ tự phát lúc này e là chưa căn cơ mà cần đi từng bước, giải quyết cả gốc lẫn ngọn.

Chợ tự phát xuất hiện và tồn tại dai dẳng là xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân. Vì vậy, muốn dẹp được nó thì phải tạo điều kiện cho người bán và người mua. Nghĩa là Nhà nước phải xem xét sao khu vực đó phát sinh chợ tự phát. Có phải đầu tư chợ truyền thống không đúng địa điểm thuận lợi, chưa tiện ích, giá cả còn cao để từ đó có các khu vực quy hoạch chợ truyền thống, cửa hàng tiện ích văn minh tiện lợi.

Việc quy hoạch này phải cân nhắc, tính toán lâu dài, phải tính toán, dự báo quá trình phát triển của từng nơi về việc hình thành khu dân cư, KCN, nhà máy, xí nghiệp để tính toán chợ, siêu thị, cửa hàng đáp ứng.

Ông CAO THANH BÌNH,
Phó ban Văn hóa Xã hội - HĐND TP.HCM

LÊ THOA ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm