Đồng hành đến công lý

Tháng 8-2005, phiên tòa phúc thẩm tuyên án tử hình Lê Bá Mai khiến cả tòa soạn ngỡ ngàng. Chúng tôi có chung nhận định: Không đủ chứng cứ để kết tội.

Tòa soạn được Ban biên tập giao nhiệm vụ trình bày vấn đề với những người có trách nhiệm. Hồ sơ vụ án và nhận định của báo được chuẩn bị để gửi đến Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, bà Nguyễn Thị Hoài Thu, ngay trước ngày bà đi công tác ở nước ngoài, đồng thời nhờ bà chuyển đến Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Thời gian quá gấp, bởi Mai chỉ kêu oan, không xin khoan hồng nên có thể bị xử bắn bất kỳ lúc nào. Bà Hoài Thu đã trao đổi nhanh với lãnh đạo Ủy ban Pháp luật, đồng thời giao cho chuyên viên nghiên cứu hồ sơ vụ án.

Mai là con trai duy nhất của dòng tộc. Cha của Mai gửi thư khẩn thiết: “Xin được hoãn thi hành án cho đến khi vụ án được làm rõ, giúp cho một gia đình có nhiều người hy sinh cho đất nước không bị tuyệt tự khi đất nước đã thái bình”.

Tháng 12-2006, VKSND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm. Và sau đó TAND Tối cao đã tuyên hủy bản án phúc thẩm để điều tra, xét xử lại.

Bà Hoài Thu đã về nghỉ hưu tại TP.HCM, thỉnh thoảng lại gọi điện thoại cho chúng tôi hỏi vụ việc đã được giải quyết đến đâu rồi. Chị Nguyệt, chuyên viên Văn phòng Quốc hội, người được bà giao nghiên cứu hồ sơ vụ án, cũng thường điện thoại nhắn nhủ:Pháp Luật TP.HCM đừng buông vụ này!”.

Để có kết quả hôm nay là sự đồng hành của rất nhiều người trên bước đường tìm công lý. Trong đó, có sự góp sức lớn, sự miệt mài theo đuổi của các luật sư đã bảo vệ quyền lợi miễn phí cho Mai. Cả người chủ trang trại nơi Mai làm thuê suốt bảy năm ròng thăm nuôi, kêu oan cho Mai.

Và nếu không có sự can thiệp của bà Hoài Thu, sự xem xét của Chủ tịch nước Trần Đức Lương để kịp thời ra lệnh hoãn thi hành bản án tử hình, hành trình tìm công lý trong vụ án này sẽ không thể tới đích.

 ĐỨC HIỂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm