Diện mạo mới bên dòng kênh Tân Hóa

Những ngày này, người dân ở các quận Tân Phú và 11 (dọc tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm) đang cấp tập sửa sang nhà cửa. Khu vực trước đây chỉ gồm những căn nhà ọp ẹp và xập xệ bỗng trở nên khang trang, sáng sủa hơn trước nhiều. Hiện đơn vị thi công đang khẩn trương hoàn tất những công việc cuối cùng như thảm nhựa đường, lát vỉa hè, đèn chiếu sáng… để cuối tháng 8-2014 sẽ hoàn thành toàn bộ công trình.

Nhà hai “xiệc” ra mặt tiền

Từ năm 1992, căn nhà 32/53/50 Huỳnh Văn Chính, phường Phú Trung, quận Tân Phú, TP.HCM đã là nơi trú ngụ của ba thế hệ. “Lúc ấy, tuyến kênh bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nào là bị rác rến bồi lấp, nào là nước thải sinh hoạt, nước thải của các cơ sở dệt, nhuộm thi nhau tuôn thẳng xuống dòng kênh. Mỗi lần nghĩ đến là rùng mình nhưng do điều kiện khó khăn, gia đình chúng tôi phải cắn răng gánh chịu suốt 20 năm trời. Thú thật nếu không có việc nạo vét, chỉnh trang kênh có lẽ con cháu chúng tôi còn tiếp tục hứng chịu tình trạng này” - bà chủ nhà trên 70 tuổi chia sẻ.

 
Người dân đồng loạt sửa sang nhà cửa, xoay nhà từ hẻm ra mặt tiền kênh Tân Hóa để khai thác mặt bằng. Ảnh: MP

Chính vì sự ám ảnh bởi vấn nạn ô nhiễm đeo bám dai dẳng như vậy nên khi sửa lại sau khi giải tỏa một phần (để chỉnh tranh kênh), căn nhà của gia đình bà vẫn “quay lưng” với bờ kênh. Đến nay, khi tuyến kênh đã được lấp đi để thay bằng tuyến cống hộp và lớp nhựa đường thứ nhất được phủ lên thì bà… vẫn ngỡ như mơ. Căn nhà của bà vốn hai “xiệc”, nằm hun hút trong một con hẻm, có đoạn hai xe máy muốn tránh nhau cũng khó nay đã vươn ra mặt tiền đường kênh Tân Hóa với vỉa hè rộng thênh thang.

Khảo sát sơ bộ cho thấy hàng loạt nhà dân mặt tiền hẻm vừa “xoay lưng” ra mặt tiền kênh Tân Hóa (được lấp kênh làm đường) thì ngay lập tức có người tìm đến thuê mặt bằng. Chẳng hạn, mặt bằng gần nhà 32/53/50 Huỳnh Văn Chính nêu trên có diện tích 3 x 11 m được cho thuê với giá 6 triệu đồng/tháng. Một căn khác có diện tích 2 x 11 m được chủ nhà “xẻ dọc” thành hai căn và cho thuê giá 4,5 triệu đồng/tháng/căn… Trong khi đó, căn nhà 4 x 9,5 m một trệt, một lầu (đúc giả) đang được rao giá gần 2 tỉ đồng, dù theo quy hoạch nhà nằm trọn trong hành lang bị giải tỏa.

Tương tự, căn nhà 295 đường kênh Tân Hóa (phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú) có diện tích 3,8 x 11,5 m trong sổ ghi chi chít: “Hành lang bảo vệ kênh Tân Hóa 20 m, lộ giới hẻm (cập hông - NV) 5 m; vạt góc giao lộ 2,5 x 2,5 m” vẫn được bán với giá 2,65 tỉ đồng. “Không chờ đến khi kênh lấp xong, đường thảm nhựa như hiện nay mà giá nhà đất ở đây đã tăng mạnh trong khi thị trường nhà đất ở nhiều khu vực khác ế ẩm” - ông Trương Hải Triều (dịch vụ môi giới nhà đất ở khu vực) cho biết.

Xóa ô nhiễm, ngập úng

Tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm bắt đầu từ quận Tân Bình qua các quận Tân Phú, 11 và xuôi về quận 6 (đại lộ Võ Văn Kiệt). Trong trí nhớ của mình, ông Trần Văn Trí nay đã hơn 80 tuổi, sống ở quận 11 kể lại: Tân Hóa - Lò Gốm từng là một con kênh có dòng nước trong xanh. Theo kênh này, người dân có thể đi thuyền qua bốn quận của TP.HCM rồi thông về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. “Qua thời gian, những cơ sở dệt, nhuộm thi nhau xả nước thải xuống dòng kênh. Người dân cũng đua nhau lấn chiếm, vứt rác bừa bãi khiến dòng kênh càng ngày càng ô nhiễm” - ông Trí nói.

Tình trạng ô nhiễm, dòng chảy thu hẹp suốt hàng chục năm qua khiến đời sống sinh hoạt của hàng ngàn người dân sống ven kênh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ông Nguyễn Văn Vũ, Trưởng ban Điều hành khu phố 4, phường Phú Trung, cho hay: “Dù trung tâm y tế dự phòng thường xuyên xịt muỗi nhưng người dân, nhất là trẻ em vẫn bị sốt xuất huyết. Mặt khác, do không có mặt bằng, không đi được đường ống cấp nước sinh hoạt nên hàng trăm hộ dân ven tuyến kênh hôi thối phải sử dụng nước giếng khoan hàng chục năm qua. Dự án này ngoài việc lấp kênh, làm đường còn đi đường nước sinh hoạt để “xóa” nạn khan nước sạch bấy lâu nay”.

Theo ông Lê Thanh Liêm, Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TP (chủ đầu tư dự án), công trình đã cải tạo 7,4 km tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm và cảnh quan ven kênh; làm mới 12 km đường dọc kênh, xây dựng 10 cầu nhỏ, hệ thống thu gom nước thải, giếng tách dòng, trạm bơm nâng áp, cống bao... “Dự án cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm mang ý nghĩa thiết thực đối với đời sống người dân ven kênh, cải thiện tình hình ô nhiễm tại đây. Ngoài ra, dự án còn tạo cảnh quan xanh, sạch, khang trang và hiện đại tại các quận Tân Phú, 6, 11 nói riêng và TP.HCM” - ông Liêm chia sẻ.

Trong thời gian qua, trong lúc thi công, các khu vực Bàu Cát, đường Lũy Bán Bích, Âu Cơ, Tân Hóa, Hòa Bình (thuộc quận Tân Bình, Tân Phú, 11, 6) phải hứng chịu cảnh ngập úng triền miên. Ông Liêm cho biết hiện tuyến cống hộp đã xong, nhiều tuyến đường cùng hàng loạt tuyến hẻm ở các khu vực trên đã được cải tạo, nâng lên nên từ đây các khu vực này sẽ thoát ngập.

MINH PHONG

Dự án cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm được khởi công từ cuối năm 2011. Theo thiết kế, đoạn kênh từ đường Âu Cơ (quận Tân Phú) đến cầu khu vực Đầm Sen (quận 11) dài khoảng 3 km được lấp đi để thay bằng cống hộp và bên trên làm đường (7-13 m). Hiện nay về cơ bản tuyến đường này đã hoàn thành.

Đoạn kênh còn lại từ khu vực Đầm Sen đến kênh Tàu Hủ là kênh hở (với bờ kè bê tông), có đường hai bên. Hiện các nhà thầu đang gấp rút thi công những đoạn bờ kè còn lại, sau đó nạo vét toàn bộ tuyến kênh để phục vụ việc tiêu thoát nước. Theo ông Lê Thanh Liêm, toàn bộ công trình sẽ được hoàn thành vào dịp 2-9-2014. Nhưng để giải quyết căn cơ ô nhiễm ở tuyến kênh này phải xây dựng nhà máy xử lý nước thải.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm