Doanh nghiệp làm biến dạng báo chí

Chiều 18-1, hội nghị báo chí toàn quốc đã diễn ra tại Hà Nội. Thông tin tại hội nghị cho hay trong tổng số hơn 800 cơ quan báo chí đang hoạt động, chỉ hơn 2/3 là tự nuôi sống mình và số còn lại đang phải dựa vào bầu sữa ngân sách. Nhưng tình trạng này sẽ không thể kéo dài, bởi như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ, chính sách chung về bao cấp sẽ hẹp dần, ngay cả với những cơ quan báo chí có vị trí quan trọng như Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Đài Tiếng nói Việt Nam.

Báo cáo do Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo nhận định về cơ bản, báo chí năm qua đã tuân thủ nghiêm túc lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước; đưa tin kịp thời, trung thực, toàn diện đời sống chính trị, kinh tế-xã hội trong nước và quốc tế; là diễn đàn thực sự tin cậy của nhân dân. Báo chí đã góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân, cổ vũ nhân tố mới tích cực, phân tích, phản biện chính sách, đấu tranh kiên quyết với tham nhũng, lãng phí, thúc đẩy triển khai các chủ trương lớn của Đảng, trong đó có việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII.

Ủy viên Bộ chính trị - Trưởng ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: TTXVN

Bên cạnh những đóng góp tích cực, cơ bản ấy, trong tinh thần “tự phê bình cao”, Ủy viên Bộ Chính trị - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cho rằng đời sống báo chí đang bộc lộ những hạn chế, yếu kém đáng lo ngại. Việc xây dựng, bồi dưỡng nhân sự các cơ quan báo chí chưa thực sự được chú trọng, đến mức có tờ báo muốn tìm người làm tổng biên tập mà không có. Ở cấp thấp hơn, trong đội ngũ PV có những trường hợp nền kiến thức nằm dưới mức trung bình của xã hội.

Cũng theo ông Thưởng, từ các báo cáo công tác quản lý, chỉ đạo báo chí thấy rõ trong lúc các cơ quan báo chí vật lộn làm kinh tế thì cũng bị chi phối, ảnh hưởng từ các công ty truyền thông. “Sự tác động của doanh nghiệp làm biến dạng báo chí cách mạng. Hiện tượng tác động của lợi ích nhóm vào hoạt động báo chí là rất mạnh. Vụ nước mắm chỉ là việc điển hình, chưa hẳn lớn. Nhiều vụ ghê gớm hơn nhiều, chỉ là không có chứng cứ thôi” - người đứng đầu cơ quan lãnh đạo tư tưởng nhận xét.

Ông Võ Văn Thưởng cũng cho rằng thời gian dài trước đây có hiện tượng buông lỏng trong quản lý báo chí. Việc cấp phép hoạt động báo chí có phần dễ dãi, dẫn tới những cơ quan báo chí không đủ năng lực, phải xào xáo tin, bài từ các tờ báo khác. Có tờ báo điện tử đọc mà không biết của ai, cơ quan nào quản lý. Năm qua, bước đầu đã chấn chỉnh, xử lý theo pháp luật các sai phạm của báo chí.

Báo chí tự thân sẽ không thể đóng góp, thúc đẩy tiến bộ nếu thiếu sự phối hợp của các cơ quan nhà nước. Từ góc nhìn Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá thời gian qua Chính phủ, các cơ quan Chính phủ đã làm khá tốt việc cung cấp thông tin về những chính sách, pháp luật đã ban hành. Nhưng vậy chưa đủ, bởi để người dân đồng thuận, đồng lòng thực hiện thì từng cơ quan nhà nước phải chủ động hơn nữa trong cung cấp thông tin từ khâu dự thảo, xây dựng chính sách. Đây là việc Chính phủ sẽ phải cố gắng làm tốt hơn nữa trong thời gian tới.

Ngoài ra, cũng theo ông Đam, trong thời đại mạng xã hội phát triển, chi phối mạnh đến tâm lý xã hội, cán bộ, công chức nhà nước cần làm quen, chủ động nắm bắt và hiểu các quy luật vận động của truyền thông thời Facebook để có ứng xử phù hợp.

Về công tác quản lý, chỉ đạo báo chí, báo cáo tại hội nghị cho biết đề án quy hoạch báo chí đã được Bộ TT&TT tham mưu, báo cáo Thường trực Chính phủ để điều chỉnh, bổ sung. Thời gian tới đề án này sẽ được báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị trước khi hoàn thiện, trình Thủ tướng xem xét, ban hành. Cho đến nay đã có 32/66 cơ quan thuộc diện thực hiện quy hoạch báo chí chủ động xây dựng, gửi báo cáo dự kiến quy hoạch. Nếu đề án được thông qua, dự kiến năm 2017 một số cơ quan báo chí có đủ điều kiện sẽ được chọn làm thí điểm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm