Độc đáo ngôi đình nơi ông Phan Văn Khải hay uống trà

Sáng 19-3, đình Tân Thông ở xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM trở nên vắng lặng hơn ngày thường bởi thiếu ông Hai Khải (tên bà con nơi đây thường gọi nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải) - người thường vào đình trò chuyện, uống trà với các lão làng.
Ngôi đình gần 200 năm tuổi
Đình Tân Thông được xây dựng vào thế kỷ 19, thờ Thành hoàng Bổn Cảnh của làng Tân Thông, được vua Tự Đức ban sắc phong vào năm 1953. Đây là cơ sở tín ngưỡng dân gian, có giá trị về mặt lịch sử, thể hiện tình đoàn kết, tình yêu quê hương, đất nước từ thời kỳ mở đất, lập thôn. Đây là địa điểm gắn với phong trào cách mạng sôi sục của thành phố trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.

Cổng đình và cổng tam quan được thiết kế công phu.

Theo những bô lão ở làng, lúc đầu chỉ là ngôi đình bằng gỗ, lợp lá đơn sơ thờ Thần hoàng Bản Cảnh và thực hiện các nghi lễ dân gian, cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an; từng được vua Tự Đức phong sắc thần Thành hoàng.

Ngôi đình nằm gọn giữa rừng cây được bác Khải mang về từ Tây Ninh.

Ông Nguyễn Văn Khỏe (89 tuổi, Trưởng ban Di tích lịch sử đình Tân Thông) kể chuyện thời kháng chiến, đình bị tàn phá nghiêm trọng.
Đến năm 2009, được sự vận động của ông Phan Văn Khải, đình được tu sửa, đến cuối năm 2010 thì hoàn thành. Ngôi đình khang trang mọc lên trên mảnh đất quê hương khiến ai nấy cũng vui mừng và cũng từ đó, đây trở thành nơi mà nguyên Thủ tướng thường xuyên lui tới, uống trà, trò chuyện cùng những người bạn vong niên, lắng nghe bà con tâm sự, bình dị, thân tình.

Chính điện của đình Tân Thông.

Mặt chính của đình quay về hướng Tây Nam, xung quanh đình được bao bọc bởi tường gạch, trên có hàng rào sắt sơn đỏ. Xung quanh đình là những hàng cây sao dầu, cây đa râm mát. “Những cây sao dầu đó là ông Hai xin từ dưới Tây Ninh về, cùng các bô lão tự tay trồng từ năm 1997” - ông Khỏe ngước nhìn về phía những hàng cây thẳng tắp, mắt ngân ngấn.

Mặt sau của bức bình phong là bốn câu thơ mang đậm ý nghĩa hào hùng của vùng Tân Thông đất thép thành đồng do chính tay cố Thủ tướng Phan Văn Khải viết.

Kiến trúc nghệ thuật độc đáo
Đình Tân Thông gồm có: cổng đình, cổng tam quan, bức bình Phong, sân đình, chánh điện, nhà hậu, các bia và miếu thờ.
Cổng đình cách đình khoảng 100 m, được đổ bê tông, toàn bộ hai chân trụ cột được đắp nổi hoa văn hình rồng, ôm trụ cột bằng sành, mái giả ngói ống, trên bờ nóc mái có trang trí hình tượng Lưỡng long chầu nhật nguyệt. Xung quanh là những bức tranh khắc họa những năm tháng đấu tranh cùng giặc Mỹ, nhân dân Tân Thông Hội một lòng theo Đảng.

Mái định có gắn hình rồng uy nghi.

Bên cạnh cổng đình là cổng tam quan với kiến trúc độc đáo, cổng chính có ba tầng nóc, lợp mái âm dương. Vào cổng là bức bình phong xi măng hình vòm. Mặt trước bức bình phong khắc hai câu đối "Vì Tổ quốc thời trai trẻ quyết ra đi - Yêu làng quê xin cống hiến tuổi già". Ông Khỏe nói rằng hai câu đối đó chính là tâm nguyện suốt đời của ông với quê hương, đất nước.
Mặt sau của bức bình phong là bốn câu thơ mang đậm ý nghĩa hào hùng của vùng Tân Thông đất thép thành đồng do chính tay cố Thủ tướng Phan Văn Khải viết: “Hào khí miền đông nuôi nhân cách. Đất thép thành đồng vang núi sông. Tân Thông truyền thống còn ghi mãi. Công đức ơn sâu nặng nghĩa tình”.

Cây đa bác Khải thích trong khuôn viên đình.

Bên trong khuôn viên đình còn có núi Ngũ hành sơn, điện ngũ hành thờ năm vị thánh mẫu không chỉ mang ý nghĩa tâm linh lịch sử mà còn là danh lam thắng cảnh cổ kính thu hút khách du lịch gần xa.

Toàn bộ cây xanh trong đình được bác Khải mang về từ Tây Ninh, trồng vào năm 1997.

Suốt 43 năm giữ đình, hơn chục năm ngồi uống trà cùng Anh Hai, điều mà ông Nguyễn Văn Hưng (thủ từ ngôi đình) nhớ đến nhất chính là sự giản dị và lối sống chí công vô tư của ông.

Ông kể có mấy lần Anh Hai đến đình chơi mà chưa có ai đến mở cửa, ông kiên nhẫn ngồi chờ một mình. Khi mọi người đến, ông cười tươi, nói ngồi uống trà, chút mở cửa cho ông vào thắp nhang. “Bữa ăn của ông giản dị lắm, ông bảo chỉ cần bó rau lang với con cá rô là đủ. Tổ chức ăn uống ở đình, ông đâu chịu ăn mâm trên đâu. Ông bảo ngồi ăn riêng, ăn không vô”.

Trong khuôn viên đình còn có núi Ngũ hành sơn. Trên này có bia tưởng niệm 379 người con Tân Thông hy sinh trong kháng chiến.

Thượng tướng Trần Đơn - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cũng đã trồng một số cây xanh trong khuôn viên đình.

Đình vẫn sừng sững uy nghiêm đứng đó. Những hàng cây vẫn xôn xao cùng gió. Nhưng hôm nay, một người con ưu tú của mảnh đất này đã ra đi….

Ngày 20-12-2016, UBND huyện Củ Chi, TP.HCM tổ chức đón nhận bằng công nhận xếp hạng di tích lịch sử cấp TP đình Tân Thông, tọa lạc ở ấp Trung, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi.  

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm