BỘ TRƯỞNG CÔNG THƯƠNG TRẢ LỜI CHẤT VẤN

Dự án đắp chiếu, xem xét cả trách nhiệm hình sự

Sáng nay, 15-11, Quốc hội (QH) bắt đầu phiên chất vấn bốn bộ trưởng và bộ trưởng Bộ Công Thương là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn.

Làm sao chặn "con voi chui lọt lỗ kim"?

Đặt câu hỏi với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) đặt vấn đề: Báo cáo với QH về nguyên nhân của sự thua lỗ, yếu kém, kém hiệu quả của những siêu dự án do Nhà nước đầu tư, Bộ Công Thương quản lý, bộ trưởng chỉ rõ không loại trừ có sự cố ý vi phạm pháp luật của Nhà nước trong hoạt động quản trị, điều hành của DN… Đề nghị làm rõ những sai phạm này, đâu là trách nhiệm của cơ quan quản trị tại doanh nghiệp, đâu là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước? Bộ trưởng có kiến nghị gì với QH để khắc phục những bất cập trong quản lý đầu tư tại DNNN, không để lặp lại tình trạng “con voi chui lọt lỗ kim” như thời gian qua?"

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Tuấn Anh cho biết điểm chung của các dự án này đều kéo dài so với thời hạn đã được phê duyệt.

Theo Bộ trưởng, với năm dự án thua lỗ, tồn đọng được phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2003 đến 2008 và kéo dài cho đến nay, từ lĩnh vực xơ sợi, dệt may đến xăng etanol, xăng sinh học, gang thép… Điểm chung của các dự án này đều kéo dài so với thời hạn đã được phê duyệt.

Như dự án Đạm Ninh Bình hiện còn không quyết toán được đầu tư dù dự án đã đi vào vận hành. Các dự án này đều rơi vào thời điểm có những biến động trên thị trường thế giới nên khi kéo dài quá lâu, vượt quá thời hạn dẫn đến thị trường thế giới tác động, hưởng rất mạnh đến quá trình thực hiện dự án, ảnh hưởng đến tính khả thi của việc thực hiện dự án.

Có hạn chế, thậm chí là vi phạm

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, các dự án có hạn chế, tồn tại, thậm chí là có những vi phạm. Cụ thể là năng lực của chủ đầu tư, mà ở đây là các tập đoàn, tổng công ty 91 khi được phê duyệt chủ trương đầu tư của CP đều là người trực tiếp quản lý hoạt động dự án đầu tư.

Cạnh đó là năng lực còn hạn chế của các ban quản lý dự án cũng như các đối tượng được trực tiếp giao quản lý các dự án. Ví dụ, dự án đạm Ninh Bình, xơ sợi Đình Vũ…

“Năng lực của chúng ta trong việc đàm phán ký kết, quản lý các hợp đồng để thực hiện các dự án này, khả năng thực hiện của các nhà thầu, trong đó có cả các nhà thầu nước ngoài. Hạn chế về nguồn nhân lực dẫn đến các dự án bị kéo dài, thậm chí nhiều dự án không thực hiện được đúng các quy định của hợp đồng...”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

Ông Trần Tuấn Anh cũng cho biết các dự án này đến nay đều có đặc điểm chung là hiệu quả kinh tế không còn. Nếu có được đưa vào triển khai thực hiện cũng không đủ điều kiện để cạnh tranh, thậm chí một số dự án doanh thu không đủ bù cho chi phí...

Làm rõ trách nhiệm cần phải có… thời gian

Chưa đồng ý với câu trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh tiếp tục chất vấn về trách nhiệm cụ thể trong các dự án trên.

"Dư luận và người dân quan tâm đến trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đến đâu? Trách nhiệm trong quản trị DN ở đó thế nào. Tôi thấy Bộ trưởng chưa đi vào những nội dung này. Tôi rất lo ngại, khi đầu tư các dự án tại tổng công ty 90, 91, cơ quan quản lý nhà nước chỉ cho chủ trương đầu tư còn triển khai thực hiện giao cho các chủ đầu tư. Tôi thấy việc này hoàn toàn không ổn. DNNN là DN sử dụng vốn nhà nước, tài sản nhà nước, sử dụng tiền thuế của dân lại khoán trắng, buông lỏng như vậy? Trách nhiệm quản lý của cơ quan chủ quản đến đâu? Bây giờ nói công nghệ không phù hợp thì vai trò của Bộ KH&CN ở đâu? Vai trò của Bộ Tài chính ở đâu trong quản lý vốn, tài sản nhà nước ở doanh nghiệp. Ngoài ra còn vai trò của Bộ KH&ĐT thế nào?..." - đại biểu Sinh nêu một loạt câu hỏi.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết quan điểm của CP và các bộ, ngành là khi đặt vấn đề tồn tại của các dự án này phải đánh giá đầy đủ nguyên nhân khách quan, chủ quan, căn cứ vào các khung pháp lý để đánh giá trách nhiệm...

Theo ông Trần Tuấn Anh, dự án kéo dài từ rất lâu, tính chất công nghệ, tính chất đặc thù của từng dự án khác nhau. Quá trình đánh giá cụ thể về nguyên nhân, trách nhiệm của từng khâu, từng bộ phận thế nào, đánh giá với khung pháp lý để làm rõ trách nhiệm cần phải có thời gian. Một số dự án đã có kết luận của Thanh tra CP, một số dự án đang được tiếp tục thanh tra, kiểm tra.

Hiện đã có chỉ đạo cụ thể về việc này. Không chỉ Bộ Công thương, Thanh tra CP mà còn kiểm toán và hàng loạt cơ quan khác đều tham gia vào quá trình xem xét, đánh giá cụ thể dự án.

Trước năm 2012, các dự án này đều đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, giao lại cho các tập đoàn, tổng công ty quản lý trực tiếp, phê duyệt các báo cáo khả thi.... Các bộ tham gia quản lý về chiến lược và quy hoạch của ngành, tham mưu, báo cáo CP và Thủ tướng để phê duyệt chủ trương đầu tư.

“ĐB lo lắng câu chuyện này tiếp tục tiếp diễn nhưng từ sau 2012, Nghị định 99 được ban hành, giao trách nhiệm theo từng lĩnh vực quản lý nhà nước. Chúng ta sẽ xem được rõ các trách nhiệm từ nay về sau của các bộ, ngành quản lý nhà nước, đặc biệt là các cơ quan chủ quản trong quản lý các DN”, ông Trần Tuấn Anh khẳng định.

Đối với quản trị doanh nghiệp, đã có khung khổ pháp lý cụ thể. Do vậy, các dự án trên được xem xét trên khung khổ pháp luật để xem có sự làm sai hay không, làm sai đó do vô tình hay cố tình, sai với mục đích gì, trách nhiệm đến đâu...

"Tuy nhiên, việc xử lý trách nhiệm nếu có, đặc biệt là các vi phạm pháp luật, có sự cố tình làm sai chắc chắn sẽ xem xét kể cả trách nhiệm hình sự" - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm