Dự án ‘trùm mền’, phải quy trách nhiệm cá nhân

Ngày 3-11, Quốc hội (QH) tiếp tục thảo luận tại hội trường về kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2017. Vấn đề được nhiều đại biểu (ĐB) quan tâm là xử lý trách nhiệm các cá nhân, tập thể để cho các dự án ngàn tỉ đội vốn, “trùm mền”.

Nhiều dự án có nguy cơ mất vốn

Giải trình trước QH, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết theo báo cáo của Chính phủ, hiện có năm dự án với số vốn đầu tư lên đến hàng ngàn tỉ đồng đang tồn đọng. Đó là xơ sợi polyester Đình Vũ, nhiên liệu sinh học Dung Quất, bột giấy Phương Nam, đạm Ninh Bình, gang thép Thái Nguyên.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, không chỉ năm dự án này, một số dự án khác còn tiềm ẩn những nguy cơ gây mất vốn đầu tư. Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành đang đánh giá, rà soát, kiểm tra một cách triệt để, toàn diện tất cả vấn đề tồn đọng của các dự án nêu trên.

“Việc đánh giá này thực hiện theo nguyên tắc đảm bảo hiệu quả của đồng vốn của Nhà nước, có phương án giải quyết triệt để nhằm đảm bảo không thất thoát thêm vốn của Nhà nước. Đặc biệt, phải làm rõ trách nhiệm của tất cả cá nhân cũng như đơn vị có liên quan để từ đó có biện pháp xem xét, xử lý” - Bộ trưởng Công Thương nói.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đề nghị sớm lập danh mục những dự án như Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói. “Nếu không công bố rộng rãi thì chúng ta cũng phải nắm cho chắc, quản cho chặt. Một ngày các dự án lỗ vài ba tỉ, cộng lại trong một năm sẽ là con số hết sức to lớn. Số tiền đang bị tiêu tốn vào những dự án ấy có thể giúp hàng chục triệu đồng bào ở vùng sâu, vùng xa cải thiện điều kiện sống” - ĐB Nghĩa nói.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Nhiều dự án ngàn tỉ đang tiềm ẩn những nguy cơ gây mất vốn đầu tư. Ảnh: CL

Tái cơ cấu: Phải vượt qua “tư duy nhiệm kỳ”

Giải trình ý kiến của các ĐB về chương trình tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: “Mấu chốt rất quan trọng là lãnh đạo của các ngành, các cấp cần vượt qua được chính mình, vượt qua được tư duy nhiệm kỳ, vượt qua lợi ích cục bộ của ngành, địa phương. Khi đó, nền kinh tế sẽ tránh được tình trạng cát cứ, chia cắt và tái cơ cấu mới thành công. Chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế mới được nâng cao”.

Theo Bộ trưởng Dũng, tái cơ cấu nền kinh tế là quá trình phức tạp, khó khăn và nhiều thách thức. Những giải pháp quyết liệt có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của một số bộ, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan. “Nguy cơ bị trì hoãn hoặc thực hiện không nhất quán, không quyết liệt, không thực chất là rất lớn, làm chậm quá trình tái cơ cấu kinh tế nói chung” - Bộ trưởng Dũng lo ngại.

Đang xem xét trách nhiệm trong sự cố Formosa

Bên hành lang QH sáng 3-11, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà đã có những chia sẻ liên quan đến xử lý trách nhiệm về sự cố môi trường Formosa.

. Phóng viên: Nhiều ĐBQH nêu quan điểm rằng sau sự cố môi trường Formosa, đến nay vẫn chưa có ai phải chịu trách nhiệm…

+ Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Quy trình xử lý các vấn đề liên quan đến sự cố môi trường Formosa đang được Đảng và Nhà nước làm hết sức khẩn trương, triệt để. Trong đó có xem xét lại trách nhiệm các bên liên quan, kiểm điểm lại trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước các cấp theo đúng quy định.

Việc kiểm điểm này có sự tham gia của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ… Mọi việc được làm rất kỹ, có sự thống nhất và sẽ công bố kết quả cho toàn dân.

. Riêng trách nhiệm của Bộ TN&MT, cơ quan chức năng đã chỉ đạo kiểm điểm, xử lý thế nào?

+ Hiện Bộ TN&MT đang phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương trực tiếp kiểm tra lại các dấu hiệu sai phạm. Ban Cán sự Bộ đã kiểm điểm, báo cáo và đang chờ cấp trên xem xét, có kết luận. Như Thủ tướng đã nói, quy trình làm rất chặt chẽ, truy trách nhiệm đến cùng, làm tới đâu công bố kết quả tới đó.

. Trong các cá nhân liên đới trách nhiệm, có người đã nghỉ hưu. Vậy Bộ sẽ xử lý ra sao?

+ Đối với những người đã nghỉ hưu, cấp ủy quản lý sẽ thực hiện theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra. Tất cả mọi việc đều làm theo quy định về công tác kiểm tra của Đảng, về quy định xử lý kỷ luật cán bộ.

Bộ máy quá cồng kềnh

Bộ máy của chúng ta có thể nói là rất cồng kềnh, rất đông người, không ít bộ phận không còn cần thiết cho công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành. Ví dụ, tôi thấy nhiều ban chỉ đạo thực sự không cần thiết. Cùng với sự cồng kềnh, số lượng nhiều như vậy thì chất lượng cán bộ bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém.

Chúng ta cần rà soát, sửa đổi tổng thể bộ máy hành chính hợp lý hơn. Tôi đề nghị hằng năm Chính phủ và các cơ quan nhà nước khác phải báo cáo QH về việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế và số kinh phí đã giảm được nhờ việc sắp xếp đó.

ĐB DƯƠNG VĂN THỐNG, Yên Bái

Cần sớm trả lại môi trường biển sạch

Vụ xả thải ra môi trường của Formosa, Chính phủ cần nghiên cứu mở rộng các đối tượng bị ảnh hưởng thiệt hại ngoài bảy nhóm đối tượng được bồi thường theo Quyết định 1880 ngày 29-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ. Chính phủ cần xử lý nghiêm khắc, rõ ràng đối với những cá nhân, tổ chức có liên quan để răn đe chung.

Trước mắt người dân được bồi thường sáu tháng thiệt hại là cần thiết, song không thể thay thế được sinh kế ngàn đời nay. Vì vậy, Chính phủ cần tập trung mọi nguồn lực, cần sớm xử lý, trả lại môi trường biển trong sạch cho nhân dân. Đây mới là mục tiêu và là nhiệm vụ trọng tâm.

ĐB HOÀNG ĐỨC THẮNG, Quảng Trị

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bình Dương có thêm một thành phố

Bình Dương có thêm một thành phố

(PLO)- Với quyết nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bình Dương chính thức có năm TP là Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên và TP Bến Cát.

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy