Gặp khó khi muốn làm cha thật

Trước năm 1990, ông K. và bà H. kết hôn và sau đó bà H. sinh ra hai con là P. (sinh năm 1989) và N. (sinh năm 1998), giấy khai sinh ghi ông K. là cha.

Không phải cha thật

Do mâu thuẫn, năm 2001, bà H. gửi đơn đến TAND TP Nha Trang (Khánh Hòa) xin ly hôn với ông K. Tòa đã ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn giữa hai người và dành quyền nuôi cháu P. cho bà H. Riêng về cháu N. do cả ông K. và bà H. không đề cập đến nên quyết định của tòa cũng không ghi nhận gì.

Năm 2003, bà H. kết hôn với ông T. Lúc này, bà H. và ông T. đều cùng nhìn nhận cháu N. là con chung giữa hai người. Tuy nhiên, giấy khai sinh của cháu N. lại ghi ông K. là cha nên bà H. và ông T. tiến hành các thủ tục để cải chính lại tên cha ghi trong giấy khai sinh cho cháu.

Tháng 10-2011, bà H. cùng ông K. (chồng cũ) lập văn bản thỏa thuận với nội dung: Trước khi ly hôn với ông K., bà H. đã chung sống với người khác và sinh ra cháu N. Do lúc đó quan hệ hôn nhân với ông K. vẫn còn nên bắt buộc bà H. phải ghi trong giấy khai sinh ông K. là cha cháu N. Việc lập giấy khai sinh cho cháu N. ông K. không hề hay biết. Ông K. cam kết sẽ tạo điều kiện để cha đẻ của cháu N. tiến hành các thủ tục nhận con cũng như cam kết sẽ không có bất kỳ khiếu nại hay tranh chấp gì.

Văn bản này đã được một văn phòng công chứng tại TP Nha Trang chứng nhận.

Gặp khó khi muốn làm cha thật ảnh 1

Cả tòa lẫn ủy ban đều từ chối

Sau khi có văn bản cam kết được công chứng nêu trên, vợ chồng bà H. liên hệ UBND phường nơi đã cấp giấy khai sinh lập thủ tục công nhận ông T. mới là cha đẻ của cháu N., đồng thời xin cải chính tên cha trong giấy khai sinh. Tuy nhiên, yêu cầu này của vợ chồng bà H. đã bị UBND phường từ chối giải quyết. Theo UBND phường, bà H. sinh cháu N. trong thời kỳ hôn nhân với ông K. và cháu N. được cấp giấy khai sinh với tên cha là ông K. là đúng quy định của pháp luật. Theo giấy khai sinh thì cháu N. chính là con chung của bà H. với ông K. Văn bản cam kết thỏa thuận được công chứng giữa bà H. với ông K. không phải là một văn bản có giá trị xác định cháu N. là con của ông T. Nếu muốn xác định lại cha cho con thì ông bà phải nhờ tòa.

Theo hướng dẫn, vợ chồng bà H. nộp đơn yêu cầu TAND TP Nha Trang công nhận ông T. là cha của cháu N. Tuy nhiên, cán bộ của tòa cũng từ chối nhận đơn của vợ chồng bà H. Cán bộ tòa nêu lý do tòa án chỉ giải quyết những vụ việc có tranh chấp và thuộc thẩm quyền của tòa. Trong trường hợp này, các đương sự không có tranh chấp, cụ thể là các bên đã cam kết thỏa thuận xác nhận cháu N. là con của ông T. Do vậy, việc xác định cha con, cải chính giấy khai sinh phải được giải quyết theo thủ tục hành chính…

Trước hai quan điểm trên, vợ chồng bà H. lúng túng không biết phải làm sao…

Phải nhờ chồng cũ yêu cầu tòa cho từ con

Cả UBND phường và TAND TP Nha Trang từ chối giải quyết trong trường hợp này là đúng. Theo khoản 2 Điều 63 Luật Hôn nhân và Gia đình: “Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ đó là con chung của vợ chồng” và “trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được tòa án xác định”. Ông K. đã là cha của cháu N. nhưng nay ông K. không thừa nhận cháu N. là con của mình thì ông K. phải là người yêu cầu tòa án xác định mình không phải là cha cháu N. Đồng thời, ông K. phải cung cấp chứng cứ là kết quả giám định gen để tòa án có căn cứ giải quyết chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của ông K. Khi nào, tòa án có quyết định xác nhận ông K. không phải là cha của cháu N. thì lúc đó ông T. mới có điều kiện lập thủ tục nhận cháu N. là con và cải chính về phần cha trong giấy khai sinh của cháu N…

Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ,
Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa

HỒNG TÚ

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.