"Đòi bỏ đèn vàng là chưa hiểu rõ luật giao thông"

“Đèn vàng được thiết kế để đảm bảo an toàn giao thông. Như vậy, việc tồn tại của đèn vàng là cần thiết và khi gặp đèn vàng cần phải chạy chậm và dừng để đảm bảo an toàn”. Ông Lâm Thiếu Quân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Tiên Phong (người có nhiều đề xuất, áp dụng các giải pháp giao thông thông minh), nói khi đề cập đến tranh cãi “bỏ hay giữ đèn vàng”.

Xanh đi, đỏ dừng. Vàng thì sao?

Ở các ngã ba, ngã tư hay các điểm giao cắt thường có đèn đỏ, vàng, xanh đặt theo thứ tự theo chiều thẳng đứng từ trên xuống hoặc theo chiều ngang từ trái qua phải.

Trong các trường học, thầy cô hay dạy: “Đèn xanh, đèn đỏ, đèn vàng/ Ba đèn tín hiệu an toàn giao thông/ Đi đường bé nhớ nghe không!/ Đèn xanh tín hiệu đã thông đường rồi/ Đèn vàng chậm lại dừng thôi/ Đèn đỏ dừng lại, kẻo rồi tông nhau/ Bé ngoan, bé giỏi thuộc làu/ Xanh đi, đèn đỏ dừng mau đúng rồi”.

“Trường học dạy một cách nôm na. Nhưng Luật Giao thông đường bộ đã quy định rõ xanh được đi, đỏ cấm đi và vàng là báo hiệu sự thay đổi. Khi đèn vàng sáng phải cho xe dừng trước vạch dừng, trừ trường hợp đã quá vạch thì được đi tiếp. Ngoài ra, ở những nơi tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng cần chú ý quan sát. Một số người cho rằng đèn vàng vẫn được đi như đèn xanh là chưa chính xác” - TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, nói.

Ông Quân và TS Phạm Sanh đều cho rằng đèn vàng thuộc hệ thống đèn tín hiệu giao thông đã tồn tại từ rất lâu. Hiện nay các nước phát triển, có hệ thống giao thông hoàn chỉnh vẫn duy trì đèn vàng. Từ đó, họ nhận xét: “Quy định xử phạt lỗi vượt đèn vàng của nước ta là phù hợp, cũng không sai luật. Các ý kiến nói rằng quy định về đèn vàng của Việt Nam lạc hậu là không chuẩn xác”.

Ô tô và xe máy vượt đèn vàng tại vòng xoay Lăng Cha Cả (quận Tân Bình, TP.HCM) vào chiều 3-8. Ảnh: HOÀNG GIANG

Đèn vàng “làm sạch” nút giao cắt

Theo TS Phạm Sanh, đèn vàng có chức năng, ý nghĩa rõ ràng. Nếu đèn chỉ có hai pha xanh, đỏ thì khi đèn chuyển từ xanh qua đỏ sẽ còn một số xe và người đi bộ “mắc kẹt” ở các giao lộ. Tuy nhiên, sự có mặt của đèn vàng sẽ giúp số xe, người trên thoát ra hết các giao lộ một cách an toàn. Ông nhấn mạnh: “Việc có thêm một đèn tín hiệu chuyển tiếp sẽ giúp xe, người trong nút giao có thời gian đi hết đoạn giao cắt, nhường đường cho xe phía khác. Tuy nhiên, nhiều người không hiểu rõ vai trò của đèn vàng nên xem nhẹ, coi có cũng được không cũng chả sao. Nhưng như đã nói, không có đèn vàng sẽ làm giảm tính an toàn và việc cố vượt đèn vàng sẽ tạo ra xung đột, dễ dẫn đến ùn tắc, tai nạn”.

Ông Lâm Thiếu Quân cho biết thêm thời gian của đèn vàng tại từng nút giao được tính toán dựa vào bề rộng của các điểm giao cắt, tốc độ thiết kế của đường. Thời gian này đủ để dòng xe thoát hết qua khỏi giao lộ mà không tạo ra xung đột với chiều xe đèn xanh bên kia.

Vậy thế nào là vượt đèn vàng?

Theo TS Phạm Sanh, đèn vàng không phải điểm cuối của đèn xanh mà là điểm bắt đầu của đèn đỏ nên khi thấy đèn vàng thì phải dừng. Tuy nhiên, do tính chất đặc biệt của khoảng thời gian chuyển tiếp từ xanh qua đỏ nên có ngoại lệ. Đó là nếu cảm thấy dừng xe mất an toàn thì tài xế được quyền vượt đèn vàng. Song cần lưu ý đây chỉ là tình huống hãn hữu.

Vậy chạy như thế nào để không bị coi là vượt đèn vàng?

Ngày 3-8, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền phổ biến pháp luật, Cục CSGT (C67), Bộ Công an, trả lời Pháp Luật TP.HCM: “Trường hợp bánh xe chớm chạm trước vạch dừng khi đèn chuyển sang vàng thì được đi tiếp mà không bị phạt. Tới đây, chúng tôi sẽ phối hợp để có các quy định, hướng dẫn rõ hơn về vấn đề này”.

Về ý kiến cho rằng nhiều nơi không có đèn đếm ngược dễ dẫn đến sự “giật mình” khi gặp đèn vàng, TS Sanh phản bác: “Đến giao lộ, có giao cắt thì phải giảm tốc độ và quan sát về lưu lượng xe, bề rộng đường để chủ động xử lý chứ không phải đến nơi mới ngó lên rồi giật mình. Thực tế nhiều người có thói quen xấu, khi đèn chưa qua xanh đã bóp còi inh ỏi đòi vượt. Ngoài ra, nhiều người muốn vượt đèn vàng khiến một số người lo dừng đèn vàng sẽ bị ủi vào đuôi xe. Do vậy, CSGT cần xử nghiêm các trường hợp vượt đèn vàng, theo tôi, cần tập trung làm ở một số trục lộ chính, như ở TP.HCM thì chọn đường Phạm Văn Đồng, Điện Biên Phủ, Võ Văn Kiệt…” - TS Sanh đề nghị.

Xài bằng giả mới không biết dừng trước đèn vàng

Quy tắc giao thông và tín hiệu đèn đã tồn tại đã lâu, theo Công ước giao thông năm 1968, được nhiều quốc gia áp dụng. Tuy luật pháp quốc gia khác nhau nhưng về cơ bản đèn vàng phải dừng lại trước vạch dừng để việc đi lại trật tự, tránh rủi ro.

Quy định phạt lỗi vượt đèn vàng trong nước cũng được áp dụng từ lâu. Luật Giao thông đường bộ hiện hành có hiệu lực năm 2008 nhưng kế thừa các quy định và các quy tắc giao thông thời Pháp thuộc. Đèn vàng nhiều người hiểu là chuẩn bị dừng cũng đúng nhưng theo quy định là phải dừng lại trước vạch dừng. Nghĩa là cố vượt đèn đỏ hay vàng đều vi phạm.

Nhiều cột đèn tín hiệu chưa có đồng hồ đếm ngược cũng không ảnh hưởng đến việc dừng khi có đèn vàng. Vì theo quy định, người điều khiển phương tiện khi đến giao lộ phải chú ý quan sát đèn, vạch kẻ đường, biển báo hiệu và phương tiện đang lưu thông để đảm bảo an toàn. Các quy định này nằm trong nội dung được đào tạo khi sát hạch, cấp bằng lái xe. Chỉ những người điều khiển phương tiện chưa học luật, mua bằng hoặc sử dụng bằng giả mới chưa nắm các quy định này.

Thượng tá NGUYỄN QUANG NHẬT, Trưởng phòng Tuyên truyền phổ biến pháp luật, Cục CSGT

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy