Dồn các nguồn lực để ĐHQG TP.HCM thành đô thị đại học

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định như vậy khi cùng các bộ, ngành, lãnh đạo TP.HCM, Bình Dương làm việc với ĐH Quốc gia TP.HCM (ĐHQG) để tháo gỡ những vướng mắc và kiến nghị, ngày 20-11.

Đánh giá tầm quan trọng và vai trò đầu tàu về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và nghiên cứu khoa học của Đại học Quốc gia TP.HCM, Thủ tướng kêu gọi các bộ, ngành, đặc biệt là lãnh đạo tỉnh Dương và TP.HCM dành sự quan tâm, hỗ trợ về giải phóng mặt bằng, vốn để ĐHQG TP.HCM tiến nhanh, tiến mạnh, xứng tầm thời gian tới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng việc tập trung nguồn lực để ĐHQG TP.HCM trở thành đô thị ĐH, góp phần nâng cao động lực đào tạo, nghiên cứu, cung cấp nguồn nhân lực không chỉ cho khu vực Đông Nam Bộ và cho cả nước.

Dồn các nguồn lực để ĐHQG TP.HCM thành đô thị đại học ảnh 1
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm, cam kết sẽ hỗ trợ ĐHQG TP.HCM giải quyết dứt điểm bồi thường giải phóng mặt bằng. Ảnh: P.ĐIỀN

Thủ tướng lưu ý, thời gian tới ĐHQG TP.HCM cần tiến tới cơ chế tự chủ, quan tâm tới chương trình khởi nghiệp đối với sinh viên, xây dựng các kế hoạch nghiên cứu khoa học gắn với các hoạt động thực tiễn của đất nước, thu hút nhân tài từ các nước đến giảng dạy nghiên cứu. “Muốn đạt được vấn đề vừa nêu cần rà soát, tháo gỡ khó khăn và cơ chế đặc thù mới thu hút đầu tư và nhân tài” - Thủ tướng nói.

Báo cáo với Thủ tướng, PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, Phó Giám đốc Thường trực ĐHQG TP.HCM, cho rằng thời gian đầu tư để ĐHQG trở thành đô thị ĐH phía Nam kéo dài khiến vốn bị đội lên. Trong đó khó khăn lớn là trong giải phóng mặt bằng và vốn để đầu tư các hạ tầng và cơ sở nghiên cứu.

Cụ thể, việc bồi thường giải phóng mặt bằng còn chậm do chưa hoàn thành khu tái định cư, chính sách giá đền bù các khu vực có thay đổi theo thời gian do chính sách của địa phương thay đổi. Cùng đó, dân cư xen lẫn trong khu đô thị ĐH, buôn bán cho thuê phòng trọ, các dịch vụ khác gây phức tạp trong khu vực.

Ông Đạt kiến nghị TP.HCM, Bình Dương và các bộ, ngành tiếp tục hỗ trợ ĐHQG TP.HCM giải phóng mặt bằng để hết năm 2018, bàn giao mặt bằng sạch cho các đơn vị thực hiện các dự án thành phần. Hết năm 2018, ĐHQG TP.HCM cần 2.000 tỉ đồng đầu tư phát triển các dự án, trong đó đáp ứng chỗ học cho 55.000 sinh viên.

Về những vướng mắc và kiến nghị của ĐHQG TP.HCM, Thủ tướng đã yêu cầu bộ trưởng, thứ trưởng các bộ, ngành và lãnh đạo tỉnh Bình Dương, TP.HCM có ý kiến phản hồi và nêu hướng tháo gỡ. Đồng thời Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng sạch bàn giao cho ĐHQG TP.HCM, thời gian tới hai địa phương cần dứt khoát, quyết liệt. Trong đó, tỉnh Bình Dương và TP.HCM cần thành lập ban chỉ đạo riêng để triển khai các hoạt động giải phóng mặt bằng, giải quyết dứt điểm.

Về nguồn vốn để thực hiện các dự án của ĐHQG TP.HCM, Thủ tướng cho biết sẽ tính toán từ nguồn ngân sách và vốn kích cầu từ TP.HCM, Bình Dương chia sẻ.

Dồn các nguồn lực để ĐHQG TP.HCM thành đô thị đại học ảnh 2

Thủ tướng trao huân chương Lao động hạng Nhất cho NGND-GS-TS Phan Thị Tươi và NGƯT-PGS-TS Dương Ái Phương của ĐHQG TPHCM. Ảnh: VGP-Quang Hiếu

Trước đó, đã đi thăm khu đô thị ĐHQG TP.HCM và có bài phát biểu chúc mừng các thầy cô, sinh viên tại lễ kỷ niệm 34 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 và 20-11-2016), và tặng ĐHQG TP.HCM 100 cuốn sách "Kính chào thế hệ thứ tư" của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

ĐHQG TP.HCM đang được xây dựng theo mô hình đô thị khoa học hiện đại đầu tiên của cả nước trên diện tích 643,7 ha tại khu quy hoạch Thủ Đức (TP.HCM) - Dĩ An (Bình Dương) nằm ở cửa ngõ Đông Bắc TP.HCM.

Đến năm 2016, diện tích đã giải phóng mặt bằng và được nhận bàn giao là hơn 470 ha, đạt 73%; diện tích đã xây dựng là 831.726 m2.

ĐHQG TP.HCM gồm tổ hợp sáu trường ĐH thành viên, một viện nghiên cứu và hơn 30 đơn vị trực thuộc gồm các viện, trung tâm nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đào tạo và phục vụ đào tạo. ĐHQG TP.HCM hiện có gần 5.700 nhân viên, trong đó hơn 3.600 giảng viên. ĐHQG TP.HCM hiện đào tạo hơn 60.000 sinh viên ĐH và sau ĐH.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.