Di dời dân trong vùng 'đong ruồi bằng kg'

Theo đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở Y tế, Sở Tài chính phối hợp với UBND huyện Sóc Sơn thực hiện nâng mức hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế từ 80% lên 100%, triển khai khám chữa bệnh định kỳ cho người dân ở khu vực vùng chịu ảnh hưởng môi trường.

Giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan đánh giá mức độ ô nhiễm không khí tại một số khu xử lý chất thải để điều chỉnh chính sách hỗ trợ đối với người dân và vùng bị ảnh hưởng môi trường.

UBND huyện Sóc Sơn được giao đẩy nhanh tiến độ di dời các hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng trong vùng bán kính 500 m; khẩn trương thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư để di chuyển các hộ dân thuộc vùng ảnh hưởng môi trường Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn. Cạnh đó, điều chuyển nhiệm vụ phun thuốc diệt ruồi muỗi từ đơn vị vận hành khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn sang Trung tâm Y tế dự phòng huyện Sóc Sơn và UBND các xã bị ảnh hưởng để thực hiện từ ngày 1-8.

Hình ảnh dân dựng lán, ngăn không cho xe chở rác vào bãi rác Nam Sơn.

TP cũng giao Sở Xây dựng, Sở TN&MT phối hợp với UBND huyện Sóc Sơn tăng cường giám sát thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường; tăng cường xử lý nước rác, có biện pháp che phủ bạt các hồ chứa nước rác, hạn chế mùi và tách nước mưa. Đồng thời, sử dụng chế phẩm Redoxy- 3C để ngăn mùi phát sinh sau khi thử nghiệm thành công tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn.

Công ty Nước sạch số 2 được yêu cầu tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cung cấp nước sạch cho các xã Nam Sơn, Bắc Sơn và Hồng Kỳ, hoàn thành trước ngày 15-8. Tính toán phương pháp áp giá nước sạch tiêu dùng theo đề nghị của nhân dân.

"Sở Xây dựng, Sở KH&ĐT, Sở Tài chính, Sở Y tế, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục nghiên cứu đề xuất của UBND thành phố đối với các đề nghị của UBND huyện Sóc Sơn. Giao Sở Tài chính bố trí kinh phí thực hiện các công tác hỗ trợ cho nhân dân thuộc vùng bị ảnh hưởng môi trường Khu Liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn" - TP Hà Nội yêu cầu.

Người dân tập trung rất đông trong cuộc đối thoại chiều nay.

Cũng trong chiều nay, lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn, lãnh đạo xã Hồng Kỳ, nhân dân quanh vùng bị ảnh hưởng đã có cuộc đối thoại nhằm đưa ra hướng giải quyết về vụ việc. Trao đổi với báo chí, ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, cho hay ruồi tấn công nhà dân thời điểm vừa rồi do điều kiện thời tiết tạo điều kiện cho việc sinh sôi nảy nở của ấu trùng ruồi, cộng thêm việc mưa nhiều việc san lấp, bao phủ không thực hiện được…

Về việc di dời dời các hộ dân của ba xã gồm Bắc Sơn, Hồng Kỳ, Lam Sơn trong vùng bị ảnh hưởng (không có việc sinh sống cũng như sản xuất trong phạm vi này), huyện đã báo cáo TP Hà Nội. TP cũng đã chấp thuận cho huyện Sóc Sơn thực hiện dự án tái định cư. Huyện cũng đang lập các dự án tái định cư trên cơ sở số liệu do các xã thông qua nguyện vọng của nhân dân, “nhân dân cũng muốn vị trí này, vị trí kia nhưng nó phải phù hợp với quy hoạch đất ở nông thôn và các vấn đề khác. Hôm nay bà con không đồng tình về vấn đề bán kính 1.100 m, chúng tôi đã đề xuất sang vị trí khác, nhưng những vị trí đó còn đang vướng quy hoạch giao thông…  đợt tới chúng tôi tiếp tục tiếp thu ý kiến của bà con” - ông Tuấn nói.

Như đã phản ánh, nhiều ngày nay, người dân sống gần khu vực bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn - Hà Nội) phải chịu cảnh ruồi muỗi tấn công, cuộc sống sinh hoạt đảo lộn. Quá bức xúc, từ trưa hôm qua (18-7), người dân tại xã Nam Sơn (Sóc Sơn - Hà Nội) đã dựng lán tạm, chốt chặt đường vào, chặn xe chở rác, ngăn không cho xe chở rác vào bãi rác Nam Sơn - khu xử lý rác lớn nhất Hà Nội.

Theo ông Hoàng Văn Đức, thôn Đông Hạ, cho hay xã Nam Sơn ngay trong ngày hôm qua đại diện người dân bán kính trong vòng 500 m đã họp cùng chính quyền địa phương, đại diện Sở Xây dựng, phía đại diện quản lý bãi rác để họp bàn thống nhất về việc giải quyết về vấn đề môi trường, di dời, bảo hiểm... nhưng chưa thống nhất được vấn đề gì. 

Tại buổi đối thoại chiều nay (19-7), người dân mặc dù đã đồng ý với nhiều nội dung, tuy nhiên nhiều người dân cũng đặt câu hỏi rằng các vấn đề đó bao giờ mới thành hiện thực?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm