Điều tra viên sốt sắng gọi người nhà bị can trả nợ

Ông Vũ Xuân Dần (ngụ xã Bình Tân, huyện Bù Gia Mập, Bình Phước) đã gửi đơn tố cáo đến cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước về việc bà Trần Thị Búp (mẹ vợ ông Dần) bị bắt giam về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Theo ông Dần, công an có nhiều bất thường trong việc bắt giam bà Búp và sốt sắng đòi nợ cho bị hại…

Từ nợ nần trong mua bán hạt điều

Theo trình bày của ông Dần, tháng 8-2014, bà Búp có làm ăn với bà B. Trong quá trình kinh doanh, bà B. có mượn của bà Búp hơn 4 tỉ đồng. Sau nhiều lần trả, đến ngày 30-1-2015, bà B. còn nợ bà Búp 585 triệu đồng. Ngoài ra, cuối tháng 10-2014, bà Búp có giao cho bà B. 500 triệu đồng tiền đặt cọc mua hạt điều. “Như vậy, đến cuối tháng 1-2015, tổng số tiền mà bà B. nợ bà Búp là 1 tỉ 85 triệu đồng” - ông Dần nói.

Đến ngày 1-2-2015, bà Búp mua của bà B. hai container hạt điều trị giá hơn 1,6 tỉ đồng. Sau khi nhận hạt điều, bà Búp thanh toán và còn nợ lại bà B. 886 triệu đồng. Lấy lý do bà B. còn nợ mình 1 tỉ 85 triệu đồng, bà Búp cấn tiền để trừ bớt nợ.

Sau đó giữa bà Búp và bà B. nhiều lần gặp gỡ để thống nhất nợ nần nhưng hai bên không thỏa thuận được nên bà B. đã tố cáo sự việc lên công an.

“Chiều 12-2-2015 (ngày 24 tết), cơ quan điều tra Công an huyện Bù Gia Mập bắt tạm giam mẹ tôi về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Trong trại giam, mẹ tôi liên tục kêu oan” - ông Dần kể.

  Ông Vũ Xuân Dần với đơn tố cáo về việc điều tra viên điện thoại gợi ý lo tại ngoại. Ảnh: NĐ

Đến điều tra viên quá sốt sắng

“Sau khi bà Búp bị tạm giam, gia đình lên công an huyện xin gặp thì một lãnh đạo công an huyện cho vào gặp. Vị lãnh đạo này yêu cầu mẹ tôi phải nói người nhà trả nợ thay thì mới cho nói chuyện. Tuy nhiên, khi gặp mặt mẹ tôi nói là bị bắt oan và không thể trả nợ cho bà B. thì vị lãnh đạo công an huyện mời cả nhà ra ngoài, không cho nói chuyện. Điều này có phải là để gây áp lực với mẹ tôi và gia đình?” - ông Dần nói.

Chưa hết, theo ông Dần, trong thời gian bà Búp bị tạm giam, điều tra viên tên T. (người thụ lý điều tra vụ án) nhiều lần điện thoại yêu cầu gia đình mang tiền lên trả nợ.

Trong băng ghi âm, điều tra viên này yêu cầu người nhà mang tiền lên gặp ông chứ không được giao cho người khác; gợi ý việc “lo cho bà ấy ra ngoài ăn tết” và khẳng định: Hồ sơ anh làm thì anh đề xuất, anh quyết định…”.

Theo quy định, công an được quyền chứng kiến việc thỏa thuận dân sự trong vụ án hình sự. Tuy nhiên, trong vụ này điều tra viên quá sốt sắng, gợi ý những điều bất thường nên ông Dần bức xúc nói: “Đây chỉ là việc tranh chấp dân sự giữa hai bên nhưng công an bắt giam mẹ tôi. Khi bị tạm giam thì lãnh đạo, điều tra viên sốt sắng yêu cầu mẹ tôi trả nợ, gợi ý việc “lo tại ngoại” cho mẹ tôi là quá bất thường. Vì vậy, tôi tố cáo đến các cơ quan chức năng”.

“Sếp chỉ đạo sao anh làm vậy...”

Điều tra viên tên T. (Công an huyện Bù Gia Mập): - Anh gọi chú để nói chú biết là mọi chuyện cứ phải cẩn thận nha.

Ông Dần: - Là sao anh, em không rõ. Là sáng mai cầm tiền lên chỗ anh?

Ông T. : - Thì chuyện cầm tiền lên thì tao đ.. nói rồi. Đó là đương nhiên rồi. Nhưng lỡ may chú đưa tiền cho bà D., bà T. là mình rách hết việc. Cứ cầm tiền lên chỗ anh để anh triệu tập họ lên. Cứ phải đâu ra đấy, đừng dại đưa ngang cho người ta… Anh dặn nè: Thứ nhất, chuyện mang tiền lên là đương nhiên. Thứ hai, bà già nói là phải lo cho bà ấy ra để bà ấy ăn tết, để còn làm việc. Nhưng chú phải kiếm người có uy tín, tất nhiên là có uy tín với sếp chứ không phải với anh. Phải kiếm người có uy tín lên gặp sếp nói chuyện chứ chú lên không có tiếng nói gì.

Ông Dần: - Dạ em biết rồi nhưng mấy bữa trước lên gặp anh H. (một lãnh đạo Công an huyện Bù Gia Mập) nhưng căng thẳng quá…

Ông T.: - Căng thẳng là do bà già chú từ chối nhưng giờ viện nó phê cái lệnh rồi nên bà già đồng ý… Do bà già trước không đồng ý khắc phục hậu quả nên ông H. tức.

Bây giờ em phải kiếm người có uy tín. Mọi chuyện bây giờ ngoài nói chuyện với anh H. ra thì em chỉ nói chuyện với anh thôi. Đừng khơi khơi mang tiền lên mà phải nhờ người có uy tín để người ta có tiếng nói.

Ông Dần: - Nếu em nhờ người có uy tín lên thì gặp anh H. là ok chứ anh?

Ông T.: - Lên gặp nhưng phải có thiện chí… Hồ sơ anh làm thì anh đề xuất anh quyết định…. Bây giờ nhà có vách ngách có lỗ tai. Mai chú lên một mình là không được đâu đấy. Mà phải có người đại diện lên, có tiếng nói, quen biết với sếp. Anh làm theo hồ sơ, sếp chỉ đạo sao anh làm vậy… anh điện nhắc nhở vậy.

___________________________________

Trung tá Nguyễn Văn Hùng - Phó Công an huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước thông tin: “Hiện ban giám đốc công an tỉnh cũng đã yêu cầu công an huyện báo cáo. Vụ án này cơ quan điều tra làm đúng trình tự, thủ tục theo luật định, VKS đã phê chuẩn các lệnh của công an chứ không tùy tiện. Hiện vụ án cơ quan điều tra vẫn đang tiếp tục làm rõ. Còn thông tin về điều tra viên có gợi ý đó là phản ánh một chiều của ông Dần”.

Trong khi đó, một lãnh đạo Công an tỉnh Bình Phước cho biết: “Ban giám đốc đã giao cho văn phòng cơ quan CSĐT (Phòng PC44) công an tỉnh làm rõ vụ việc”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm