Đừng để di sản Hội An 'đóng băng'

Đó là câu hỏi được đặt ra tại hội thảo bảo tồn và phát triển các đô thị di sản diễn ra tại Hội An (Quảng Nam) vào chiều 14-6 khiến nhiều người trăn trở.

Vẫn “lúng túng” với… di sản

Theo kiến trúc sư Võ Đăng Phong (Trung tâm Bảo tồn di sản Hội An), đối với Hội An có cần phải phát triển theo một kế hoạch nào cụ thể hay là phải đóng băng bảo tồn. Có nhiều kiến trúc cổ quan như bảng hiệu Hội An đã ghi dấu một thời kỳ lịch sử thì bây giờ bị thay thế bằng những bảng hiệu, cột điện. Vậy có nên tháo gỡ những cột điện để thay thế lại để phù hợp hay không.

Hội An đang phát triển du lịch mặc dù còn nhiều khó khăn trong công tác bảo tồn.

Có nhiều loại hình kiến trúc khác nhau phản ánh một thời kỳ đang còn ở phố cổ. Nếu bây giờ mà người dân phát hiện ra một kiến trúc có niên đại 1800 thì phục hồi theo niên đại đó hay làm mới. Bảo tồn tính chân xác như thế nào trong thời kỳ mới khi mà cuộc sống người dân thì đang phát triển. Vậy thì bây giờ làm sao để đáp ứng cho họ.

Trong nội dung tham luận tại hội thảo, ông Phạm Trường Hoàng, Trưởng khoa Du lịch, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho rằng cho đến nay nhiều điểm du lịch ở Quảng Nam phát triển là nhờ một phần không nhỏ của người dân địa phương ở nơi có di sản. Ví như Hội An, trong những năm trước đây thì có thể chỉ nhìn thấy những phần cũ kỹ nhưng đến bây giờ thì đã phát triển thành một địa điểm du lịch nổi tiếng.

Hội thảo bảo tồn và phát huy giá trị các đô thị di sản. Ảnh: HUY TRƯỜNG

Hiện nay Hội An đã hình thành nhiều làng du lịch, nhiều khu du lịch thu hút khách không những trong mà còn ngoài nước đến ngày càng đông. Ở những địa điểm như Trà Quế hay Cẩm Thanh, trước đây sơ sài nhưng bây giờ khách đến đây đã biết đến làng rau Trà Quế hay Khu du lịch sinh thái Cẩm Thanh.

Để được như thế, chính người dân địa phương là những người làm du lịch đầu tiên và học làm du lịch. Người dân cũng xác định tính chân xác và tạo ra những tính chân xác mới. Ông Hoàng đưa ra ví dụ cụ thể ở Quảng Nam, làng Triêm Tây (Điện Bàn, Quảng Nam) những năm trước đây chỉ là những khu ngổn ngang nhưng bây giờ đã thay đổi hẳn, có một diện mạo mới.

Những khái niệm như làng du lịch xanh, làng du lịch sinh thái có lẽ nghe hơi lạ nếu là trước đây nhưng nay trở thành thương hiệu du lịch khá nổi tiếng không chỉ Hội An. Bằng sự tương tác giữa các bên đã tạo ra cho Hội An một sự sáng tạo đáng nể.

“Ngoài ra còn do tư duy người dân địa phương, gen sáng tạo của người dân địa phương về vấn đề du lịch để có một Hội An như hôm nay. Ngoài ra còn có các tầng lớp sáng tạo mới, như những người từ nơi khác đến Hội An để sáng tạo. Sự chia sẻ tri thức cũng tạo nên tính sáng tạo của một khu di sản. Năng lực cộng đồng của Hội An đã giúp cho họ phát triển du lịch sáng tạo” - ông Hoàng nhấn mạnh.

Cần phát triển thành phố di sản theo hướng mở

Trong khi đó, ông Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) nhìn nhận: Hội An là địa phương đi lên du lịch từ làng quê. Đó cũng là một sự phát triển đáng nói. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển đó, có nhiều thứ đang đe dọa đến du lịch Hội An.

Ông  Phạm Trương Hoàng nhấn mạnh việc bảo tồn và phát triển di sản Hội An cần có sự sáng tạo của người dân địa phương.

“Chúng ta đang bị động trong vấn đề này, có nhiều thứ ảnh hưởng đến du lịch Hội An. Chúng ta cần phải có tiếng nói gì đó với nhà quản lý để có một cái khuyến cáo chung, để phát triển đô thị nhưng vẫn giữ gìn di sản một cách bền vững” - ông Ánh nêu quan điểm.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch Liên hiệp Phát triển bền vững, nêu một hướng mở lạc quan cho du lịch trong thời gian tới. Theo bà Hạnh, cần nhìn nhận giá trị cốt lõi thì mới phát huy được giá trị cốt lõi phù hợp với thời kỳ mới. “Gần đây, chúng ta đã tranh cãi rất nhiều về giá trị cốt lõi về di sản là gì. Chúng ta cần có tư duy mở để hoạt động du lịch được tốt hơn, tránh trường hợp tranh cãi quá nhiều mà không có lợi ích gì cho người dân" - bà chia sẻ.

Kiến trúc sư Võ Đăng Phong nêu vấn đề về bảo tồn và phát triển di sản Hội An trong thời kỳ mới.

Ghi nhận những băn khoăn này, GS Wiliam Logan, chuyên gia UNESCO, chia sẻ về kinh nghiệm, tiêu chí cần tính tới ở đây là tính lan tỏa giá trị văn hóa. Hội An là thương cảng quan trọng của Đông Nam Á, giá trị lan tỏa văn hóa mạnh đến mức nào là quan trọng. TP Hội An thay đổi rất lớn trong thời gian này, tuy nhiên một số giá trị nguyên thủy đã mất đi.

"Mà đã mất đi thì khó có thể lấy lại. Hội An cũng là một di sản điển hình, cần cân nhắc vấn đề này. Có rất nhiều "di sản" không nên quên, như là bản sắc của người dân" - GS Wiliam Logan nói.

Cũng trong buổi hội thảo, các đại biểu tham gia đã thống nhất thông qua tuyên bố Hội An về bảo tồn và phát huy đô thị cổ với 10 điều khoản. Trong đó, nội dung chủ yếu là đảm bảo việc bảo tồn các đô thị lịch sử và di sản đô thị của châu Á một cách có hiệu quả và công bằng, hướng tới cách tiếp cận toàn diện và xem xét bối cảnh nhận thức rộng lớn, cần có các chính sách và cơ chế rõ ràng, áp dụng cách tiếp cận dựa trên quyền con người nhằm đảm bảo sự tham gia tích cực của cộng đồng trong việc thiết kế, quản lý và chia sẻ công bằng lợi ích… 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm