Đuối vì họp - Bài 2: Quá tải họp, còn đến bao giờ?

Họp là hoạt động không thể thiếu được trong chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền TP. Vấn đề còn lại là làm sao để cho phiên họp chất lượng, không gây nên tình trạng quá tải vì họp. Thế nhưng câu chuyện quá tải này vốn đã được đề cập bao năm nay. Vậy mà tình hình vẫn chưa thực sự chuyển biến. Tại sao thế?

Nhiều ban bệ cứ luân phiên nhau họp

Lý giải vấn đề này, một chủ tịch phường cho rằng hiện có quá nhiều ban bệ tồn tại và nào là ban chỉ đạo về giảm nghèo bền vững, an ninh trật tự, xây dựng nông thôn mới, phòng chống dịch, kế hoạch hóa gia đình… Tính ra là vô cùng nhiều ban đang hoạt động và triển khai đủ thứ loại công tác.

Các ban chỉ đạo có thể mỗi tháng hoặc mỗi quý họp một lần nhưng với các cấp thực hiện như ở phường thì các cuộc họp ấy dần trở thành gánh nặng. Thường ngày cấp phường đã tất bật với đủ thứ cuộc họp từ giao ban hằng tuần, giao ban các cấp lãnh đạo như thường trực đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam đến giao ban với khu phố, đoàn thể, lực lượng công an… Họp theo thư mời, họp đột xuất, họp định kỳ..., đủ thứ loại họp. Đó là chưa nói các hội nghị sơ kết, tổng kết của các cấp, các ngành trên địa bàn cứ mời liên tục. Không đi thì bảo không quan tâm nhưng đi thì đúng là rất phung phí vì tới chỉ toàn nghe tham luận dài sòng sọc, nhiều khi chẳng bổ ích gì.

Một lãnh đạo phường khác cho rằng cách họp hiện nay thường theo kiểu việc gì cũng mời đầy đủ các thành phần, các cấp đến họp. Trong khi đó cấp phường không nhất thiết phải tham dự bởi có dự cũng chỉ “lên ngồi không, đợi nghe hết phát biểu rồi về”.

Vị này dẫn chứng vừa qua các đoàn công tác TP về quận làm việc kiểm tra công tác thực hiện chỉ đạo của TP xuống quận. Sau khi UBND quận báo cáo lên thì cuộc họp chỉ “lôi” các chỉ đạo của TP cho quận đã làm tới đâu để xử lý, gần như không đá động gì tới phường. Thực tế các dự án, chỉ đạo tập trung chủ yếu liên quan đến phòng ban của quận, rồi từ quận quán triệt triển khai xuống phường nên những cuộc họp này phường cũng chỉ lên ngồi đến hết buổi.

Trước thực trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng việc mời thành phần dự họp cũng phải cân nhắc cho kỹ, ai chịu trách nhiệm chính thì mời người đó đi họp để nắm nội dung rồi về chỉ đạo hoặc trao đổi lại. Còn cuộc họp nào cũng cấp lãnh đạo đi họp thì không ai chịu nổi. Thay vì tốn thời gian họp nhiều như thế nên để lãnh đạo phường đi xuống cơ sở nắm tình hình của dân để triển khai thực hiện các kế hoạch, công việc thì mang lại hiệu quả cao hơn.

Sáng 20-9, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân Đỗ Đình Thiện đã chủ trì một cuộc họp với bốn nội dung nhằm rút ngắn thời gian họp cho các thành phần liên quan. Ảnh: LÊ THOA

Cấp dưới còn trông chờ cấp trên

Về phía các quận, huyện, lý giải về nguyên nhân họp nhiều, ông Đỗ Đình Thiện, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết Bình Tân là một trong những quận có dân số đông nhất TP với 700.000 người. Địa bàn lại phức tạp trong khi bộ máy nhân sự thì như nhau nên khối lượng công việc cần phải giải quyết rất nhiều và rất áp lực.

Vì vậy, ông Thiện cho rằng không họp thì không giải quyết được các vấn đề phức tạp. “Có nhiều vấn đề liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị, đòi hỏi mỗi đầu mối có ý kiến để lãnh đạo quyết định nên không họp thì không thể giải quyết được. Họp hành là yêu cầu cần thiết nhưng hiệu quả ở mức độ nào thì tùy vào năng lực của cấp điều hành” - ông Thiện nói.

Tuy nhiên, phó chủ tịch quận Bình Tân cũng nhìn nhận sẽ giảm được hội họp nếu những chỉ đạo cấp trên chuyển xuống mà cấp dưới giải quyết xong. “Chính vì năng lực điều hành cũng như xử lý công việc ở các cấp cơ sở chưa đạt yêu cầu nên phải mời họp để có hướng giải quyết. Đó cũng là lý do dẫn đến tình trạng họp nhiều lần. Vấn đề này UBND quận cũng đã có văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị tăng cường trách nhiệm, xử lý công việc theo thẩm quyền ngay từ cấp cơ sở, không đùn đẩy công việc lên cấp trên” - ông Thiện phân tích.

Ông Lê Hoàng Hà, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, cũng khẳng định việc họp là cần thiết. Tuy nhiên, theo ông Hà, vấn đề không phải là họp nhiều hay ít mà quan trọng là khi giao việc cho các cơ quan, cá nhân, tổ chức liên quan, họ làm hết trách nhiệm ngay từ khâu đầu tiên thì hiệu quả quản lý nhà nước sẽ được phát huy tốt hơn.

Chủ tịch UBND quận Gò Vấp nhận định: “Hiện nay đang có thực tế là nhiều công việc liên quan đến sự phối hợp của nhiều ngành, địa phương mà có lúc công tác phối hợp thực hiện theo quy trình chưa được nhịp nhàng. Vì vậy, có nhiều việc đúng ra không nhất thiết phải thường trực UBND TP, thường trực UBND quận tổ chức họp nhưng thực tế vẫn phải họp”.

“Do đó, cái chính làm sao trách nhiệm của quận, huyện, sở, ngành trong công tác tham mưu, kiến nghị phải thực sự có trách nhiệm thì lúc đó lãnh đạo TP có cơ sở vững chắc để ra quyết định thì cuộc họp mới hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tâm lý cấp dưới muốn dựa vào quyết định của TP nên công tác tham mưu chưa sâu, làm cho các cuộc họp để giải quyết các vấn đề đôi khi phải họp đi họp lại nhiều lần” - ông Hà phân tích.

Nói về nguyên nhân họp nhiều, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Trọng Tuấn cho rằng quá tải trong việc họp bắt nguồn từ sự quá tải về công việc trong một đô thị đặc biệt như TP.HCM.

“Công việc nhiều, họp nhiều để giải quyết là chuyện rất bình thường. Quan trọng là chất lượng và hiệu quả cuộc họp như thế nào” - ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, trước tình trạng quá tải công việc dẫn đến quá tải họp thì việc sắp xếp thời gian và tổ chức cuộc họp càng phải được tính toán khoa học, chất lượng. “Cá nhân tôi cũng phải tự đánh giá, xem xét để đổi mới phương pháp công tác để tránh những cuộc họp không cần thiết” - ông Tuấn nói.

Dồn nhiều nội dung vào một cuộc họp

Đuối vì họp - Bài 2: Quá tải họp, còn đến bao giờ? ảnh 2

Thường trực UBND quận Tân Phú thường tổ chức nhiều nội dung vào một cuộc họp để tránh tình trạng mời các phường, phòng ban đi họp nhiều mà không giải quyết được công việc chuyên môn của họ. Từ đó có thể một lãnh đạo quận chủ trì suốt một buổi hoặc kết hợp hai phó chủ tịch quận cùng chủ trì.

Tài liệu, báo cáo sẽ được gửi cho phường, phòng ban xem trước để việc phát biểu trong cuộc họp có chất lượng hơn, không tốn nhiều thời gian. Kể cả khi giải quyết khiếu nại cũng gửi nội dung trước thì khi hẹn dân lên các cơ quan liên quan đã nắm hết nội dung, chuẩn bị sẵn câu trả lời cho dân rồi, quận chỉ gút lại, làm giảm tình trạng phải họp nhiều lần.

Dĩ nhiên khi gửi tài liệu trước mới có thể đưa nhiều nội dung vào một cuộc họp. Không để khi đến họp mới trình bày sự việc, rồi mường tượng, đọc sự việc thì rất mất thời gian.

 HỨA THỊ HỒNG ĐANGChủ tịch UBND quận Tân Phú

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm