Dịch vụ ăn uống vướng luật

Tại TP.HCM, kể từ ngày 4-2-2013, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) ngưng cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP đối với loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống khiến nhiều doanh nghiệp gặp không ít phiền toái.

Chưa thể cung cấp suất ăn sẵn

Bà Hương (chủ cơ sở cung cấp suất ăn sẵn ở huyện Hóc Môn) phân trần: “Dành dụm được ít tiền, vợ chồng tôi thành lập cơ sở cung cấp suất ăn nấu sẵn vào khoảng tháng 6-2013. Tôi cho toàn bộ nhân viên tập huấn kiến thức ATVSTP và khám sức khỏe, đồng thời làm hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP. Tuy nhiên, nhân viên Chi cục ATVSTP TP nói cung cấp suất ăn sẵn thuộc loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống nên không giải quyết hồ sơ, chờ có thông báo mới”.

Bà Hương cho biết những nơi bà đến đặt vấn đề cung cấp suất ăn nấu sẵn đều yêu cầu cho xem giấy chứng nhận ATVSTP và gửi bản phôtô để trình khi có đoàn kiểm tra. “Do không được cấp giấy chứng nhận nên đến giờ vợ chồng tôi vẫn chưa cung cấp suất ăn nấu sẵn cho các cơ sở. Vốn liếng bỏ ra chưa thể thu hồi” - bà Hương cho biết.

 Ngành dịch vụ ăn uống đang bị tạm ngưng cấp giấy chứng nhận ATVSTP vì vướng luật. Ảnh: HTD

Bị đoàn kiểm tra gây khó

Công ty TNHH Dịch vụ Thực phẩm và Giải khát Cánh diều xanh (chủ sở hữu thương hiệu thức ăn nhanh Burger King) cũng gặp phiền toái vì một số cửa hàng chưa được cấp giấy chứng nhận ATVSTP. Ông Lâm Quốc Định, phòng Hành chính-Pháp lý Công ty Cánh Diều Xanh, cho rằng một số cửa hàng thuộc hệ thống Burger King kinh doanh từ ngày 4-2-2013 đến nay chưa được Chi cục ATVSTP TP.HCM cấp giấy chứng nhận ATVSTP cho dù đã nộp đầy đủ hồ sơ. “Mặc dù lỗi này không do doanh nghiệp nhưng có đoàn kiểm tra địa phương do không nắm được thông báo của Chi cục ATVSTP nên cứ hỏi này hỏi nọ. Khi doanh nghiệp giải thích rõ và trình thông báo của chi cục thì đoàn kiểm tra mới thôi hỏi” - ông Định nói.

Tương tự, do chưa được cấp giấy chứng nhận ATVSTP nên một nhà hàng ở quận vùng ven phải giải thích rát cổ họng với đoàn kiểm tra địa phương. Ông Quang (chủ nhà hàng) lắc đầu: “Đoàn kiểm tra yêu cầu trình giấy chứng nhận ATVSTP, tôi nói Chi cục ATVSTP TP.HCM tạm ngưng cấp, chờ thông báo mới. Họ không tin, bảo tôi đưa xem thông báo của chi cục. Ngặt tờ thông báo của chi cục bị lạc mất, họ nói tôi dựng chuyện, đòi phạt nặng và đóng cửa nhà hàng. Tôi nhờ người quen cấp tốc chạy lên chi cục xin lại tờ thông báo, khi đó mọi chuyện mới yên. Tôi chỉ mong sớm được cấp giấy chứng nhận ATVSTP để không phập phồng đoàn kiểm tra”.

Đầu tháng 3 mới thực hiện cấp lại

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP.HCM, cho biết: Trước đây, Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận ATVSTP cho 10 nhóm thực phẩm nguy cơ cao (trong đó có dịch vụ ăn uống) căn cứ theo Quyết định số 11/2006/QĐ-BYT (ngày 9-3-2006). Tuy nhiên, sau khi Luật ATTP ra đời (có hiệu lực từ ngày 1-7-2011), tiếp theo là Nghị định 38/2012 (có hiệu lực từ ngày 11-6-2012) quy định chi tiết một số điều của Luật ATTP đã giao UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện quản lý về ATVSTP trên phạm vi địa phương.

Đến ngày 30-11-2012, Bộ Y tế ban hành Thông tư 26/2012 quy định cấp giấy chứng nhận ATVSTP cho một loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm (không có dịch vụ ăn uống). Thông tư này bãi bỏ Quyết định số 11/2006/QĐ-BYT và có hiệu lực từ ngày 15-1-2013. Vì vậy, tất cả biểu mẫu, quy chế thẩm định, quy chế cấp giấy chứng nhận đi kèm Quyết định 11/2006 đều mất hiệu lực.

Trước ngày 15-1-2013, chi cục vẫn còn tiếp nhận và cấp giấy chứng nhận ATVSTP cho dịch vụ ăn uống. Tuy nhiên, đến ngày 4-2-2013 thì Chi cục ATVSTP TP.HCM ngưng tiếp nhận hồ sơ mới, giải quyết hồ sơ tồn đọng và chờ chỉ đạo từ phía UBND TP.HCM.

Tháng 10-2013, UBND TP.HCM có công văn đề nghị Bộ Y tế cho phép ban hành quy định tạm thời cấp giấy chứng nhận ATVSTP cho loại hình dịch vụ ăn uống. Tháng 12-2013, Bộ Y tế chấp nhận đề nghị này.

“Cấp giấy chứng nhận ATVSTP là thủ tục hành chính, liên quan đến pháp lý nên phải có quy định rõ ràng. Vì vậy, sau khi được Bộ Y tế đồng ý, chi cục phải tham mưu UBND TP.HCM xây dựng tạm thời quy chế cấp giấy, biểu mẫu thẩm định... và phải được Sở Tư pháp xem qua. Do đó, thời gian tạm ngưng cấp giấy cho loại hình dịch vụ ăn uống tại TP.HCM kéo dài khoảng một năm” - ông Hòa nói.

TRẦN NGỌC

Liên quan đến vấn đề cấp giấy ATVSTP cho cơ sở sản xuất rau câu, đại diện Sở NN&PTNT TP.HCM cho biết rau câu thuộc mặt hàng bánh, mứt, kẹo nên thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Công Thương TP.HCM. Trong khi đó, đại diện Sở Công Thương TP.HCM cho rằng rau câu sản xuất từ rong biển nên Sở NN&PTNT có trách nhiệm cấp giấy ATVSTP.

Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP.HCM, cho biết ba bộ Y tế, Công Thương, NN&PTNT đang xây dựng tạm thời quy chế phối hợp quản lý ATVSTP. Theo đó, nếu sản phẩm nào chưa phân công cụ thể bộ, ngành quản lý thì Bộ Y tế sẽ tạm thời quản lý, cấp giấy chứng nhận ATVSTP. Do vậy, ngành y tế tạm thời quản lý sản phẩm rau câu.

Thanh tra Sở Y tế cho biết cũng vừa kiến nghị Bộ Y tế cần ban hành đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về thực phẩm để làm cơ sở cho việc công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và căn cứ để thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực ATTP.

D.TÍNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm