Formosa còn tồn hơn 700 tấn chất thải bùn đen

Ngày 25-7, Quốc hội (QH) đã thảo luận về chương trình giám sát của QH năm 2017. Trước sự cố môi trường do Formosa gây ra tại bốn tỉnh miền Trung, làm ảnh hưởng đến sinh kế của hàng triệu người dân, nhiều đại biểu (ĐB) QH đã đề nghị QH nên thực hiện chuyên đề giám sát về môi trường, đặc biệt là sự cố môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra…

Dân bức xúc, đại biểu của dân không thể im lặng

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa đề nghị thành lập ủy ban lâm thời hoặc đoàn giám sát liên ngành các ủy ban của QH để cùng với Chính phủ điều tra, xác minh đối với sự cố môi trường do Formosa gây ra. Ảnh: QH

“Vài năm gần đây vấn đề môi trường là vấn đề hết sức bức xúc. Cụm từ Formosa vừa qua được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Có thể nói sự cố môi trường do Formosa gây ra làm cho phần lớn cử tri rất băn khoăn, bức xúc, mấy tháng qua “ăn không ngon, ngủ không yên”. Những người có lòng yêu nước, quan tâm tới vận mệnh quốc gia hết sức băn khoăn, lo lắng” - ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đặt vấn đề.

Ông Nghĩa cho rằng trong bốn chương trình giám sát mà Ủy ban Thường vụ QH đề xuất ra QH xem xét (gồm an toàn vệ sinh thực phẩm, dự án giao thông đầu tư theo hình thức BOT, cải cách hành chính, hỗ trợ ngư dân gắn liền phát triển kinh tế biển và an ninh-quốc phòng) không có cụm từ môi trường là chưa ổn. Theo đó, ông Nghĩa đề nghị QH bổ sung chuyên đề giám sát chính sách pháp luật về đầu tư trong nước và nước ngoài liên quan đến việc phòng, chống vi phạm pháp luật về bảo vệ tài nguyên, môi trường.

“Nhiều kiến nghị cử tri rằng chúng ta phải giám sát toàn bộ dự án Formosa. Đây là thời điểm thuận lợi vì dự án này chưa bắt đầu cho nên việc xem xét xử lý có những thuận tiện nhất định” - ông Nghĩa nói. Theo ông Nghĩa, thời gian qua Chính phủ đã có cố gắng lớn về giải quyết hậu quả của vụ Formosa và kết quả ban đầu được nhân dân rất hoan nghênh. Tuy nhiên, ông Nghĩa cho rằng: “Chính phủ cứ làm việc của Chính phủ, còn nhân dân cử tri mong muốn QH phải làm việc của QH”.

“Người ta cũng đặt câu hỏi vì sao cho đến nay chưa thấy ĐBQH ở các tỉnh miền Trung và các ủy ban của QH có ý kiến gì cả, chí ít là có thông tin, có ý kiến dự kiến sẽ làm gì. Bởi vì đối với nhận thức của nhân dân và cử tri, đây là vấn đề rất nghiêm trọng và còn tồn tại đến 70 năm nữa. Do đó chúng tôi cho rằng sự vào cuộc của QH chỉ là tiếp thêm sức mạnh cho Chính phủ và cũng phù hợp với đường lối của Đảng. Nếu được và nếu chúng ta điều chỉnh kịp thời thì sẽ đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của cử tri, của nhân dân…” - ông Nghĩa nhấn mạnh.

Trên tinh thần đó, ông Nghĩa đề nghị QH thành lập ủy ban lâm thời hoặc đoàn giám sát liên ngành các ủy ban của QH để cùng với Chính phủ điều tra, xác minh đối với sự cố môi trường do Formosa gây ra.

Đang lấy mẫu phân tích 700 tấn bùn thải

Cùng ngày, đoàn giám sát của Bộ TN&MT do Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức dẫn đầu đã khảo sát thực địa tại các hạng mục xử lý môi trường của nhà máy Formosa cũng như việc thực hiện các cam kết môi trường.

Về phát hiện 53 hành vi vi phạm của Formosa vừa qua với lỗi quan trọng nhất là Formosa phải chuyển đổi công nghệ lò luyện cốc từ ướt sang khô thì phía Formosa trả lời rằng đang gấp rút nhập thiết bị để đảm bảo thực hiện đúng cam kết.

Formosa cũng cho hay đã xây dựng xong trạm quan trắc, hiện đang đặt mua trang thiết bị. Dự kiến ngày 10-8 sẽ hoàn thành việc lắp đặt. Bên cạnh đó Formosa đang xây dựng thêm trạm đo sáu chỉ số theo yêu cầu của Bộ TN&MT, trong đó có hai chỉ số xyanua và phenol hai độc tố gây ra tình trạng cá chết vừa qua.

Về việc khi đi vào hoạt động, Formosa có tới 14 ống khói, công ty này cho rằng đã chuẩn bị đầy đủ máy phân tích để đảm bảo khí thải ra môi trường đạt chuẩn quy định Việt Nam. Formosa cũng đang gấp rút triển khai chuyển đổi xử lý chất thải ở lò luyện cốc theo công nghệ ướt sang khô. 

Đáng chú ý, qua kiểm tra cho thấy hiện tại trong khuôn viên Formosa Hà Tĩnh còn tồn đọng hơn 700 tấn chất thải bùn đen có nguồn gốc từ bể lắng tại tổ xử lý chất thải công nghiệp. Hiện cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh đã lấy mẫu đem đi phân tích để xác định đây là chất thải độc hại hay thông thường. Từ đó mới có thể đưa ra phương án xử lý cuối cùng. Ông Thức cho biết thêm: “Bộ sẽ liên tục giám sát bằng các công nghệ hiện đại trong vòng ba năm ngay tại Formosa Hà Tĩnh”.

Ông Võ Kim Cự: “Không biết tiền sử gây ô nhiễm của Formosa”

Ngày 25-7, trả lời báo chí bên hành lang QH, ĐBQH Võ Kim Cự, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, cho biết trước khi ký cấp phép đầu tư cho dự án Formosa, ông không biết về tiền sử gây ô nhiễm của Formosa. “Cái đó thì hôm nay mình mới phát hiện còn trước đó thì chưa. Kể cả các bộ, chưa có bộ nào là không đồng ý Formosa cả, cũng chẳng có bộ nào nói Formosa có vấn đề ô nhiễm môi trường ở nước A, nước B mà dừng lại cả. Hồ sơ văn bản chúng tôi còn giữ nguyên đấy cả” - ông Cự nói.

Trước câu hỏi: “Liệu có cần phải xử lý trách nhiệm hình sự với cá nhân có liên quan cũng như với Formosa?”, ông Cự trả lời: “Trung ương đã có chủ trương, Chính phủ cũng đang làm quyết liệt và thực sự các bộ, ngành đang vào cuộc hết sức nghiêm túc, khách quan, quyết liệt và làm dứt điểm sớm, để càng kéo dài thì nó càng không hay cho nhiều vấn đề. Theo tôi, ai vi phạm thì phải xử lý theo pháp luật chứ không kể bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.

“Theo ông thì có trách nhiệm của những ai và ai là người có trách nhiệm cao nhất?”. Ông Cự nói: “Điều này phải qua kiểm tra cụ thể của cơ quan chức năng chứ mình không thể phát biểu một cách cảm tính được”.

VIỆT HOA ghi

 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy